Tin giả gây… hỏa mù
Nhìn theo khía cạnh tích cực, sự phát triển công nghệ và truyền thông đại chúng sẽ giúp tăng cường phổ biến thông tin, kiến thức cho cộng đồng, thực hiện phản biện xã hội, góp tiếng nói dư luận để tác động thay đổi chính sách.
Tuy nhiên, mặt tiêu cực chính là tạo ra rất nhiều thông tin không chính xác gây… hỏa mù. Từ đó, dẫn đến những niềm tin sai lệch hoặc thành kiến của cộng đồng về một vấn đề, một nhân vật hay thậm chí cả một ngành nghề. Có thể nói, tin giả, tin không chính xác xuất hiện ngày càng nhiều và lây lan như bệnh truyền nhiễm dưới sự hỗ trợ của internet và mạng xã hội.
Trong khi đó, trên phim ảnh thường xây dựng người bị bệnh tâm thần trên màn ảnh là những sát nhân máu lạnh mất nhận thức, thất nghiệp, vô gia cư, bị cô lập khỏi cộng đồng… Dường như tất cả những thông điệp này trên phim ảnh góp phần hình thành nên định kiến và niềm tin tiêu cực trong cộng đồng.
PGS. TS. Trần Thành Nam (Ảnh: NVCC) |
Đó là, những người tổn thương sức khỏe tâm thần sẽ rất nguy hiểm dù trên thực tế họ vẫn có khả năng hòa nhập và tham gia lao động tạo ra của cải vật chất. Điều đáng nói, nếu cộng đồng tin họ gắn liền với tội phạm, bạo lực, gánh nặng xã hội, thường sẽ tập trung vào việc quản chế và kiểm soát thay vì hướng tới hỗ trợ đáp ứng nhu cầu chăm chữa.
Tương tự, đối với hình ảnh nghề giáo viên, có đến 90% các thông tin nóng trên truyền thông được cộng đồng tiếp cận là các biểu hiện hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử. Mặc dù trên thực tế số lượng các biểu hiện vi phạm trên con số hơn 2 triệu giáo viên chẳng đáng là bao nhưng cộng đồng sẽ có xu hướng phản ứng tiêu cực. Đó là lên án, thất vọng, nghi ngờ, chỉ trích thay vì đặt mình vào vị trí của họ, thấu cảm, tìm giải pháp giảm áp lực, hỗ trợ cho những giáo viên đang có tổn thương sức khỏe tinh thần.
Người sử dụng đang dễ bị mắc lừa?
Có một vấn đề là chúng ta lại dễ tin vào tin giả và lan truyền nó, phải chăng chúng ta hiện nay ngày càng trở nên dễ bị mắc lừa? Tin giả cũng có tính kích thích của nó. Người ta cho rằng, sự thật chỉ có một và lặp đi lặp lại còn tin giả, tin không chính xác thì “muôn hình vạn trạng”. Chính sự muôn hình trạng này tạo ra tính mới lạ cho tin giả, tin không chính xác. Có nghiên cứu đã chỉ ra, tin giả có xu hướng được chia sẻ lại nhiều hơn tin thật khoảng 70% cũng chính bởi tính kích thích này.
Đối với một số người khi xem việc bịa ra một câu chuyện giống như một cách giải trí, một cách tự mua vui cho bản thân, thoát khỏi chuỗi hoạt động thường nhật buồn tẻ lặp đi lặp lại. Sau khi chia sẻ câu chuyện, cảm giác người khác tin và quan tâm câu chuyện của họ, bình luận, like, chia sẻ câu chuyện đi xa làm cho họ cảm thấy có quyền lực, cảm thấy có khả năng dẫn dắt ảnh hưởng người khác. Đó là động cơ để họ tiếp tục “sáng tác” những câu chuyện mới.
Một số tin có thể bắt nguồn từ một sự kiện có thật, nhưng sau đó được “thêm mắm dặm muối” qua lăng kính của từng cá nhân khi câu chuyện được lan truyền kiểu như “tam sao thất bản”. Để rồi, bản cuối đến với công chúng có thể hoàn toàn khác với sự thật.
Xu hướng “thêm mắm dặm muối” cũng phản ánh một tâm lý bình thường của người kể chuyện muốn thể hiện dấu ấn cá nhân, muốn mình được tham gia, không bị lạc hậu khỏi dòng thông tin thời sự nóng của xã hội.
Tin giả đang ngày càng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. (Nguồn: internet) |
"Đề kháng" trước tin giả ra sao?
Rất khó có thể không tin vào tin giả khi chúng ta hiện càng ngày càng trở nên bận rộn. Chúng ta thường chỉ dùng một đơn vị thời gian rất nhỏ để tiếp nhận và xử lý thông tin, không có thời gian để đặt ra các câu hỏi nghi ngờ hoặc mất thời gian để tìm lại các nguồn xem có chính xác không.
Có nhiều người lựa chọn cách chỉ tin vào những thông tin được đưa bởi những cơ quan truyền thông lớn uy tín.
Công ty Cision đứng đầu thế giới về phần mềm quan hệ công chúng đã hợp tác với Đại học Canterbury Christ Church (Anh) tiến hành khảo sát đối với 1.857 nhà báo ở 6 quốc gia (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Phần Lan) về tác động của truyền thông xã hội đối với nghề báo. Kết quả khảo sát công bố cuối tháng 5/2018 đã chứng tỏ mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Kết quả khảo sát nêu các số liệu như sau: 96% số nhà báo sử dụng mạng xã hội để làm việc; 46% xác định không thể bỏ qua mạng xã hội trong quá trình hành nghề; 51% sử dụng số liệu thống kê từ mạng xã hội làm tiêu chí đánh giá. Các mạng xã hội được sử dụng phổ biến là Facebook (85%), Twitter (62%), LinkedIn (51%); các mạng nghe nhìn được sử dụng chủ yếu là YouTube, Instagram và Pinterest. |
Một bộ phận có thể không hoàn toàn tin nhưng vẫn chia sẻ câu chuyện vì cho rằng chắc chắn có một phần sự thật trong đó.
Trong khi đó, với tốc độ lan truyền như bệnh truyền nhiễm, tin giả xuất hiện trước chúng ta lặp lại nhiều lần, lại được chia sẻ bởi những người thân, người có uy tín, người được chúng ta tôn trọng, dẫn đến việc chúng ta bị động khi tin vào tin giả.
Vậy chúng ta phải làm gì trong bối cảnh thông tin thật giả lẫn lộn hiện nay? Có lẽ, mỗi cá nhân cần ý thức được bối cảnh thông tin trên truyền thông đại chúng luôn có nguy cơ không chính xác, cá nhân phải có kỹ năng tư duy phản biện, đặt câu hỏi nghi ngờ khoa học khi tiếp cận với một thông tin mới, sốc hay kích thích với bản thân.
Cơ quan quản lý có thể phát triển và giới thiệu với công chúng các công cụ kiểm tra chéo thông tin để kiểm chứng nguồn, các thuật toán tự động để phát hiện và loại bỏ những phát ngôn gây thù địch hoặc thông tin gây nhầm lẫn.
Cụ thể hóa hơn một số điều trong luật an ninh mạng ví dụ như tạo dựng, chia sẻ những thông tin giả, tin chưa được kiểm chứng xâm phạm đến quyền lợi danh dự tổ chức cá nhân phải được xử lý như tội vu khống.
PGS. TS. Trần Thành Nam
(Đại học Quốc gia Hà Nội)