📞

TS. Lê Nguyên Phương: Nhà giáo dục cần có trách nhiệm giúp trẻ 'cách hiểu chính mình'

Kim Thoa 13:45 | 21/12/2022
Theo chuyên gia tâm lý học đường, TS. Lê Nguyên Phương, để giúp mỗi đứa trẻ bước vào đời được nhẹ nhàng hơn, phụ huynh cùng các nhà giáo dục có trách nhiệm cung cấp cho trẻ “cách hiểu chính mình”.
TS. Lê Nguyên Phương cho rằng, giáo dục cần hợp nhất những thiếu sót, điểm yếu của con người, hướng tới sự phát triển trọn vẹn, không chỉ có tri thức, mà còn cả tình yêu và sự dũng cảm. (Ảnh: NVCC)

Trong nền giáo dục hiện nay, dường như trẻ đang được cung cấp chủ yếu kiến thức. Rất ít nhà trường dạy các em biết khám phá về con người thật của mình, khơi gợi đam mê, sở trường của mỗi cá nhân. Góc nhìn của ông về vấn đề này?

Mặc dù hiện nay đã có nỗ lực của các cấp, các ngành, một số bộ sách giáo khoa nhằm khắc phục lối học “từ chương” (tức là văn chương đẹp như thơ nhưng vô ích trong cuộc sống) bằng cách bước đầu hướng dẫn học sinh phương pháp tư duy lẫn khơi gợi cảm hứng cuộc sống.

Tuy nhiên, đa số các tài liệu sử dụng trong nhà trường và một bộ phận giáo viên vẫn còn giữ thói quen giảng dạy theo lối “cung cấp kiến thức” là chính.

Khi phê phán một nền giáo dục mang tính áp bức, nhà giáo dục Marxist Paulo Feirre, trong chương 2 cuốn Sư phạm của kẻ bị áp bức (Pedagogy of the Oppressed), đã dùng ẩn dụ “ngân hàng” để ví với nhà trường - nơi giáo viên/giảng viên “ký thác” các kiến thức vô hồn vào các “tài khoản” chính là tâm trí sinh viên, học sinh.

Ông viết: “Vị thầy nói về thực tại như thể nó bất động, tĩnh tại, phân chia và có thể dự đoán được. Hoặc nếu không thì ông ấy giải thích về một chủ đề hoàn toàn xa lạ với kinh nghiệm hiện sinh của học sinh.

Công việc của ông ấy là 'điền' cho học sinh nội dung bài tường thuật của mình - những nội dung xa rời thực tế, xa rời tổng thể đã tạo ra chúng và có thể mang lại ý nghĩa cho chúng”.

Trong một nền giáo dục như thế, dù sinh viên, học sinh có thể được quyền mà Feirre gọi là “sưu tập” hoặc “lập danh mục” cho những kiến thức này, nhưng lối giảng dạy ấy đã khiến người học trở nên không trọn vẹn do thiếu sự sáng tạo.

Quan điểm của Paulo Feirre cũng là quan điểm của tôi về kiến thức trong bối cảnh giáo dục hiện nay.

Thực tế, không ít bậc phụ huynh đầu tư cho con để tạo ra những thần đồng chứ ít đầu tư nhằm giáo dục trẻ thành con người biết yêu thương, sẻ chia. Ông nghĩ sao về điều này?

Nỗi ám ảnh đói nghèo nay trở thành nỗi mặc cảm lẫn sự hiếu thắng đã khiến nhiều phụ huynh đẩy con em của mình thành... “thần đồng”. Họ mong muốn không chỉ bảo đảm cho con một tương lai tài chính ổn định qua một nền giáo dục ưu tú ở nước ngoài mà còn để nâng cao giá trị và lòng tự tôn của bản thân.

Tuy nhiên, có bao giờ các bậc cha mẹ tự hỏi, khi đầu tư cho con cái trở thành thần đồng như vậy, chúng ta đã thực sự yêu thương chúng hay không? Đứa trẻ có thực sự hạnh phúc khi thành công?

Đó là chưa kể đến việc với những đứa trẻ được coi là thần đồng hay thiên tài thường phải chịu đựng mặt trái, đó là quá nhạy cảm, cầu toàn, hướng nội, cô đơn, hiếu thắng, với cảm giác lạc lõng trong nhóm bạn bè bình thường.

Khi yêu con, chúng ta cần dạy cho chúng được tự lập, hiểu được thế giới xung quanh chứ không phải gò trẻ trong những thước đo thành tích, khiến chúng mất tự do, đánh rơi niềm vui học tập và đánh mất chính mình.

Theo tôi, đó phải là một nền giáo dục hợp nhất những thiếu sót, điểm yếu của con người, hướng tới sự phát triển trọn vẹn, không chỉ có tri thức, mà còn cả tình yêu và sự dũng cảm; không chỉ có theo hướng sinh tồn bằng nghề nghiệp, mà còn sự trưởng thành về nhân cách.

Những năm gần đây, giáo dục hòa nhập, giáo dục cảm xúc được đề cập khá nhiều. Theo ông, để có một nền giáo dục bền vững phải bắt đầu từ đâu?

Cho dù có thêm vào một vài nội dung hay chương trình giáo dục hòa nhập hay cảm xúc thì cũng chỉ có giá trị xây dựng một năng lực để phục vụ một chức năng hạn chế trong xã hội. Điều đó nằm trong các mục đích nghề nghiệp hay xã hội hóa mà không tính đến một nền giáo dục cho sự phát triển bền vững.

Một nền giáo dục phát triển bền vững chỉ có thể đạt được thành công nếu những nhà lãnh đạo giáo dục tích cực thay đổi và phụ huynh chủ động đòi hỏi sự chuyển đổi từ một nền sư phạm “ký thác kiến thức”, thầy đọc trò chép sang giáo dục chuyển hóa, để người học được thỏa sức sáng tạo và thể hiện quan điểm của mình.

Điều này đòi hỏi không chỉ một mô hình giáo dục mới mà cả một triết lý giáo dục mới dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về bản tính con người.

TS. Lê Nguyên Phương giao lưu với các bạn trẻ. (Ảnh: NVCC)

Vậy nhà trường cần thiết phải xây dựng chương trình thế nào để trẻ có kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện?

Thực tế, một chương trình giáo dục tiến bộ không nên chỉ dạy trẻ có kiến thức mà còn phải có kỹ năng sống. Năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cần được xây dựng trên nền tảng ý thức cá nhân về vai trò của mình trong cuộc sống.

Vì vậy, toán học hay văn học không phải là những bài toán hay bài văn để đọc, giải đáp và viết theo mẫu mà là những vấn đề của cuộc sống phức tạp được đại diện qua những bài tập.

Người học được thực hành việc phê phán và giải quyết những vấn đề đời sống cụ thể, từ đó kiến tạo bản thân mình và tái kiến tạo xã hội. Việc này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về năng lực tư duy lẫn nhu cầu tâm lý của từng độ tuổi.

Qua đó, cung cấp cho các bộ môn trong từng khối lớp hay cấp học không chỉ là khối kiến thức mà là một hệ thống tri thức liên lạc với các cấp độ về từ vựng, cấu trúc văn bản, kỹ năng tư duy cao dần cũng như những vấn nạn tâm lý.

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc trẻ cần học được cách hiểu chính mình?

Câu hỏi này khiến tôi nhớ tới câu: “Một cuộc đời không thẩm tra thì không đáng sống” của Triết gia người Hy Lạp cổ đại Socrates.

Biết cả thế giới nhưng không hiểu được chính mình có thật là điều đáng mong ước không? Cuộc sống chỉ cho ta vài lần để thẩm định lại cuộc đời của chính mình, với những câu hỏi hiện sinh như “Ta là ai?”, “Ý nghĩa sự hiện hữu của ta là gì?” và “Ta phải làm gì hay sống như thế nào để xứng đáng với sự hiện hữu đó?”.

Tâm lý học cho phép đặt giả thuyết về những giai đoạn khủng hoảng trong đời người khiến chúng ta phải đặt lại vấn đề về sự hiện hữu và ý nghĩa của cuộc sống. Những khủng hoảng này không nhất thiết do tuổi tác đơn thuần mà có thể do những biến cố xuất hiện ở một số giai đoạn của đời sống như tuổi vị thành niên, tuổi trung niên…

Vì thế, để giúp cho mỗi đứa trẻ bước vào đời được nhẹ nhàng hơn, phụ huynh lẫn nhà giáo dục có trách nhiệm cung cấp cho trẻ “cách hiểu chính mình”.

Khi hiểu chính mình, trẻ hiểu được thế giới, phân tích, đánh giá qua lăng kính nào của mình, để từ đó mới có thể thực hành, hiểu biết về thực tại.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh về “cách hiểu” thay vì kiến thức về chính mình. Việc “ký thác” một mớ kiến thức về con người thực sự làm hại trẻ nhiều hơn là giúp ích cho chúng trên hành trình kiến tạo tri thức về bản thân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

TS. Lê Nguyên Phương là chuyên gia tâm lý học đường tại bang California (Mỹ) với trên 20 năm kinh nghiệm, giảng dạy tại Đại học California State, Long Beach và Đại học Chapman, đồng thời là nhà tham vấn tâm lý theo liệu pháp Thân Nghiệm.

TS. Lê Nguyên Phương là người đầu tiên nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của tổ chức International School Psychology Association (ISPA) năm 2011; là chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Mỹ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam năm 2009; tác giả bộ sách Dạy con trong hoang mang đoạt giải thưởng Sách giáo dục năm 2018.

Ông về sinh sống tại Việt Nam trong hơn 4 năm và có những chương trình đào tạo, tham vấn tâm lý hiệu quả trên khắp cả nước.