Tối 15/7, phát thanh viên đài truyền hình nhà nước TRT của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đọc tuyên bố của nhóm “Hội đồng Hòa bình”, khẳng định rằng nhóm này đã thay thế lực lượng vũ trang chính quy Thổ Nhĩ Kỳ và giành được quyền kiểm soát đất nước này. Trong khi đó, trụ sở kênh truyền hình CNN Turk bị các binh sĩ đảo chính đánh chiếm và buộc phải ngừng phát tạm thời các chương trình của mình.
Tuy nhiên, các kênh truyền hình đã đóng vai trò trong việc làm thất bại âm mưu đảo chính khi truyền đi thông điệp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, kêu gọi những người ủng hộ ông xuống đường đồng thời cung cấp những bản tin cập nhật tình hình đầy ấn tượng.
Xe tăng của phe đảo chính tiến vào thủ đô Ankara đêm 15/7. (Nguồn: Reuters) |
Nữ phát thanh viên TRT Tijen Karas kể lại: “Tôi phải đọc tuyên bố (của những kẻ âm mưu đảo chính) ngay dưới họng súng. Họ trói quặt tay chúng tôi ra sau và cấm chúng tôi hỏi câu gì. Họ nhốt chúng tôi vào một phòng khóa kín, ngoại trừ 3-5 người phải làm việc phát tin. Tôi rất sợ hãi và đọc lập bập. Những giờ phút đó giống như một cơn ác mộng”.
Vài giờ sau, một nhóm binh sĩ vũ trang đánh chiếm trụ sở tại Istanbul của Dogan Media - một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sở hữu kênh CNN Turk cũng như nhật báo Hurriyet và phiên bản tiếng Anh Hurriyet Daily News. Kênh CNN Turk đã buộc phải ngừng chương trình phát sóng trực tiếp của mình.
Dù vậy, chính kênh CNN Turk đã truyền đi thông điệp đầu tiên của Tổng thống Erdogan tới công chúng. Ông Erdogan đã kết nối với kênh truyền hình tư nhân này bằng điện thoại thông minh, kêu gọi người dân xuống đường phản đối đảo chính.
Sau đó, các trường quay của CNN Turk bị các binh sĩ đảo chính đánh chiếm. Nữ phát thanh viên CNN Basak Sengul, người tỏ ra rất bình tĩnh và chuyên nghiệp, kể lại: “Tôi nghe tiếng họ nói, họ vào tòa nhà và tôi cũng nghe tiếng họ nói với các đồng nghiệp là phải ngừng phát sóng”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xuất hiện trên kênh CNN Turk thông qua ứng dụng FaceTime. (Nguồn: CNN) |
Kênh CNN Turk đã để trắng màn hình một lúc, thỉnh thoảng có xen tiếng súng và tiếng cãi cọ. Trong khi đó, biên tập viên của tờ Hurriet Sedat Ergin cho biết: “Lúc đó chúng tôi không thể in báo được”. Ông nói: “Vẫn có những vết đạn trên tường. Có lẽ tốt hơn là cứ giữ chúng như thế để không quên tối 15/7 này”.
Cho đến nay, ông Erdogan thường bị chỉ trích vì đàn áp giới báo chí bất đồng chính kiến. Tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên xấu đi trong suốt 13 năm ông làm Thủ tướng và sau đó là Tổng thống. Các nhà đấu tranh cho quyền lợi truyền thông cho rằng, chính quyền Ankara nên lưu tâm và đối xử với truyền thông một cách tôn trọng hơn sau vụ đảo chính này.
Tổng Thư ký Tổ chức Phóng viên Không Biên giới Christophe Deloire nói: “Như các thành phần khác trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, các cơ quan truyền thông hàng đầu trong tối 15/7 đã thể hiện sự tôn trọng với những nguyên tắc dân chủ. Đây là lúc chính quyền cần lưu tâm và ngừng đối xử khắt khe với giới báo chí. Tăng cường sự đoàn kết dân tộc đòi hỏi phải có sự tôn trọng các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do báo chí”.
Ngày 16/7, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim chúc mừng truyền thông vì đã thể hiện “lòng yêu nước” và đứng về phía nhân dân, đồng thời ông cũng tỏ ý xin lỗi vì những vụ việc đã xảy ra.