TS Nguyễn Viết Chức khẳng định, ý nghĩa lớn lao của văn hóa không phải là chuyện 'cờ, đèn, kèn, trống', Đó là chuyện con người, chuyện ý chí và giá trị của con người. (Nguồn: Quochoi.vn) |
Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị làm rõ nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Văn hóa không phải chỉ là "cờ, đèn, kèn trống"
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của nội dung này?
Tôi nghĩ rằng, đây là một ý kiến rất đúng, rất trúng, bởi vì phải xây dựng được hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị người Việt Nam mới có căn cứ để xây dựng văn hóa nói chung và xây dựng được con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, cần phải xem những đặc điểm hiện tại, tình hình quốc tế như thế nào, tình hình trong nước có gì tác động đến hệ giá trị con người Việt Nam, để mình xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của thời hiện đại. Do vậy, chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa là hoàn toàn chính xác. Hơn nữa, điều này có ý nghĩa rất to lớn trong việc xây dựng đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Bởi suy cho cùng, con người là nhân tố quyết định tất cả mọi việc.
Cho nên, cần xây dựng con người thích ứng được với đời sống hiện đại, đáp ứng, giữ được bản sắc, nền tảng văn hóa dân tộc. Đồng thời, tiếp cận được với văn minh, hiện đại, tinh hoa văn hóa thế giới… Từ đó, chúng ta sẽ đạt được những thành tựu đúng như mong ước, khát vọng đặt ra là năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Theo ông, vì sao văn hóa bị nhiều người xem nhẹ, thậm chí bị cho là hoạt động bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống”?
Rất tiếc, một số người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thực sự của văn hóa. Bởi ý nghĩa của văn hóa không chỉ là “cờ, đèn, kèn, trống”. Tất nhiên, “cờ, đèn, kèn, trống” cũng rất quan trọng, bởi nó khích lệ, động viên tinh thần con người. Ngay trong chiến đấu, nếu không có “tiếng hát át tiếng bom” thì chúng ta khó mà chiến thắng được những đế quốc mạnh hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, ý nghĩa lớn lao của văn hóa không phải là chỉ là chuyện "cờ, đèn, kèn, trống". Đó là chuyện con người, chuyện ý chí, nguyện vọng, lối sống và giá trị của con người. Ngay như Việt Nam chiến thắng được kẻ thù, trường tồn được chính vì con người trọng danh dự, con người yêu nước, con người sáng tạo, con người dũng cảm, con người của ý chí bền bỉ, kiên cường.
Ở đây, trong hoàn cảnh nào, ý nghĩa của văn hóa cũng đều lớn lao. Đúng như Bác đã khẳng định “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển, là nền tảng tinh thần xã hội chứ không phải chỉ đơn giản là giải trí.
Nhiều hệ lụy nếu văn hóa không được đặt đúng vị thế
Nếu văn hóa không được đặt đúng vị thế, có thể gây ra những hệ lụy gì, thưa ông?
Câu hỏi này rất thú vị, nếu văn hóa không được đặt đúng vị trí của nó, nếu không được quan tâm đúng mức, có thể nói sẽ để lại hệ lụy đến toàn bộ đời sống xã hội. Nếu con người có suy nghĩ đúng đắn, có lập trường vững vàng, có nền tảng văn hóa sâu rộng thì làm sao có tham nhũng, tiêu cực? Khi có văn hóa, chất nhân văn của con người sâu sắc chắc chắn không ích kỷ chỉ nghĩ cho mình. Người có văn hóa không bao giờ làm khó cho người khác.
Thế giới cũng nhắc rất nhiều đến vai trò của văn hóa, nếu phát triển mà không quan tâm đến văn hóa sẽ "đẻ" ra một loạt hệ lụy khác, xã hội không phát triển được.
Ở đây, theo tôi nghĩ, còn có một hệ lụy lớn hơn nữa. Thiếu văn hóa là thiếu tất cả, thiếu tư duy mới, thiếu hành động đúng, thiếu phẩm chất, nhân cách và khả năng thích ứng. Có văn hóa, con người sẽ luôn sáng tạo, tìm cách lao động để cống hiến, nhờ đó đất nước sẽ phát triển. Ngược lại, hàng loạt hệ lụy sẽ xảy ra, nhìn thấy rõ nhất là tham nhũng, lãng phí, ích kỷ, “lợi ích nhóm”, không nghĩ đến cộng đồng, không nghĩ đến sáng tạo, luôn luôn ỷ lại, chờ đợi người khác… Tất cả những điều trái với văn hóa như thế sẽ là hệ lụy cho một xã hội phát triển.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
Thật ra, những giải pháp mang tính chiến lược Đảng đã đưa vào Nghị quyết. Thứ nhất, quan tâm văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế. Thứ hai, nâng cao nhận thức và vị trí, vai trò của văn hóa trong toàn Đảng, toàn dân, trong tất cả các cấp. Thứ ba, xây dựng con người, phát triển văn hóa để xây dựng con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Ngoài ra, phải giữ gìn, bảo tồn, phát huy những di sản mà ông cha đã để lại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Có như thế mới có thể xây dựng văn hóa một cách bài bản.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, cần nhìn thẳng vào những yếu kém, bất cập trong văn hóa và tìm ra nguyên nhân, giải pháp để khắc phục, đặc biệt là môi trường văn hóa bị ô nhiễm bởi các tệ nạn và xã hội.
Trong Hội nghị đó, tôi rất tâm đắc với ý kiến sâu sắc của Tổng Bí thư. Rõ ràng, phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, môi trường xã hội lành mạnh thì văn hóa mới có "đất" để phát triển. Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội không tốt thì làm sao văn hóa phát trển được?
Thứ hai, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ làm văn hóa, những người cán bộ làm văn hóa phải là người có văn hóa, có phẩm chất tốt và uy tín trong cộng đồng. Phải chấm dứt tình trạng đào tạo, bồi dưỡng qua loa, bổ nhiệm một cách tùy tiện. Do vậy, phải đào tạo, phải bồi dưỡng làm sao để những người làm văn hóa phải có năng lực, đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới. Những điều nhấn mạnh của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 có thể nói là có ý nghĩa chiến lược.
Một số cổ phục mà Nguyễn Đức Lộc phỏng dựng. (Nguồn: VOV) |
Nhận thức về văn hóa đã có sự chuyển biến rõ rệt
Ông có nhìn thấy sự đổi mới của văn hóa nước ra sau một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra?
Văn hóa không giống lĩnh vực khác nên sau một năm khó có thể nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt, rõ nét. Nhưng có những sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của mỗi người và của toàn xã hội. Nhận thức của các cấp ủy cũng khác, nhận thức của các địa phương cũng khác. Bộ Văn hóa và các địa phương đều có các nghiên cứu, hội thảo và đưa ra những Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa và con người trong thời kỳ mới.
Có nhiều địa phương cũng triển khai Nghị quyết, đồng thời bám sát nội dung Hội nghị toàn quốc về Văn hóa. Rõ ràng, sự chuyển động, nhận thức từ Trung ương cho đến địa phương rất mạnh mẽ, đầu tư đúng mức cho phát triển văn hóa.
Tôi nghĩ cái lớn nhất, thu hoạch lớn nhất sau Hội nghị Văn hóa vừa qua là nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, các cấp các ngành về văn hóa đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Ở một khía cạnh khác, việc xây dựng các hệ giá trị đã có tác động như nào trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta?
Xây dựng hệ giá trị vô cùng có ý nghĩa, thời đại nào cũng có chuẩn mực, tiêu chí nhất định đối với con người. Trong thời đại phong kiến, lấy chuẩn là người quân tử, coi “tam cương ngũ thường”, “công dung ngôn hạnh” là mực thước cho con người trong xã hội. Tất cả những tiêu chí, tiêu chuẩn ấy phù hợp với với yêu cầu, nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ.
Nhưng chúng ta không thể lấy tiêu chí cũ để áp dụng trong thời kỳ mới. Những gì phù hợp với đạo đức của con người thì cần kế thừa, nhưng cần xây dựng một hệ giá trị mới, hệ giá trị phù hợp với yêu cầu hiện nay.
Chẳng hạn, yêu nước trong thời chiến tranh thì phải xông ra chiến trường, phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập tự do của dân tộc. Nhưng trong thời bình, yêu nước nghĩa là, phải mong muốn đất nước phát triển, góp phần cho đất nước phát triển, phải biết xấu hổ khi đất nước tụt hậu, không thể vì lợi ích của mình, của gia đình mình, của “nhóm mình” mà làm tổn hại lợi ích quốc gia.
Tóm lại, mỗi một thời đại, mỗi một điều kiện, hoàn cảnh nhất định, con người phải thể hiện phẩm chất tốt đẹp nhất để đáp ứng yêu cầu của xã hội cũng như yêu cầu đất nước phát triển.
Tin vào bản lĩnh thế hệ trẻ
Góc nhìn của ông về sức mạnh mềm của văn hóa trong công tác đối ngoại của nước ta hiện nay?
Có thể nói, công tác đối ngoại của chúng ta thắng lợi, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao Việt Nam là ngoại giao có nền tảng văn hóa giàu tính nhân văn, yêu chuộng hòa bình, công lý. Ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, coi trọng lẽ phải.
Trong quan hệ đối ngoại, chúng ta thể hiện rất rõ Việt Nam là bạn với tất cả, sống chung thủy, có trước có sau, không vì lợi ích của mình mà thay đổi.
Bên cạnh đó, đối ngoại của chúng ta rất uyển chuyển, mềm dẻo, yêu chuộng hòa bình, chia sẻ những khó khăn với cộng đồng nói chung. Hiện nay, Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được đánh giá cao chính vì có văn hóa sâu sắc, rằng người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, người Việt Nam thân thiện, người Việt Nam trung thực. Đó có thể nói là một gia tài vô cùng to lớn của quốc gia để chúng ta hội nhập quốc tế và phát triển.
Ông kỳ vọng như thế nào của thế hệ trẻ hiện nay trong việc giữ gìn văn hóa cũng như đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới?
Thế hệ trẻ bây giờ học hành, có đủ điều kiện tiếp cận với văn minh của nhân loại cho nên tôi rất tin vào các em có đủ bản lĩnh, đủ trình độ, đủ năng lực để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần làm cho văn hóa của Việt Nam hội nhập cùng với thế giới để cùng phát triển. Chắc chắn tuổi trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối cha ông viết nên trang sử mới vẻ vang về một Việt Nam hùng cường, hạnh phúc, hội nhập, phát triển cùng cộng đồng quốc tế.
Xin cảm ơn ông!