Theo Sina, Việt Nam có nhiều ưu thế nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài. (Nguồn: TTXVN) |
1. Vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam là quốc gia có địa thế ưu việt, khí hậu ôn hòa, dễ dàng đầu tư phát triển. Đầu tư để phát triển kinh tế và thu về siêu lợi nhuận là một lựa chọn sáng suốt của các nhà kinh doanh nước ngoài. Việt Nam có vị trí độc nhất vô nhị để đóng vai trò là bệ phóng cho khu vực dân số tập trung đông nhất hành tinh (tổng số ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vượt quá 2 tỷ người).
Vị trí ở bờ biển phía Đông của bán đảo Đông Nam Á giúp Việt Nam tiếp cận trực tiếp với Vịnh Thái Lan và Biển Đông. Cấu trúc địa lý đa dạng của núi, cao nguyên và ven biển phù hợp với các vùng kinh tế tổng hợp.
2. Ổn định chính trị. Hệ thống chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đảm bảo sự thống nhất của các chính sách phát triển kinh tế. Chính trị càng ổn định thì xu hướng tăng trưởng kinh tế càng nhanh. Đây là một lợi thế mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được.
Trong khi các nước trên thế giới vẫn đang chiến đấu với Covid-19, Việt Nam đã nối lại các hoạt động kinh doanh bình thường và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
3. Chính sách mở cửa đối với doanh nhân nước ngoài. Việt Nam luôn thay đổi các quy định về đầu tư trong từng thời kỳ và tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với một số ngành, miễn tiền thuê đất và sử dụng đất để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
4. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là một yếu tố khác giúp Việt Nam có lợi thế hơn nhiều nước trong khu vực. Việt Nam đã tích cực tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương; tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước phát triển.
5. Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Việt Nam ngày càng hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, chất lượng được đảm bảo. Không chỉ gia tăng ở các thành phố lớn, mà còn lan rộng ra các vùng miền. 5 năm qua, chất lượng dịch vụ vận tải được cải thiện đáng kể, nhiều phương tiện vận tải hiện đại, chất lượng cao. Kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá, đóng vai trò then chốt trong kết nối khu vực và quốc tế.
6. Lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao và chi phí khá rẻ. Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay được đánh giá là lực lượng lao động trẻ; giá nhân công rất cạnh tranh so với khu vực. Hầu hết lao động Việt Nam có kỹ năng nghề tốt, khả năng thích ứng với môi trường làm việc cao, trong khi giá nhân công mà các nhà đầu tư nước ngoài trả rất rẻ.
Người Việt Nam có lao động trẻ, tay nghề cao, có đạo đức làm việc tốt và tỷ lệ biết chữ trên 90%, được giáo dục tốt và sẵn sàng làm việc trong các ngành đòi hỏi kỹ năng cao như công nghệ thông tin, dược phẩm và dịch vụ tài chính với chi phí cạnh tranh hơn các nước khác trong khu vực.
7. Nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế Việt Nam phục hồi vào năm 2021 do có nền tảng vững chắc và khả năng tương đối để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Song vẫn cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để giúp nền kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế số, tăng hiệu lực và hiệu quả đầu tư công.
8. Tài nguyên thiên nhiên phong phú chưa được khai thác. Kể từ khi bắt đầu thăm dò dầu khí ngoài khơi vào những năm 1970, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu ròng dầu thô, bên cạnh việc cung cấp trữ lượng dầu khí tự nhiên, trữ lượng than và tài nguyên thủy điện, năng lượng sẵn có khác.
Khoáng sản ở Việt Nam bao gồm quặng sắt, thiếc, đồng, chì, kẽm, niken, mangan, đá cẩm thạch, titan, vonfram, bauxit, graphit, mica, cát silica và đá vôi. Đặc biệt, Việt Nam có một số lượng lớn các mỏ đất hiếm chưa phát triển ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái… Đây là nguồn nguyên liệu quý hiếm cho ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao mà nhiều nước không có.
9. Môi trường pháp lý được cải thiện đáng kể. Trong những năm qua, khung pháp lý và thể chế của Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể với những nỗ lực đáng chú ý trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Môi trường kinh doanh thông thoáng, chính sách đầu tư minh bạch và các ưu đãi về lợi nhuận doanh nghiệp.
10. Biến hội nhập thành cơ hội. Chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong quan hệ quốc tế giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với các nước trên thế giới. Quan trọng hơn, Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm gần đây để hội nhập tốt hơn, biến hội nhập thành cơ hội phát triển.