📞

TSKH. Phan Xuân Dũng: Lựa chọn đúng người, đúng việc và thực chất để phát huy nguồn lực trí thức kiều bào

Nguyệt Anh 07:06 | 22/08/2024
Điều quan trọng nhất là cần đánh giá đúng tiềm lực cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức kiều bào đối với sự nghiệp phát triển khoa học – kỹ thuật của đất nước.
TSKH. Phan Xuân Dũng cho rằng lựa chọn đúng người, đúng việc và thực chất để phát huy nguồn lực trí thức kiều bào. (Ảnh: Hoàng Giang)

Nhân Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư, Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TSKH. Phan Xuân Dũng (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) về những đóng góp của trí thức kiều bào cho lĩnh vực khoa học - kỹ thuật trong nước và giải pháp thu hút nguồn lực này.

Có nhiều đóng góp quan trọng

Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của đội ngũ trí thức kiều bào trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho đất nước ta hiện nay?

Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội; đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là lực lượng quan trọng không tách rời dân tộc, đất nước. Họ có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn được Đảng ta và Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao.

Nhận thức được vai trò quan trọng của trí thức NVNONN, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác đối với NVNONN nói chung và trí thức kiều bào nói riêng, trong đó, gần đây là Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Số này gồm 2 bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây.

Hằng năm, trung bình có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học NVNONN về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, đội ngũ trí thức NVNONN giàu lòng yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc và có nhiều đóng góp cho đất nước, những kết quả đó rất đáng trân trọng.

Theo ông, những rào cản chính hiện nay đang hạn chế sự tham gia của đội ngũ trí thức kiều bào vào quá trình phát triển khoa học và công nghệ đất nước là gì?

Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số bất cập trong việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng nguồn lực trí thức kiều bào. Theo tôi, các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh trong trọng dụng nhân tài, trí thức; nhiều chế độ ưu đãi chưa tận dụng được sự cống hiến của trí thức.

"Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng không tách rời dân tộc, đất nước. Họ có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao".

Do đó, việc thu hút chuyên gia NVNONN tham gia hoạt động Khoa học và công nghệ ở Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng. Các chuyên gia chủ yếu tham gia các hoạt động ngắn ngày, ít người về làm việc lâu dài.

Chuyên gia, trí thức kiều bào về tham dự Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: Lê An)

Để trí thức kiều bào tận hiến với đất nước

Từ thực trạng trên, ông có những đề xuất nào để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trí thức kiều bào về nước làm việc, nghiên cứu?

Để phát huy hơn nữa vai trò của các hội trí thức trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo tôi có một số giải pháp sau:

Đầu tiên, Đảng, Nhà nước ta cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, đề ra chính sách trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức và các tổ chức tập hợp trí thức, như: Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp... Khi đội ngũ trí thức trong nước được đặt đúng vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị, được coi trọng và tạo môi trường thuận lợi thì trí thức NVNONN mới có thể thấy đó là cơ hội, là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mình và những đóng góp của họ sẽ được ghi nhận xứng đáng.

Bên cạnh đó, cần coi trọng hơn nữa công tác chủ động tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những cá nhân là NVNONN đạt được nhiều thành tựu ở nước sở tại, qua đó động viên họ tích cực kết nối và hợp tác với các tổ chức trong nước, đóng góp cho sự phát triển của đất nước theo phương thức phù hợp. Thông qua họ, kết nối với cộng đồng khoa học và chính khách của nước sở tại, góp phần quan trọng trong xây dựng mối bang giao hữu nghị với bạn bè thế giới.

Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, với mạng lưới hội thành viên trong hầu hết các ngành, lĩnh vực về khoa học và công nghệ hoạt động trên khắp cả nước, sẵn sàng là một trong những đơn vị triển khai nội dung này.

Để tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn thu hút và giữ chân nhân tài, vấn đề không chỉ trọng đãi mà còn cần trọng dụng?

Với số lượng đông đảo, nhân tài làm việc ở nhiều nước có trình độ cao về khoa học - công nghệ, được đào tạo trong môi trường phát triển, cạnh tranh, thông tin cập nhật, chuyên gia, trí thức kiều bào là vốn quý. Nếu huy động tốt, đội ngũ này sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các mặt khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

"Điều quan trọng là chọn trí thức, nhà khoa học nào vào việc gì, có đúng người, đúng việc, có đi vào thực chất hay không, chứ không phải chuyện thu hút được bao nhiêu người".

Thực tế, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, trong đó có nội dung về thu hút nguồn lực trí thức kiều bào. Các chính sách này, cùng hệ thống các chính sách liên quan vấn đề quốc tịch, đầu tư, nhà đất... thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với nguồn lực của cộng đồng NVNONN nói chung và lực lượng trí thức nói riêng. Các cơ quan xây dựng chính sách trong nước cũng ngày càng quan tâm đến những nguyện vọng, lợi ích của kiều bào, tạo điều kiện tối đa khi họ về nước hợp tác giảng dạy, chuyển giao khoa học - công nghệ.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức NVNONN. Từ đó, đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích họ đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, xác định rõ những vướng mắc, cản trở sự đóng góp của đội ngũ trí thức kiều bào, từ đó có những giải pháp tháo gỡ, khơi thông nguồn lực quý này.

Vai trò của Nhà nước và các cơ quan quản lý trong việc phát huy, sử dụng hiệu quả nguồn lực này?

Để phát huy các tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức, khoa học NVNONN, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào. Tiếp tục triển khai các biện pháp tranh thủ, thu hút sự hợp tác, đóng góp của trí thức, doanh nhân kiều bào trên các lĩnh vực như tư vấn trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, nhất là trong các ngành kinh tế; làm cầu nối hợp tác, tìm kiếm nguồn đầu tư quốc tế cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước.

"Chuyên gia, trí thức kiều bào là vốn quý. Nếu huy động tốt, đội ngũ này sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các mặt khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững".

Tiến hành khảo sát, thu thập danh sách các trí thức, chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi có thể đáp ứng được yêu cầu từng lĩnh vực trong nước và có chính sách đãi ngộ thoả đáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát huy khả năng đóng góp, tận hiến với đất nước.

Điều quan trọng theo tôi là chọn trí thức, nhà khoa học nào vào việc gì, có đúng người, đúng việc, có đi vào thực chất hay không, chứ không phải chuyện thu hút được bao nhiêu trí thức Việt kiều.

Để đội ngũ này cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học nước nhà, Đảng và Nhà nước tiếp tục trân trọng, cầu thị, lắng nghe hơn nữa, tôn vinh trí thức kiều bào. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực của đất nước, xã hội cho phát triển khoa học - công nghệ, với tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu.

Xin cảm ơn ông!