TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn tươi mới. (Nguồn: VGP) |
Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay?
Tôi nghĩ, đây là điều lúc nào cũng cần, bởi Bác thực sự là một tấm gương không phải chỉ cho riêng người Việt Nam mà ở tầm nhân loại. Chính vì thế, có nhiều người cho rằng, văn hóa Hồ Chí Minh không phải là văn hóa của một dân tộc nào mà là văn hóa của tương lai.
Có thể nói, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện khát khao giành độc lập, tự do cho dân tộc. Bác đã khẳng định, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Không có việc gì Bác làm mà không vì nhân dân.
Bác từng nói, cái gì có lợi cho dân thì khó khăn mấy cũng phải làm, mà việc gì có hại cho dân thì dứt khoát phải tránh.
"Các thế hệ cha anh đi trước đã làm cuộc cách mạng thống nhất non sông, để có cơ đồ như ngày hôm nay, nhưng để sánh vai với các cường quốc, Cách mạng 4.0 có thành công được hay không thì trách nhiệm này phải do thế hệ trẻ". |
Làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là một việc rất cần thiết trong thời đại ngày nay. Tư tưởng của Người luôn luôn tươi mới, bởi tư tưởng vì dân, vì nước thì không bao giờ cũ.
Từng việc Bác làm đều rất giản dị, có khi Bác trực tiếp xuống tát nước với nông dân. Bác xuống cơ sở tham quan nhưng không phải ở phòng ốc mà đôi khi thăm cái bếp, nhà vệ sinh… Đó là điều tưởng nhỏ nhưng lại thiết thực trong đời sống con người.
Từng lời Bác nói rất giản dị; tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh không hoa mỹ, không tô vẽ. Bác để lại kỷ niệm đẹp, sâu sắc với những người đã từng được gặp Bác.
Tựu chung lại, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tin người để người tin mình, tin nhân dân để nhân dân tin mình…
Trong xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông, nhiệm vụ trong tình hình mới là gì?
Nhiệm vụ trong tình hình mới là phải nắm bắt, hiểu thế nào là Cách mạng 4.0, thế nào là công nghệ số? Các thế hệ cha anh đi trước đã làm cuộc cách mạng thống nhất non sông, để có cơ đồ như ngày hôm nay, nhưng để sánh vai với các cường quốc, Cách mạng 4.0 có thành công được hay không thì trách nhiệm này phải do thế hệ trẻ.
Mà muốn thành công thì thế hệ trẻ phải chăm học, chăm làm, sống có trách nhiệm. Tất nhiên, học tư tưởng, đạo đức của Bác là phải học rộng, học thật chứ không phải học hình thức, qua loa.
Thứ hai, phải mở rộng ngoại giao, mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến đâu cũng được nhân dân thế giới yêu mến. Bác luôn mở rộng vòng tay để đón bè bạn.
Muốn Cách mạng 4.0 thành công, đương nhiên phải mở rộng, phải tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới để xây dựng đất nước mình. Cách mạng 4.0 không chỉ đơn thuần là chuyện khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà chính là tư tưởng. Nếu tư tưởng vì dân, vì nước, chắc chắn khó mấy cũng thành công.
Vậy theo ông, việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đang đặt ra những thách thức gì?
Không phải chỉ thời đại ngày nay mà bất kỳ thời đại nào, việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân cũng cần thiết. Cá nhân chủ nghĩa được hiểu là lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân, thu vén cho cá nhân mình… Không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì xã hội sao mà ổn định, đất nước sao phát triển được.
"Con người phải học - cũng giống như viên ngọc, phải mài giũa, phải tu dưỡng hằng ngày, thường xuyên, không ngừng để trở thành người tốt, người tử tế. Tôi nghĩ, tuổi trẻ có sức khỏe, có sự nhanh nhạy, linh hoạt… Tất cả những yếu tố tích cực ấy phải được tận dụng để học hành. Các em phải học không ngừng, cập nhật tình hình mới, kiến thức mới, để xây dựng đất nước, đồng thời xây dựng cho chính cuộc đời mình". |
Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ phát triển, cuộc cách mạng mới đang có nhiệm vụ, yêu cầu lớn hơn. Nhiệm vụ đặt ra phải thực hiện là đến năm 2030, nước ta phải trở thành nước có thu nhập cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao… đây là nhiệm vụ lớn, nặng nề nhưng vinh quang. Tuy nhiên, nếu không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì khó có thể đạt được mục tiêu chung.
Do vậy, giương cao đạo đức cách mạng và học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới phải được đặt lên hàng đầu.
Mỗi cá nhân, tập thể phải tự soi mình, tự sửa để học tập và theo gương Bác thế nào, thưa ông?
Trong lĩnh vực nào, chúng ta cũng đều có thể soi vào để học tập Bác. Nhưng điều quan trọng, học tập phải thiết thực, học thật chứ không phải lấy thành tích, không phải học để báo cáo. Mỗi người tự mình soi mình, tự kiểm điểm, tu dưỡng và tiến bộ từng ngày.
Tôi xin nhắc lại, tư tưởng lớn nhất của Bác là vì nước, vì dân. Nếu đã vì dân, vì nước thì sẽ không có tham ô, tham nhũng, bởi tham nhũng sẽ làm cho đất nước “nhàu nát”, đi xuống. Do vậy, học Bác ở đây là học thật, học với tất cả tấm lòng của mình, bằng tất cả sự kính trọng đối với Bác.
Tình hình mới đặt ra những đòi hỏi mới trong bảo vệ và phát huy những giá trị vĩnh cửu mà các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đã vun đắp. Ông có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ trong việc học tập theo đạo đức của Người?
Tôi không dám đưa ra lời khuyên nhưng có khuyến nghị, sống trong xã hội nào cũng phải có đức, có tài. Vì vậy, mỗi người, đặc biệt là người trẻ, phải chăm chỉ học hành, phát triển bản thân, để trở thành người tử tế, sống có trách nhiệm.
Con người phải học - cũng giống như viên ngọc, phải mài giũa, phải tu dưỡng hằng ngày, thường xuyên, không ngừng để trở thành người tốt, người tử tế. Tôi nghĩ, tuổi trẻ có sức khỏe, có sự nhanh nhạy, linh hoạt… Tất cả những yếu tố tích cực ấy phải được tận dụng để học hành. Các em phải học không ngừng, cập nhật tình hình mới, kiến thức mới, để xây dựng đất nước, đồng thời xây dựng cho chính cuộc đời mình.
Xin cảm ơn ông!
| Xã hội 'số hóa' và 'sự xa cách đô thị' của người trẻ Áp lực từ việc phát triển bản thân và đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại, cộng thêm ảnh hưởng từ mạng xã ... |
| Bạo lực học đường: Không thể để nhà trường 'đơn độc' Phải có quy trình từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh khiếu nại về bạo lực học đường, đến biện pháp xử lý thế ... |
| Chuyên gia tâm lý: Sự bỏ qua hay thờ ơ chính là tiếp tay cho nạn bạo lực học đường leo thang Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý học lâm sàng cho rằng, một lý do khiến bạo lực học đường diễn ra ... |
| Hơn 10 năm qua, mạng xã hội phát triển không ngừng tại Việt Nam với nhiều nền tảng khác nhau. Công cụ mạng xã hội ... |