📞

TS Trần Thành Nam: “Tính mạng của con quan trọng hơn tất cả!”

08:53 | 31/08/2016
Thông tin về vụ việc em học sinh 11 tuổi ở Gia Lai tự tử chỉ vì không có bộ quần áo mới còn chưa được lực lượng chức năng xác nhận, nhưng những câu chuyện về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết của trẻ nhỏ liệu có đủ sức cảnh tỉnh các phụ huynh?

Theo báo cáo kết quả học tập giai đoạn (2011–2015) do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố mới đây, số liệu thống kê xu hướng tự tử học đường, cứ 5 em học sinh thì 1 em có ý định tự tử. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. Tại Việt Nam thì tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giải quyết cùng con và tránh những hậu quả đáng tiếc? Hãy cùng lắng nghe ý kiến của một chuyên gia tâm lý – Tiến sĩ Trần Thành Nam - Giảng viên chuyên nghành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tiến sĩ Trần Thành Nam. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cứ 5 em học sinh thì 1 em có ý định tự tử. Tại Việt Nam thì đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi. Là một chuyên gia tâm lý, anh có suy nghĩ gì về những con số này?

Cá nhân tôi nghĩ đó là những con số đáng báo động, nhưng xã hội và chúng ta chưa có những thái độ đúng, những hành động phù hợp để giải quyết vấn đề này. Các nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã chỉ ra nhóm tuổi có tỉ lệ tự tử cao nhất là từ 16 – 20 tuổi; nhóm có nguy cơ tự tử cao thứ hai từ 12-15 tuổi nhưng hiện đang có xu hướng trẻ hóa. Những trường hợp đã tự tử thành công được thống kê chỉ là con số nhỏ và những người nung nấu ý định này nhiều hơn từ 20-50 lần.

Thực tiễn đã chứng minh, có rất nhiều tồn tại trong công tác dự báo nguy cơ tự tử học đường cũng như công tác sàng lọc các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần học đường. Tâm lý học đường chưa trở thành hệ thống, nhà tâm lý học học đường chưa có biên chế trong nhà trường. Mặt khác, nhận thức của giáo viên về các dấu hiệu, nguy cơ còn nhiều thiếu sót và sai lạc.

Dư luận về việc một học sinh 11 tuổi ở Gia Lai vì không có quần áo mới nên đã tự tử khiến không ít bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng, thậm chí bị sốc nặng. Tiến sĩ có thể cho tâm lý của một đứa trẻ ở tầm tuổi đó diễn biến như thế nào? Các phụ huynh cần phải làm gì để nắm bắt, tháo gỡ và giúp con cân bằng tâm lý, thưa Tiến sĩ?​

Đây không phải là lần đầu chúng ta chứng kiến những câu chuyện đau lòng như vậy. Cá nhân tôi cảm thấy giận dữ vì có nhiều sự kiện tương tự xảy ra nhưng các bậc phụ huynh không rút ra được những bài học cần thiết. Tất nhiên, từ trường hợp mà bạn nêu có thể thấy có cả phần trách nhiệm của xã hội và của cá nhân học sinh, bên cạnh những điều cần lưu ý cho cha mẹ.

Trách nhiệm của xã hội và cộng đồng ở đây xét theo góc rộng là vấn đề an sinh xã hội, việc thực hiện và bảo vệ các quyền lợi của trẻ tại địa phương làm giảm nhẹ các áp lực tài chính mà gia đình gặp phải. Liên quan đến cá nhân học sinh có thể thấy có những ảnh hưởng của nhu cầu lứa tuổi muốn được người khác chấp nhận và tán thưởng; là sự thiếu hụt kỹ năng nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại để kiên định với mục tiêu cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, trong một môi trường đầy áp lực và với tính cách dễ bị tổn thương của lứa tuổi. Đối với các em, sự xung đột của cha mẹ, bị bỏ mặc trong gia đình, không có sự đồng cảm hiểu biết lẫn nhau trong gia đình qua cách nhìn của các em đều có thể là giọt nước cuối cùng làm tràn ly dẫn đến những hành vi tiêu cực mà không có sự cân nhắc lợi hại.

Các phụ huynh có thể đã không biết rằng những đứa trẻ ở độ tuổi này rất coi trọng thể diện của mình với chúng bạn, thậm chí có thể ngang mới tính mạng; Phụ huynh cũng có thể không biết rằng khi gia đình có một người anh đã tự tử thì nguy cơ người em có hành động đó sẽ cao ở mức báo động cần giám sát chặt chẽ; Phụ huynh có thể đã không biết là họ cần phải giải thích để các em sẵn sàng cùng cha mẹ đối phó với những khó khăn trong cuộc sống… Khi không được giải thích, có thể, các em sẽ suy diễn rằng bố mẹ không coi trọng mình. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và những hành xử tiêu cực của các em, nhất là khi các em cảm thấy cô độc, bế tắc khi không biết chia sẻ với ai. Nói đúng hơn đó là những cái chết vì “đói” tư vấn tâm lý. Theo Tiến sĩ, có phải các hoạt động tư vấn tâm lý học đường của ta chưa được quan tâm đúng mức?

Phải nói là cộng đồng chúng ta cũng còn nhiều ảo tưởng sai lầm về vấn đề tự tử. Nhiều người cho rằng, nói chuyện với người khác về cảm giác muốn tự tử của họ sẽ thúc đẩy họ tới tự tử thật. Nhưng việc hỏi về cảm giác đó khiến người nghe được giải tỏa, cảm thấy được quan tâm, lắng nghe, thúc đẩy họ trút bầu tâm sự, giảm bớt căng thẳng và cân nhắc hơn về việc này một cách nghiêm túc.

Nhiều người cũng cho rằng, tự tử là một hành động do kích động, không có kế hoạch nên không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết những cái chết do tự tử đều đã được nạn nhân suy nghĩ cẩn thận, có ý thức và lên kế hoạch một vài lần.

Nếu phụ huynh quan tâm đến con cái của mình có thể nhận ra sớm các dấu hiệu chán nản, bất cần, cụ thể nhất là qua lời nói như: "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu." hay "Chả có gì quan trọng cả!", "Thôi, mọi việc đều vô ích thôi!", hoặc "Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói...". Cha mẹ cũng có thể nhận diện qua các hành động như sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, nói sẽ cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý, tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hay làm cách hành động như để trả ơn bố mẹ. Một sai lầm mà các bậc phụ huynh và giáo viên thường mắc phải là cho rằng con trẻ tự tử một lần mà không thành công thì sẽ không tự tử nữa.

Hoạt động tư vấn tâm lý học đường hiện nay mới chỉ xuất hiện ở hiếm hoi một số trường tư thục hay được thực hiện trong giới hạn thời gian của một dự án. Công tác đào tạo những chuyên gia tư vấn tâm lý học đường cũng còn hạn chế, chưa có chương trình đào tạo cấp bằng Thạc sĩ về chuyên ngành này. Hệ thống đánh giá và quy trình hỗ trợ cho những người có nguy cơ, ý tưởng tự sát cũng không được dạy cho những người làm trong hệ thống Tư vấn tâm lý học đường.

Ở độ tuổi học sinh, khi mà tâm sinh lý chưa phát triển thì các em cần có người thấu hiểu, cùng chia sẻ để giải tỏa những vấn đề của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng hiểu con và có phải chính sự “lệch pha” này khiến nhiều chuyện đau lòng xảy ra, thưa Tiến sĩ?

Thiết nghĩ, nếu cha mẹ ý thức được rằng việc bỏ mặc không quan tâm đến con cái cũng tệ như việc lạm dụng, đánh đập con cái thì chắc sẽ hạn chế được nhiều chuyện đau lòng xảy ra.

Các bậc phụ huynh ở các vùng khó, vùng xa, những vùng có tỉ lệ nguy cơ cao cần được tuyên truyền tiếp cận nhiều hơn với kiến thức về quyền trẻ em; tuyên truyền những dấu hiệu của trầm cảm và tự sát của trẻ như thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ; trốn tránh bạn bè, gia đình, bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà; thay đổi cá tính một cách bất ngờ; thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học…

Phụ huynh cũng đừng bỏ qua các dấu hiệu báo động tự tử như việc trẻ nói đùa sẽ chết, viết truyện hay viết thơ về cái chết, có những hành vi tự hủy hoại (như cắt tay, dùng tàn thuốc dí vào tay)… Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần giúp con biết cách tự đương đầu và vượt qua những khó khăn, áp lực và nhìn cuộc sống theo khía cạnh tích cực.

Những nền giáo dục phát triển đều rất quan tâm đến vấn đề tâm lý học đường. Ở các bậc Mầm non, Tiểu học, giáo viên được trang bị rất kỹ về kiến thức tâm lý giáo dục. Đến bậc THCS hay THPT, ở nhiều nước còn trang bị phòng tâm lý cho từng trường. Như ở Pháp, ở từng khu dân cư có những phòng tâm lý để cho học sinh và phụ huynh có những vướng mắc đến chia sẻ. Vậy theo anh, áp dụng những hình thức ấy vào Việt Nam có phải là việc khó?

Về vấn đề tư vấn tâm lý học đường, chúng ta cũng đã học tập được rất nhiều từ các mô hình có uy tín và hiệu quả trên thế giới. Dự án Trường học An Toàn – Thân Thiện – Bình Đẳng giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Tổ chức Plan International Việt Nam được triển khai trên 20 trường THPT trên địa bàn Hà Nội là một ví dụ chứng minh chúng ta có thể áp dụng các mô hình tư vấn học đường trên thế giới vào Việt nam.

Đây là mô hình tư vấn 3 tầng với tầng 1 là Hoạt động phòng ngừa hỗ trợ tư vấn tâm lý, hướng đến tất cả học sinh trong nhà trường thông quan việc rèn luyện kỹ năng sống và năng lực ứng phó; Tầng thứ 2 tập trung can thiệp cho những học sinh có khó khăn tâm lý bằng các nhóm chuyên sâu hơn để giúp học sinh khám phá ra các điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; Tầng thứ 3 là can thiệp chuyên sâu và chuyển dịch vụ (chỉ tập trung vào khoảng 5% học sinh có các vấn đề nặng và nghiêm trọng như đã có kế hoạch tự sát). Với những đối tượng này, nhà tâm lý học đường chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn cho học sinh và giới thiệu chuyển các em tới các nhà tâm lý học lâm sàng hoặc bác sỹ tâm thần để điều trị chuyên sâu.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!