Ảnh chụp màn hình bài viết trên vice.com giải thích lý do vì sao Việt Nam không hoàn toàn dựa vào vaccine trong cuộc chiến với dịch Covid-19. |
Theo bài viết, tin tức lạc quan về tỷ lệ thành công đáng khích lệ của 2 “ứng cử viên” vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ khiến dư luận hết sức vui mừng và mở ra nhiều hy vọng, tạo sự “tăng vọt” cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây không phải tin quá “chấn động”. Tại đây, nhịp sống đang hồi phục một cách đáng kinh ngạc trong khi thế giới vẫn đang “quay cuồng” với những đợt phong tỏa và làn sóng Covid-19 liên tiếp.
Dạo quanh TP. Hồ Chí Minh những ngày này, không có giới hạn về khoảng cách xã hội tại các nhà hàng và trên đường phố, trong khi các rạp chiếu phim, quán bar và quán cà phê mở cửa và luôn tấp nập. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới gần như đã “thoát” khỏi đại dịch và trở lại với nhịp sống bình thường.
Gần 3 tháng qua, Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp phát hiện gần đây đều là những người nhập cảnh từ nước ngoài và được đưa đi cách ly trong 14 ngày.
Nhờ những biện pháp kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ, Việt Nam không cần quá rốt ráo “tranh giành” vaccine. Nói vậy không có nghĩa là Việt Nam không nỗ lực tự nghiên cứu và sản xuất vaccine hay không muốn mở lại biên giới.
Từ cuối tháng 10, Việt Nam đã thử nghiệm vaccine trên khỉ đuôi dài và dự kiến sẽ thử nghiệm trên người trong thời gian tới. Ngoài ra, có 2 loại vaccine khác cũng đang được nghiên cứu phát triển trong nước. Tháng 8, chính phủ Việt Nam công bố ý định mua tới 150 triệu liều vaccine Covid-19 của Nga.
Tuy nhiên, Việt Nam không “đặt cược” tất cả vào vaccine. Đầu tháng 11 này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết chính phủ sẽ tiếp tục các biện pháp chống dịch đã phát huy hiệu quả cho đến nay. Theo ông, chiến lược ngăn chặn Covid-19 của Việt Nam cho đến nay tiêu tốn không đến 400 triệu USD, một khoản chi tương đối nhỏ so với hiệu quả của nó mang lại.
Nhờ khả năng duy trì phần lớn hoạt động kinh tế, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng dự kiến 3% trong năm 2020. Dù tỷ lệ này là một sự sụt giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7% trong năm 2019, song vẫn tốt hơn nhiều so với các quốc gia “kiệt quệ” vì Covid-19.
Dù không vội vàng tiêm vaccine, song Việt Nam cũng đang lên kế hoạch cho ngày tiêm chủng. Ngày 30/9, Bộ Y tế cùng với tổ chức PATH và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo giới thiệu vaccine phòng chống Covid-19 tại Việt Nam.
Các hình thức giới thiệu vaccine có thể sẽ tiếp tục được xúc tiến trong những tháng tới, song Việt Nam vẫn sẽ coi kiểm soát biên giới và truy tìm nguồn bệnh là “tuyến phòng thủ” đầu tiên trong cuộc chiến chống đại dịch.