📞

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đình chỉ học sinh không phải là buông bỏ, giao về cho gia đình

18:27 | 10/09/2020
TGVN. TS. Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, trong các trường hợp cụ thể, có thể sẽ phải tạm đình chỉ học tập tại lớp của học sinh, nhưng không phải "đình chỉ" là buông bỏ, giao về cho gia đình.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thế thông tư 08 năm 1988, trong đó không còn điều khoản 'buộc thôi học' học sinh như trước. Việc khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường cũng được bỏ khiến dư luận rất đồng tình.

Không còn “buộc thôi học”

Trong dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT, các hình thức kỷ luật đối với học sinh không còn "buộc thôi học". Cụ thể, học sinh bị khiển trách nếu tái phạm nội quy, quy định của trường, đã thực hiện biện pháp giáo dục kỷ luật nhưng chậm khắc phục.

Khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường cũng được bỏ. (Nguồn: TT)

Việc tạm dừng học tập trên lớp còn được áp dụng với những trường hợp vi phạm lần đầu nhưng đặc biệt nghiêm trọng như đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, gây thương tích nặng, xâm phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh khác...

Học sinh đã nhận hình thức cảnh cáo nhưng tái phạm hoặc vi phạm thêm khuyết điểm khác trong thời gian một học kỳ sẽ nhận hình thức kỷ luật này.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa hai tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.

Trong thời gian nhận hình thức kỷ luật này, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh.

Hết thời hạn tạm dừng học tập trên lớp, học sinh phải giải trình về kết quả rèn luyện của bản thân trong thời gian bị kỷ luật và đề xuất kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thời gian tới.

Dự thảo nêu thời gian thành lập hội đồng kỷ luật và xem xét, quyết định hình thức kỷ luật học sinh chậm nhất là 10 ngày kể từ khi học sinh vi phạm.

Tại dự thảo thông tư, thay vào quy định "giao cho gia đình và địa phương quản lý, giáo dục" thì dự thảo mới đưa ra các biện pháp linh hoạt.

Trong đó, các nhà trường không "đứng ngoài" mà vẫn phải phối hợp với gia đình học sinh và địa phương có kế hoạch hỗ trợ giáo dục học sinh, giám sát quá trình thực hiện của học sinh. Học sinh mắc khuyết điểm được tạo điều kiện chuyển trường theo nguyện vọng và các nhà trường phải có trách nhiệm bàn giao hồ sơ kỷ luật học sinh để tiếp tục theo dõi, giúp đỡ.

Không phải “đình chỉ” là buông bỏ

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, trong các trường hợp cụ thể, có thể sẽ phải tạm đình chỉ học tập tại lớp của học sinh. Nhưng việc này chỉ có ý nghĩa giáo dục nếu nhà trường và trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm phải rõ trách nhiệm của mình tiếp tục theo sát học sinh, chứ không phải "đình chỉ" là buông bỏ, giao về cho gia đình.

Tuy nhiên, việc giáo dục chỉ hiệu quả khi biến việc kỷ luật của nhà trường thành tự kỷ luật của học sinh. Nghĩa là, học sinh phải tự giác, phải tự nhận ra khuyết điểm, bản thân muốn thay đổi. Để làm được điều đó, phải có hàng loạt giải pháp để nắm được nguyên nhân phạm lỗi, hoàn cảnh gia đình học sinh, thậm chí có các can thiệp điều trị về tâm lý cho học sinh.

Dự thảo thông tư cho rằng, việc tạm đình chỉ có thể các em không rời trường mà vẫn đến trường và nhà trường cùng thầy cô giáo "giáo dục riêng", nhưng thực tế khi đã tạm đình chỉ và tách học sinh ra khỏi lớp, theo nhiều thầy cô giáo, đó đã là một hình phạt nặng.

Là người sáng lập ngôi trường duy nhất trên cả nước vào năm 1989 "tiếp nhận học sinh bị đuổi học theo thông tư 08". Trong hơn 30 năm, ngôi trường này đã giáo dục trên 10.000 học sinh, nhiều học sinh "hư" ngày trước nay đã thành đạt, trở thành các kỹ sư, bác sĩ...

"Tôi đã đề xuất mở ngôi trường này, vì nếu không có chỗ để đón nhận, giáo dục thì những học sinh phạm lỗi sẽ đi về đâu?", TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

(tổng hợp)