TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định như vậy khi chia sẻ với phóng viên TG&VN, ngay sau khi Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố số liệu GDP quý III sáng 29/9.
Dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu GDP cả năm vượt 7%, cao hơn khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra. (Nguồn: Dân trí) |
Tăng trưởng vượt dự báo
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 tăng vượt dự báo, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
Cơ quan này cho rằng, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018.
Nhiều ngành khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Nổi bật nhất, khu vực dịch vụ phục hồi đáng kể, nhờ các dịch vụ tiêu dùng, vận tải, logistics và du lịch tăng trưởng trở lại.
Bất chấp bối cảnh kém lạc quan của kinh tế toàn cầu, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều khá tích cực. Đơn cử như xuất khẩu tăng trưởng khá cao, ngành dịch vụ phục hồi và phát triển ấn tượng. |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm 2022 đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.
Hơn thế, giữa thời điểm “bão” lạm phát đang càn quét nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, Việt Nam lại kiểm soát khá tốt tình hình. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.
CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/202 và bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Theo kịch bản của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu GDP cả năm vượt 7%, cao hơn khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%). Để đạt được mức tăng trưởng này, quý III phải đạt mức tăng trưởng 9% và quý IV là 6,3%. Tuy nhiên, đến nay, GDP quý III đã tăng đến 13,67%, vượt ngoài kỳ vọng.
GDP trên 7% gần như chắc chắn đạt được
TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định, mức tăng trưởng quý III rất ấn tượng. Với đà tăng trưởng như hiện tại, mục tiêu GDP trên 7% năm 2022 gần như chắc chắn đạt được.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC) |
Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế liên tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.
Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 7%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 6,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) 7,2% và đánh giá, nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh mẽ và hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, VEPR trước đó cũng cho rằng, bất chấp bối cảnh kém lạc quan của kinh tế toàn cầu, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều khá tích cực. Đơn cử như xuất khẩu tăng trưởng khá cao, ngành dịch vụ phục hồi và phát triển ấn tượng.
Dù vậy, rủi ro và những nguy cơ bất ổn trên toàn cầu vẫn có nguy cơ khiến tình hình xấu đi, nhất là nguy cơ khủng hoảng năng lượng và suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu.
Phó Viện trưởng VEPR nhận thấy, trong phần còn lại của năm, thách thức rất lớn là cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát với các mục tiêu duy trì tăng trưởng.
Song song với đó, giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng. Điều này sẽ tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
Điều hành tăng trưởng tín dụng cũng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ trong “cuộc đua” tăng lãi suất toàn cầu.
Ngoài ra, xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Không nên quá lạc quan
Để giải quyết những khó khăn, giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng, ổn định kinh tế vĩ mô và đạt mức tăng trưởng trên 7%, TS. Việt cho rằng, có năm vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất, lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát; đồng thời, kiên trì thực hiện các biện pháp ổn đinh kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Việt Nam không nên quá lạc quan hay bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn và khó khăn nội tại. Nền kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ nhất định trong các chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. |
Thứ hai, Chính phủ vẫn phải linh hoạt và kiên trì các chính sách vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững như các Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra.
Song song, cân nhắc có chọn lọc các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Thứ ba, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực và có khả năng hội nhập thì việc quan tâm và hỗ trợ, nhất là những hỗ trợ về vốn và tiếp cận thị trường (cả cung và cầu) cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam.
Thứ tư, việc tiếp tục quan tâm giải quyết những vướng mắc về môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính cũng là vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý.
Thứ năm, các số liệu thống kê, các kế hoạch ứng phó hoặc cả những chính sách tiền tệ/tài khoá cũng cần nhất quán, công khai nhất có thể để doanh nghiệp và người dân có cái nhìn tổng quát để đánh giá rủi ro trong môi trường đầu tư và kinh doanh.
TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, Việt Nam vẫn cần theo dõi rất sát diễn biến tình hình các bất ổn địa chính toàn cầu bởi vấn đề này có thể ảnh hưởng đến các dòng chảy đầu tư, thương mại và chuỗi cung ứng.
Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc kiềm chế, kiểm soát giá cả thì đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng là vấn đề quan trọng cho chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Việt Nam, cũng như đảm bảo ổn định giá cả trong nước trong bối cảnh áp lực cầu kéo càng tăng cao cuối năm.
Ngoài ra, Việt Nam không nên quá lạc quan hay bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn và khó khăn nội tại. Nền kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ nhất định trong các chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, độ mở của nền kinh tế càng ngày lớn, không có lý do gì mà kinh tế toàn cầu lao đao, Việt Nam lại nằm ngoài vòng xoáy”.