Việt Nam trở thành ‘ngọn hải đăng’, ‘điều thần kỳ’ châu Á năm 2020. Các hãng truyền thông quốc tế liên tiếp có các bài viết ca ngợi. (Nguồn: Getty Images) |
Với thành công kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế dương trong khi phần lớn các nước trên thế giới đều đang rơi vào cuộc khủng hoảng chưa tìm thấy lối thoát, Việt Nam trở thành ‘ngọn hải đăng’, ‘điều thần kỳ’ châu Á năm 2020.
Nâng cao vị thế quốc gia
“Covid-19: Ngoại lệ Việt Nam”, “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?" - đó là tiêu đề hai bài viết, một trên báo Les Echos của Pháp, một trên tờ New York Times của Mỹ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, dư luận quốc tế ấn tượng về một Việt Nam vừa là "ngọn hải đăng" trong chống dịch và "điểm sáng" trong tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19 và thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, trong 5 năm nhiệm kỳ qua (2015-2020), Việt Nam đã vượt qua tất cả những thử thách.
Tổng cộng, nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.
Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường.
Thu NSNN năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011-2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27-28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62-63%. Bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD). Thị trường nội địa được chú trọng; quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường…
Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Năm 2020, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.
Với mức tăng trưởng 2,12% trong 9 tháng đầu năm, tờ Nikkei Asia Review (Nhật Bản) nhận định Việt Nam đang trở thành "câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất của Đông Nam Á trong đại dịch".
Theo báo cáo ngày 22/12 của WB, tổ chức này nhận định nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới.
Đặc biệt, khu vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam đạt thành tích ngoạn mục trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19. Tuy những hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế làm giảm thu nhập bằng ngoại tệ của ngành du lịch, và kiều hối dự kiến giảm khoảng 7,8% trong năm 2020, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Không chỉ trên đà ghi nhận giá trị xuất siêu hàng hóa cao nhất từ trước đến nay, Việt Nam còn tích lũy được một lượng lớn dự trữ ngoại hối.
Tin liên quan |
Đại dịch Covid-19: vaccine trong cuộc chơi chính trị |
Trong khi đó, theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) vừa được hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance công bố, nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, với ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất 13.100 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD.
Những thành quả chống dịch ấn tượng năm 2020, cùng những nỗ lực và giải pháp kiên trì trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhiều năm qua đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.
“Kiểm soát tốt khủng hoảng Covid-19 chính là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, là cách để khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất từ các nước khác, nơi các nhà máy của họ vẫn bị đóng cửa, sang Việt Nam, qua đó góp phần đem lại kết quả xuất khẩu vững chắc”, WB nhận định.
Còn theo Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, thành công trong việc phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế và trong bối cảnh các công ty liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch sẽ càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Cảm hứng cho truyền thông quốc tế
Mới đây, trong bài viết với tiêu đề Nền kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng của châu Á thời Covid-19, BBC nhấn mạnh Việt Nam đã giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra và là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á “trên đà tăng trưởng” trong năm nay.
Còn trong bài viết Việt Nam tỏa sáng như là người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng Covid-19, tờ Asia Times có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, chính phủ không đặt vấn đề lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe người dân nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Chính điều này khiến người ta phải ngạc nhiên.
Bài viết cho rằng xuất khẩu chính là động lực cho tăng trưởng tổng GDP của Việt Nam. Nền kinh tế cũng ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với các nước Đông Nam Á khác, do đó ít chịu sức ép hơn khi du lịch quốc tế bị đình trệ.
Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả quan hơn. |
Việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả quan hơn. Việc IMF dự báo Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay “rõ ràng là sự ghi nhận đối với cách ứng phó nhanh, hiệu quả và minh bạch của Đảng Cộng sản Việt Nam trước dịch Covid-19”.
“Việt Nam không chỉ khiến các nước láng giềng Đông Nam Á nể phục mà còn được cộng đồng quốc tế ca ngợi về sự kiên cường của mình... Chắc chắn rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ lại khiến khu vực phải ghen tỵ trong năm 2021”, tờ Asia Times khẳng định.
Cùng chung nhận định lạc quan, trang mạng Proactive của Anh dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng trên 6% vào năm 2021 do có “nhiều động lực tăng trưởng”. Theo Proactive, sự kiên cường giữa đại dịch đã “giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn” và “tiếp thêm động lực” cho các mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác.
Mới đây nhất, trên chuyên mục "Việt Nam trên báo chí nước ngoài", hãng Sputnik của Nga đã đăng tải bài tổng quan, trong đó điểm lại những bình luận về Việt Nam trên báo chí Nga và các nước, qua đó phản ánh những thành tựu rực rỡ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đối ngoại và kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.
Theo bài báo trên Sputnik, bên cạnh ca ngợi sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch, một số lượng lớn các bài viết trên báo chí nước ngoài trong năm qua cũng tập trung vào việc nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm đầy khó khăn này và đang có mọi tiền đề để đạt nhịp độ tăng trưởng mạnh trong năm tới.
Đánh giá chung, hãng Sputnik nhận định, có thể nói rằng Việt Nam là hình mẫu anh hùng đích thực của năm 2020, năm đã gây cú sốc chấn động với nền kinh tế toàn cầu và đời sống cộng đồng. Những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua đã cho thấy sức mạnh kiên cường của nhân dân và sự sáng suốt của ban lãnh đạo đất nước, nhận được sự kính trọng, ngưỡng mộ chân thành của cộng đồng thế giới và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
| Tin bất động sản ngày 31/12: Sun Group ‘xuống tay’ 10.000 tỷ tại Thanh Hóa; đất vùng ven sẽ 'nóng' trong năm 2021 TGVN. UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý thống nhất chủ trương lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch Bến ... |
| Báo Singapore: Phục hồi hình chữ V, Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi thoát nguy cơ suy thoái TGVN. Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi trong ASEAN thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của ... |
| Báo Nga lại ‘mổ xẻ’ nguyên nhân khiến Việt Nam là ‘ngôi sao’ chống Covid-19 và điểm tựa từ lòng yêu nước TGVN. Tờ Sputnik của Nga cho rằng, không ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy Việt Nam làm tấm gương ... |