📞

Truyền thông Pháp: Thỏa thuận AUKUS củng cố chiến lược 'Nước Anh toàn cầu'

Nguyệt Ánh 17:33 | 23/09/2021
Bài phân tích “Thỏa thuận AUKUS củng cố chiến lược ‘Nước Anh toàn cầu’ của ông Boris Johnson” trên tờ Le Monde cho rằng, việc tích cực tham gia liên minh an ninh giữa Anh, Mỹ và Australia (AUKUS) thể hiện mong muốn chuyển hướng chính sách đối ngoại của London sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thời kỳ hậu Brexit.
Việc tích cực tham gia liên minh an ninh giữa Anh, Mỹ và Australia (AUKUS) thể hiện mong muốn chuyển hướng chính sách đối ngoại của London sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thời kỳ hậu Brexit. (Nguồn: Twitter)

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thỏa thuận AUKUS là một thành công ngoại giao không thể phủ nhận của Anh.

Quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng do Washington, London và Canberra công bố ngày 15/9 - theo đó cho phép Australia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực ẤnĐộ Dương-Thái Bình Dương, được cho là phù hợp với khái niệm “Nước Anh toàn cầu” mà Thủ tướng Boris Johnson rất tâm đắc.

Thỏa thuận này cũng cho phép nhà lãnh đạo Anh yên tâm về nền tảng vững chắc của “mối quan hệ đặc biệt” với Washington.

Anh "xoay trục" sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Phát biểu trước Hạ viện Anh ngày 15/9 sau khi thỏa thuận AUKUS được công bố, ông Johnson nêu rõ: “Trong khi một số người còn đang thắc mắc về ý nghĩa của việc xoay trục ‘Nước Anh toàn cầu’ sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khả năng London có thể sẵn sàng cống hiến cho nó, thì mối quan hệ đối tác với Australia và Mỹ đã cho câu trả lời.

Đây là biểu hiện mới trong cam kết lâu dài của Anh đối với khu vực này và thiện chí giúp đỡ một trong những đồng minh lâu đời nhất duy trì sự ổn định trong khu vực”.

Trước đó, hồi tháng 3, phố Downing đã công bố tài liệu “Đánh giá tổng thể về quốc phòng, an ninh và chính sách đối ngoại”, vạch ra các ưu tiên trong 10 năm tới của Vương quốc Anh sau khi “ly hôn” với Liên minh châu Âu (EU).

Tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng về địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay và những bài học cần rút ra, dẫn đến nước Anh phải tăng cường đáng kể sự hiện diện ở đó.

Thời điểm đó, các nước châu Âu rất khó chịu với việc xứ sở sương mù tỏ ra không hề có thiện chí ký kết một thỏa thuận quốc phòng và an ninh chiến lược.

Trong khi đó, chính phủ Anh lại thể hiện tham vọng châu Á bằng việc điều tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia đến Biển Đông và ký kết nguyên tắc một thỏa thuận thương mại tự do với Australia.

Theo Giám đốc Nhóm nghiên cứu chính sách đối ngoại Anh (BFPG) Sophia Gaston, thỏa thuận AUKUS đã “đặt các tham vọng 'đánh giá lại tổng thể’ vào thực tiễn, nhấn mạnh yếu tố kỹ năng và các điểm mạnh công nghệ của Anh, đồng thời đề cao sự chia sẻ trách nhiệm”.

Còn Jamie Gaskarth, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Mở và đồng biên tập của Tạp chí nghiên cứu an ninh toàn cầu của Anh giải thích: “Khái niệm 'Nước Anh toàn cầu' là tạo dựng mối quan hệ bền chặt hơn với các nước bên ngoài EU. Về mặt này, AUKUS được coi là một thành công khi cho phép biện hộ các mối quan hệ đối tác trong một nhóm đặc biệt, thay vì các đồng minh đa phương cồng kềnh và nặng nề.

Anh hy vọng sẽ tham gia nhiều hơn vào nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), đồng thời cũng đang tìm cách tăng cường mô thức quan hệ ba bên với Pháp và Đức trong các vấn đề an ninh”.

Cân bằng quan hệ với Australia, Pháp

Australia dường như là một đồng minh hợp lý của Anh khi cả hai đã hợp tác trong nhóm Ngũ Nhãn - liên minh tình báo giữa Mỹ, Canada, Australia, Anh và New Zealand.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Australia, đó là một nền dân chủ hàng hải lớn”, Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh ngay sau khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian than thở về “cú đâm sau lưng” của Canberra.

Ngoại trừ đảng Dân tộc Scotland (SNP) chống hạt nhân kịch liệt, các đảng đối lập khác ở Anh đều hoan nghênh thỏa thuận AUKUS, hy vọng sẽ mang lại cho London những lợi ích kinh tế đáng kể, với việc tạo ra “hàng trăm việc làm có trình độ cao” như lời Thủ tướng Johnson phát biểu.

Nhiều khả năng 2 tập đoàn chuyên về quốc phòng của Anh là Rolls-Royce và BAE Systems sẽ được mời gọi.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác mới đã đặt ra nhiều câu hỏi tại Hạ viện Anh xung quanh mối quan hệ với Pháp, quốc gia đã bị tước mất “hợp đồng thế kỷ” với Australia vì lợi ích của London và Washington.

Căng thẳng giữa Paris và London vốn đã rất nặng nề trong các vấn đề di cư hoặc hậu Brexit, nhưng Thủ tướng Johnson vẫn khẳng định “mối quan hệ giữa Anh và Pháp vẫn vững như bàn thạch, chúng ta sát cánh với Pháp ở Sahel cũng như ở Estonia, nơi chúng ta có các hoạt động lớn nhất trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Ông bày tỏ sự thông cảm trước nỗi thất vọng của Pháp, nhưng Australia đã quyết định thay đổi.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định: “Chúng tôi không đi câu cá theo hợp đồng, nhưng rõ ràng chúng tôi đã cân nhắc việc này khi phía Australia tiếp cận”.

Theo thỏa thuận, sẽ có một cuộc tham vấn kéo dài 18 tháng giữa các thành viên AUKUS để xây dựng lộ trình thực hiện hợp đồng tàu ngầm, trong đó có kế hoạch lắp đặt các dây chuyền sản xuất, kế hoạch lưu trữ vật liệu hạt nhân, thiết lập khả năng tương tác ở góc độ tình báo, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và phòng thủ.

Với tàu ngầm hạt nhân, Australia sẽ có những phương tiện chưa từng có để triển khai hoạt động tuần tra rộng khắp Biển Đông, với những khả năng ưu việt như lặn dưới nước trong thời gian dài và khó bị phát hiện.

Tuy nhiên, hạm đội này sẽ không được trang bị đầu đạn hạt nhân mà chỉ mang các tên lửa hành trình Tomahawk.

Nhưng chỉ cần như vậy cũng đủ khiến Trung Quốc căng thẳng hơn nhiều.

(theo Le Monde)