Học sinh Trường Tiểu học An Lập, huyện Sơn Động. |
Kể từ khi thành lập (năm 1993) đến nay, trường Tiểu học An Lập (thôn Chào, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) luôn chức năng thực hiện các yêu cầu quy định của Luật giáo dục và Điều lệ trường Tiểu học hiện hành; tham mưu tích cực cho địa phương về nhiệm vụ Phổ cập giáo dục Tiểu học cho trẻ trong độ tuổi trên địa bàn địa phương theo tiêu chuẩn quy định.
Hằng năm, trường Tiểu học An Lập thực hiện tốt các quy định theo Điều lệ trường Tiểu học và các quy định khác của ngành, địa phương. Quy mô nhà trường ngày càng phát triển, số lớp học 2 buổi/ngày tăng hàng năm; trong 5 năm gần đây, duy trì đạt 100% số lớp học 2 buổi/ngày. Đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo và trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao; chất lượng giáo dục được củng cố và phát triển vững chắc.
Qua quá trình phấn đấu thực hiện nhiệm vụ theo quy định, tháng 9/2000 nhà trường là đơn vị đầu tiên của huyện được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1996-2000, được công nhận lại vào các năm 2006, 2012, 2017, được công nhận kết quả kiểm định chất lượng cấp độ 3 và trường chuẩn quốc gia mức độ 2 tháng 12/2020.
Trong giai đoạn 2010-2020, nhà trường đã vinh dự được nhận danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc". Huân Chương Lao động hạng Ba (tháng 11/2007), Cờ thi đua xuất sắc của UBND Tỉnh Bắc Giang (năm 2015, 2020 và 2021) cùng nhiều bằng khen và phần thưởng khác...
Để đạt thành tích kể trên, Trường Tiểu học An Lập luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục tư tưởng-đạo đức và nâng cao chất lượng chuyên môn.
Cụ thể, về công tác giáo dục chính trị tư tưởng-đạo đức, trường thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị - Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh được chú trọng bằng việc tích hợp nội dung giáo dục qua các môn học và các hoạt động giáo dục, các hoạt động trên lớp và ngoài giờ lên lớp.
Nhà trường cũng đẩy mạnh giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các môn học, các hoạt động giáo dục; Có sự đầu tư, định hướng giáo dục hình thành các năng lực, phẩm chất cụ thể thông qua hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ…
Đồng thời, xây dựng trường học thân thiện, xanh sạch đẹp và an toàn; học sinh tích cực văn minh. Tiếp tục thực hiện sáng tạo các nội dung của hoạt động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó chú trọng các hoạt động như: Giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh thông qua các môn học; Xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; Đưa các nội dung giáo dục văn hoá truyền thống, giáo dục thông qua di sản vào nhà trường; Đẩy mạnh việc thực hiện “Văn hoá nhà trường, văn minh giao tiếp” đối với cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên trong trường học thông qua xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, nhằm phục vụ tốt yêu cầu giáo dục hiện nay của xã hội.
Về nâng cao chất lượng chuyên môn, trong công tác bồi dưỡng giáo viên, nhà trường tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho CBQL và giáo viên như: “Dạy học chuyển từ Tiếp cận nội dung sang tiếp cận, phát triển năng lực học sinh”; Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, định hướng phát triển năng lực”; “Công tác chủ nhiệm lớp” “Bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chuyên môn”; “Bồi dưỡng chuyên đề Văn hóa nhà trường”.
Song song với đó, trường vận dụng hợp lý những ưu điểm của trường học mới tại các lớp học; Áp dụng vào dạy học qua việc tổ chức lớp học, trang trí lớp, xây dựng góc học tập, góc thư viện, thư viện xanh. Đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo hướng cá thể hóa… để các em học từ thực tế; tăng cường kĩ năng vận dụng, thực hành và sáng tạo cho học sinh.
Tiếp tục thực hiện tích hợp dạy học Tiếng Việt và các nội dung giáo dục vào các môn học và hoạt động giáo dục. Tổ chức hiệu quả sinh hoạt chuyên môn (SHCM) tại các tổ, khối chuyên môn trong trường và cụm các trường được phân công; đưa SHCM trở thành hoạt động thường xuyên, có chất lượng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí, cán bộ tổ khối trong chỉ đạo chuyên môn, nâng cao năng lực chuyên môn.
Triển khai các biện pháp bồi dưỡng, phụ đạo, phối hợp giáo dục với gia đình để giảm tỉ lệ học sinh chưa hoàn thành môn học, hạn chế về phẩm chất và năng lực. Thực hiện bàn giao chất lượng giáo dục cuối năm; tổ chức các hoạt động CLB nhằm phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu các môn học, tổ chức các kỳ giao lưu cấp trường để tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Đặc biệt, Trường Tiểu học An Lập luôn xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2025, tầm nhìn 2030 để có tầm nhìn xa, thuận lợi cho việc hoạch định các nội dung công việc mang tính lâu dài, ổn định. Xây dựng kế hoạch theo từng mảng chuyên đề và phân công cán bộ phụ trách: Kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn; kế hoạch thư viện thiết bị; Kế hoạch Y tế; Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia… Xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng tuần, phân công rõ người, rõ việc và đôn đốc, giám sát thực hiện theo kế hoạch cá nhân theo tuần của từng thành viên.
Thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, trường đề ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu duy trì đạt chuẩn phổ cập mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2; Duy trì nâng cao chất lượng Kiểm định cấp độ 3, định hướng đạt cấp độ 4; trường chuẩn quốc gia mức độ 2; Xây dựng nhà trường theo định hướng Trường Tiểu học Chuẩn quốc gia chất lượng cao.
Tin tưởng rằng, những thành tích giáo dục đáng tự hào trong thời gian qua sẽ là tiền đề quan trọng để thầy và trò trường Tiểu học An Lập ngày càng bứt phá đi lên, từng bước khẳng định thế mạnh, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” của ngành giáo dục Bắc Giang nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.