Ảnh chụp màn hình bài trên báo Humanité đưa tin về 'vụ kiện lịch sử' của bà Trần Tố Nga vì các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Truyền thông Pháp: 'Vụ kiện lịch sử' vì các nạn nhân
Sự kiện này được đăng trên trang nhất báo Humanité số ra ngày 25/1, cùng một loạt các bài viết liên quan.
Bài viết có tựa đề "Câu chuyện về một tội ác chiến tranh của Mỹ được đưa ra xét xử sau 55 năm tại Pháp" phản ánh cuộc đời của bà Tố Nga cũng như hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng như cuộc đấu tranh mà bà bền bỉ thực hiện suốt hơn 6 năm qua.
Theo bài báo, thách thức đặt ra là phải có một tòa án Pháp công nhận mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với các sản phẩm diệt cỏ mà quân đội Mỹ sử dụng và tất cả các bệnh lý được phát hiện. Nếu được như vậy, hàng triệu nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường vì công việc chăm sóc họ vô cùng nặng nhọc và tốn kém.
Bài báo kết luận, dù bà Tố Nga luôn tự nhận mình chỉ là "hạt bụi nhỏ", song "chút bụi ngày hôm nay có thể ngăn chặn cỗ máy giết người và gây chiến tranh bằng nhiều cách khác".
Bài phóng sự dài trên báo Le Monde nhấn mạnh, bà Tố Nga biết sẽ phải trải qua cuộc chiến pháp lý lâu dài, với những kháng cáo cùng hàng loạt các loại giám định, tuy nhiên, đối với tất cả các nạn nhân, hy vọng cuối cùng là những thương tật của họ được công nhận nằm ở quyết định của hệ thống tư pháp Pháp.
Hiện không có vụ kiện nào khác chống lại các công ty hóa chất nông nghiệp, bên đã nhận thức được tính độc hại của các sản phẩm bán cho quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam.
Theo báo Nouvel Observateur, bà Tố Nga hy vọng, phiên tòa này sẽ tạo án lệ và thúc đẩy một sự công nhận của quốc tế về "tội ác hủy hoại môi trường". Tại Pháp, nó có thể giúp các nạn nhân của các chất diệt cỏ chlordecone hoặc glyphosate.
Trong trường hợp bà Tố Nga chiến thắng, án lệ sẽ thực sự thừa nhận trách nhiệm của những công ty hóa chất đa quốc gia trong việc gây tổn hại đến cuộc sống con người và môi trường.
Trong khi đó, báo Liberation trích dẫn rằng, chất khai quang cực mạnh và "đặc biệt độc hại", theo công nhận của công ty Dow Chemical, là tâm điểm của cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong thế kỷ 20 mà Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam, cũng như ở các nước láng giềng Lào và Campuchia. Những tác động lâu dài của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.
Báo Politis nhấn mạnh, trong tất cả các chất khai quang phá hủy thực vật, chất độc da cam là độc hại nhất vì nó chứa dioxin, được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại chất gây ung thư và tồn tại rất lâu trong cơ thể.
"Sự kiên cường, nhẫn nại và dịu dàng của bà Tố Nga đã trở thành vũ khí đáng gờm để chống lại các công ty hóa chất Mỹ, vốn tin rằng họ là những kẻ bất khả xâm phạm", tờ báo viết, "cuộc đua marathon pháp lý và sự tham gia rộng rãi của các phương tiện truyền thông nhằm mục đích phá vỡ điều cấm kỵ xung quanh thảm kịch này".
Đài Franceinfo nhận định, trong nhiều năm ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến chất độc da cam/dioxin đã được các gia đình giấu kín và thách thức của vụ kiện là làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử này bằng cách công nhận bản chất và mức độ thiệt hại.
Theo báo Reporterre, những tác động của chất độc da cam/dioxin đã được ghi nhận đến thế hệ thứ tư, ít nhất 100.000 trẻ em Việt Nam hiện bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Vì vậy, phiên tòa dân sự này không chỉ là một cuộc đấu tranh cá nhân mà có thể sẽ mang lại những thành quả đáng kể cho tất cả các nạn nhân.
Truyền thông Đức: Cuộc đấu tranh vì hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Ngày 26/1, Đài Phát thanh Đức (Deutschlandfunk) đã đăng phát thông tin về vụ kiện bắt đầu được tiến hành ở Pháp gần 50 năm sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Đài này dẫn lời bà Tố Nga phát biểu trước khi bắt đầu phiên tòa nói rằng, các công ty hóa chất cuối cùng phải chịu trách nhiệm cho việc cung cấp chất độc mà lực lượng Mỹ sử dụng ở Việt Nam khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng.
Đơn kiện của bà Tố Nga nêu rõ, chất độc da cam/dioxin mà Mỹ sử dụng ở Việt Nam đã gây tổn hại nghiêm trọng cho 4 triệu người cũng như môi trường sống, là tác nhân gây ung thư và dị tật.
Bài viết cũng cho biết, vụ kiện được bà Tố Nga nộp lên tòa án 6 năm trước này đã được nhiều tổ chức phi chính phủ ủng hộ.
Trước đó, ngày 25/1, báo Spiegel của Đức cũng đã có bài viết công phu về vụ kiện nêu trên với tiêu đề "Một mình vì mọi người chống lại những gã khổng lồ hóa học".
Bài báo nhận định, vụ kiện các công ty sản xuất chất độc da cam/dioxin của cụ bà 78 tuổi Trần Tố Nga, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, có thể mang lại kết quả lớn cho các nạn nhân.
Tác giả bài báo đã phỏng vấn bà Tố Nga, một phụ nữ bề ngoài mạnh khỏe, song trong máu vẫn còn dư lượng dioxin cao và từ nhiều năm qua bà đã bị hàng loạt chứng bệnh giày vò.
Theo bà Tố Nga, một tài liệu của công ty Dow Chemical từ năm 1965 đã chứng tỏ công ty này biết rõ sự nguy hiểm của chất độc với con người, song cố tình che giấu thông tin vì những hợp đồng béo bở.
Bài báo kết luận, cho dù các thẩm phán ra phán quyết ra sao và vụ kiện còn kéo dài bao lâu, bà Tố Nga không muốn bỏ cuộc vì bà luôn nghĩ về rất nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin không thể tới tòa. Bà nói: “Tôi không được làm họ thất vọng”.
Ngày 25/1, báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) cũng đăng bài viết về vụ kiện trên, trong đó viết rằng, người phụ nữ đầy mạnh mẽ và nghị lực Tố Nga muốn tiếp tục chiến đấu chống lại các tập đoàn hóa chất đa quốc gia vì đã sản xuất, cung cấp cho lực lượng Mỹ chất độc sử dụng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Theo bài báo, tòa án sẽ phải làm rõ liệu các công ty hóa chất có phải chịu trách nhiệm về các hành động của quân đội Mỹ ở Việt Nam hay không.
Nhiều tổ chức phi chính phủ đang ủng hộ bản cáo trạng của bà Tố Nga, người đã 3 lần bị phơi nhiễm với chất độc trong chiến tranh và kiện các công ty hóa chất không phải vì tiền mà mục đích quan trọng là đòi hỏi công lý, đòi hởi sự thừa nhận tác hại của chất độc đối với sức khỏe của những người tiếp xúc phải.
Bài báo cho biết năm 1984, công ty hóa chất Monsanto cùng 6 công ty khác đã phải chi 180 triệu USD cho các cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, song đưa ra "nghiên cứu" phủ nhận sự liên quan giữa chất độc da cam/dioxin với căn bệnh ung thư của các cựu chiến binh. Tuy nhiên, độ tin cậy về khoa học của những nghiên cứu này đã bị nghi ngờ nghiêm trọng.
Trong những năm sau đó, các cựu chiến binh từ Australia và Hàn Quốc cũng đã nhận được các khoản tiền cho những ảnh hưởng lâu dài mà họ phải gánh chịu, trong khi chưa một nạn nhân nào của Việt Nam được bồi thường.