📞

TS. Nguyễn Đình Cung: Người đứng đầu đã rất quyết liệt, cả hệ thống phải chuyển nhanh

Khánh An 15:17 | 22/02/2022
Những hành động, cách ứng xử thực sự vì doanh nghiệp, vì người dân của các cơ quan nhà nước chính là nền tảng cho sự phục hồi vững chắc của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chờ đợi những hành động, cách ứng xử thực sự vì doanh nghiệp, vì người dân của công chức nhà nước, các cơ quan công quyền sau những thông điệp đầy trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Đây chính là nền tảng cho sự phục hồi vững chắc của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, những hành động, cách ứng xử thực sự vì doanh nghiệp, vì người dân của các cơ quan nhà nước chính là nền tảng cho sự phục hồi vững chắc của doanh nghiệp, của nền kinh tế. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Cả nền kinh tế đang tập trung vào thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đang rất rốt ráo với các chuyến đi, các chỉ đạo liên tiếp của người đứng đầu Chính phủ. Ông có thể chia sẻ điều gì sau động thái này?

Nhìn vào nền kinh tế, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất để phục hồi là mở cửa, tiếp theo là đầu tư công. Ba phần tư Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nằm ở 2 điểm này và đây cũng là các chỉ đạo được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh, chỉ đạo rốt ráo, nhất quán. Vì phải mở cửa, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, dân cư có thu nhập, các hoạt động tiêu dùng trở lại bình thường…, thì các giải pháp hỗ trợ về thuế VAT, cấp bù lãi suất… mới thực sự có ý nghĩa.

Về mở cửa, cho tới thời điểm này, hàng không, giáo dục, các hoạt động vui chơi, giải trí ở vùng xanh… đã bắt đầu được mở lại, có kế hoạch mở lại cụ thể. Với tốc độ tiêm chủng, dịch bệnh dù tăng về số ca, nhưng sẽ dần trở thành bệnh đặc hữu nếu không có chủng virus mới xuất hiện.

Về đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, tập trung vào những dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, nhất là các dự án hạ tầng giao thông ở Nam bộ, Đông Nam bộ. Đây là vùng giao thông ách tắc hơn những vùng khác, là nơi đang cần tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông. Thủ tướng đã đi đến tận các dự án, đã gửi thông điệp về áp lực thực thi tới những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương liên quan. Tôi tin rằng, khi người đứng đầu quyết liệt, thì cả hệ thống sẽ chuyển động.

Trong đầu tư công, sẽ cần làm rốt ráo 3 việc: giao hết vốn, giải ngân hết số vốn đã giao, thực hiện hiệu quả các nguồn vốn. Nhưng phần việc này không được thực hiện tốt trong những năm trước. Năm nay, quy mô vốn đầu tư công lớn hơn, đòi hỏi phải tập trung hơn rất nhiều.

Về gói hỗ trợ an sinh, quan điểm của tôi là cho vay vốn chỉ là một phần và cần nhiều hơn một hệ sinh thái hỗ trợ người dân.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM (Nguồn: Báo Đầu tư)

Các kế hoạch mở cửa kinh tế đang rất rõ ràng, doanh nghiệp chờ đợi sẽ nhanh chóng tiếp cận các gói hỗ trợ, như gói cấp bù lãi suất. Tuy nhiên, các hướng dẫn cụ thể chưa có?

Khác với gói hỗ trợ về thuế có thể áp dụng ngay, gói cấp bù lãi suất, với mức 2%, thực hiện trong 2 năm 2022-2023 lên khoảng 40.000 tỷ đồng dù được nhiều doanh nghiệp chờ đợi, nhưng đang cần hướng dẫn cụ thể hơn. Có 2 điểm cần chú ý.

Một là, doanh nghiệp phải hoạt động, có khả năng trả nợ, thì mới tiếp cận được, vì nguyên tắc tiếp cận theo nguyên tắc thị trường, do ngân hàng thương mại quyết định.

Hai là, động lực để ngân hàng thương mại tham gia thực hiện gói giải pháp này.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đặt trần tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Với các quy định này, các tổ chức tín dụng hoạt động bình thường cũng đã ngặt nghèo rồi, nhiều khi phải xin thêm, nếu tham gia gói hỗ trợ thì liệu có được tăng trần tín dụng không? Cơ chế quyết toán thế nào, nhận từ đâu, khi nào được nhận? Nếu không rõ, rủi ro với ngân hàng thương mại rất lớn, nên họ cũng không mặn mà. Bài toán cần giải lúc này là giải tỏa được về lợi ích và rủi ro trong thực hiện chính sách cho các ngân hàng thương mại.

Một thực tế là, doanh nghiệp, trong đó có cả các ngân hàng thương mại, rất ngại cơ chế gây rủi ro. Cho nên, trong quá trình thiết kế, thực thi chính sách, cần sự đồng hành giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên nền nhận thức và ý thức vì doanh nghiệp, hiểu rõ bản chất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thực sự hiểu doanh nghiệp cần gì, khó khăn gì... Môi trường kinh doanh thuận lợi hay không bắt đầu từ cách nhận thức đó.

Thủ tướng Chính phủ đang rất quan tâm tới môi trường đầu tư, kinh doanh, khi liên tục yêu cầu rà soát các quy định, đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng trong thực thi, gỡ ngay những vướng mắc phát sinh…

Tôi tin là sẽ có những thay đổi căn bản trong môi trường kinh doanh với cách điều hành rốt ráo, thẳng thắn của người đứng đầu Chính phủ.

Mới đây, tôi có dịp tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã, có nghe phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông đã nhắc đến việc những người đứng đầu một số địa phương đã không tham dự Hội nghị hoặc tham dự không nghiêm túc, để thể hiện rằng, nếu người đứng đầu không quan tâm, thì các công việc liên quan sẽ khó tốt được. Thủ tướng cũng nhắc đến yêu cầu là việc thực hiện các nghị quyết phải được theo dõi thường xuyên, xử lý ngay các vấn đề nảy sinh, không để tồn đọng, tích tụ lại…

Với cách làm việc như vậy, tôi tin là các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sẽ được xem xét, kịp thời tháo các điểm nghẽn, từ đó tạo động lực, niềm tin cho các kế hoạch kinh doanh mới. Nền kinh tế sẽ phục hồi bền vững trên nền tảng như vậy.

(theo Báo Đầu tư)