TS. Vũ Thu Hương trăn trở về những con số đẹp trong báo cáo giáo dục. (Ảnh: NVCC) |
Từ những con số
Theo tôi, câu chuyện thành tích đến từ những bản báo cáo mà các trường phải nộp. Tại sao giáo viên phải báo cáo bằng những con số? Có phải để các nhà quản lý giáo dục nhìn thấy được thực trạng giáo dục, nhằm cải tiến nền giáo dục?
Chúng ta chỉ có thể cải tiến khi những con số thể hiện vấn đề xảy ra ở trong ngành giáo dục. Nhưng thực tế những con số được báo cáo lên thường đẹp đến mức khó tin: 100% lên lớp, 100% tốt nghiệp, 100% học sinh khá giỏi...
Những con số như vậy không phản ánh được thực trạng, không thể định hướng cải tiến mà chỉ khiến cho chúng ta hiểu hoàn toàn sai về thực trạng giáo dục mà thôi.
Thứ hai, giáo dục là ngành nghề liên quan đến con người, phát triển con người. Do vậy, nếu chỉ quan tâm đến những con số thì không bao giờ nhìn rõ được bức tranh toàn cảnh ngành giáo dục. Bởi vì, để có một bài kiểm tra điểm đẹp có thể học sinh đó giỏi, thông minh nhưng cũng có thể em học sinh đó quay cóp, "học tủ học gạo" hoặc được “mớm” đề.
Như vậy, con số 100% không bao giờ chính xác. Vậy tại sao chúng ta lại yêu cầu ngành giáo dục báo cáo về những con số? Điều này là những bất cập kéo dài từ rất lâu mà chúng ta vẫn không thể thay đổi được.
Hơn nữa, nếu quan tâm và nghiên cứu các con số của ngành giáo dục sẽ nhận thấy tất cả những con số đó hoàn toàn khác với thực trạng giáo dục mà chúng ta được biết.
Dựa trên những con số không chính xác, chúng ta không thể đưa ra được bất kể một phương hướng cải tiến nào. Do vậy, ngành giáo dục xảy ra tình trạng càng cải tiến thì càng nhiều vấn đề.
Theo tôi, việc đầu tiên cần phải thay đổi không phải đưa ra những phương án để cải tiến phương pháp dạy học mà điều quan trọng nhất là thay đổi cách đánh giá của ngành giáo dục.
Nếu không thể thay đổi ngay 100% thì ít nhất bên cạnh những con số, những bản báo cáo đẹp, cần có những buổi thanh tra trực tiếp về nhà trường với thành phần không chỉ có cán bộ của ngành mà còn có cả phụ huynh học sinh.
Cần phải khớp về những con số được báo cáo chứ không phải chỉ đánh giá một cách hết sức hình thức khi nhà trường đã biết được trước những buổi kiểm tra để chuẩn bị và tập dượt.
Ngoài ra, việc quan tâm quá nhiều đến các con số cũng khiến cho áp lực thành tích của các thầy cô và nhà trường tăng lên. Ngay cả khi ngành giáo dục không dựa vào các con số này để đánh giá thì khi báo cáo những con số của trường mình lên phòng, sở GD&ĐT, các trường cũng cảm thấy xấu hổ với những ngôi trường khác. Họ bắt buộc phải xây dựng, đánh bóng hình ảnh của nhà trường bằng những con số đẹp.
… đến công tác hướng nghiệp
Do đó, những câu chuyện hình thức và tiêu cực vẫn xảy ra cho dù những con số đó được sử dụng với mục đích gì. Cũng qua đó có thể thấy việc phân luồng hướng nghiệp lớp 9 còn tồn tại khá nhiều vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện này là phân luồng nghề nghiệp tuy nhiên điều này hoàn toàn không chính xác bởi thực tế không có hướng dẫn hoặc định hướng nghề nghiệp cho các em từ sớm.
Ở đây, chúng ta đang định hướng hoàn toàn theo kết quả học tập của các em, không theo mong muốn cũng như năng lực thật sự của từng đứa trẻ. Những điều này chỉ là hình thức, không thể hiện tính chất định hướng nghề nghiệp.
Nếu hỏi các em học sinh cấp 2 về nghề nghiệp, chúng ta sẽ thấy bức tranh rất đặc biệt, đó là số ngành nghề mà các em được biết vô cùng ít. Các em cũng không hề biết những ngành nghề đó có những ưu điểm, khuyết điểm, lợi thế cũng như khó khăn sẽ phải vượt qua.
Nếu như thực sự hướng nghiệp, các em phải được định hướng ngay từ đầu, ngay từ cấp 2 về những ngành nghề các em được biết và khuyến khích các em tìm hiểu. Câu chuyện hướng nghiệp còn phụ thuộc cả vấn đề sở thích và năng khiếu của các em. Nếu các em không có năng khiếu, không có sở thích ngành nghề đó mà hướng các em đi theo thì đây là ép buộc, không có tính định hướng, điều này thành "lợi bất cập hại".
Bất cập này còn đến từ một nguyên nhân nữa, đó là vào các trường dạy nghề không phải thi cấp 3. Chính vì kẽ hở này nên các trường đã có những khuyến khích để các em học sinh lựa chọn phương án khác thay vì thi vào cấp 3. Thế nên, chúng ta gọi việc khuyên học sinh yếu kém không thi lớp 10 là định hướng nghề nghiệp là không đúng, không chính xác.
Hướng nghiệp thế nào mới đúng?
Khi hướng nghiệp cho học sinh thì cần đảm bảo các nguyên tắc đạo đức thế nào? Khi hướng nghiệp, bên cạnh việc nhận diện dựa trên năng khiếu cũng như khả năng học hỏi thì cần đảm bảo 100% học sinh được biết đến ngành nghề đó với tất cả các tiêu chí thường phù hợp với người như thế nào? Nó sẽ đòi hỏi những kỹ năng gì? Đòi hỏi những kiến thức nâng cao nào? Đòi hỏi tính cách gì của một con người? Đó là chưa kể những khó khăn của từng ngành nghề cũng như đặc thù riêng của ngành.
Ví dụ, ngành Y phải làm quen với trực đêm, làm quen với những cơn đau của người khác. Còn ngành giáo dục phải có trách nhiệm cao độ đối với sự phát triển của những đứa trẻ, phải học được sự kiên nhẫn và giữ bình tình trong tất cả các tình huống. Với những bạn có tính cách nóng nảy, không giữ được bình tĩnh thì hoàn toàn không phù hợp với nghề giáo.
Nếu học sinh đã biết trước được khó khăn như vậy sẽ có những chuẩn bị tâm lý cho mình, lựa chọn những ngành nghề như vậy. Điều đáng nói, nếu học sinh học kém mà giáo viên thuyết phục để các em chuyển sang một ngành nghề các em hoàn toàn không phù hợp gì thì rõ ràng đang đẩy các em đến khó khăn.
Cần thay đổi thước đo hiệu quả giáo dục
Từ câu chuyện này có lẽ đã đến lúc thay đổi thước đo hiệu quả giáo dục. Tôi nghĩ, việc đánh giá giáo dục là điều chúng ta phải thay đổi ngay lập tức bởi vì cách đánh giá hiện nay đã tạo ra bệnh thành tích rất trầm trọng. Câu chuyện này đã kéo dài rất nhiều năm nay chứ không phải một hai năm. Hệ quả khiến cho thế hệ học sinh và cách đánh giá giáo dục bằng các con số cũng là cách khá đặc biệt ở nước ta.
Khi đánh giá cần quan tâm đến thực chất, không chỉ quan tâm đến kiến thức, điểm số của học sinh mà còn cần những kỹ năng cũng như thái độ, đạo đức của học sinh. Đấy là những điểm không phụ thuộc vào những con số.
Các con số ảnh hưởng đến đạo đức và kĩ năng của giáo viên
Tôi nghĩ rằng, một giáo viên đều biết trọng trách hết sức cao cả của mình là thay đổi số phận của những con người. Do vậy, việc chúng ta đánh giá giáo viên dựa trên thành tích của học sinh sẽ khiến họ đi sai con đường đã lựa chọn từ đầu.
Nếu đánh giá giáo viên thực chất qua những buổi kiểm tra trực tiếp, từ nhận xét của phụ huynh, học sinh về giáo viên thì lúc đó chúng ta mới có thể nhận diện được chính xác những vấn đề cũng như năng lực, đạo đức của giáo viên.
Cũng từ đó, giáo viên nhận diện được trách nhiệm của mình đối với học sinh là thay đổi số phận của các em và cũng nhận ra mục tiêu rất rõ ràng của nghề giáo là giáo dục đạo đức, ý thức cho học sinh sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với việc dạy kiến thức và kỹ năng.
Họ sẽ tập trung vào rèn ý thức cũng như rèn đạo đức cho học sinh để từ đó học sinh sẽ có tiềm năng để tự phát triển bản thân, tự thay đổi chính bản thân mình và trưởng thành hơn.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!