Sự thất bại trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 và sự xuất hiện của những biến thể mới, cùng với sự bất bình đẳng về vaccine đang khiến sự phân cực giữa phương Tây và các nước nghèo hơn ngày càng gia tăng. (Nguồn: Pixabay) |
Theo tác giả, sự phân cực giữa phương Tây và các nước nghèo hơn ngày càng gia tăng do sự thất bại trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, sự xuất hiện của những biến thể mới, cùng với sự bất bình đẳng về vaccine.
"Cơn ác mộng" biến thể Delta
Đầu tháng Hai năm nay, khi các phương tiện truyền thông thế giới chính thức đưa tin rằng “điều tồi tệ nhất đã qua”, đã có hơn 110 triệu người mắc Covid-19 (được xác nhận) và hơn 2,5 triệu người tử vong.
Không ngờ, chỉ 6 tháng sau, số ca mắc đã tăng gần gấp đôi, lên hơn 200 triệu người, trong khi số ca tử vong tăng lên 4,3 triệu người. Trong cả hai giai đoạn này, con số thực có thể cao gấp 2 đến 3 lần, và trong một số trường hợp, thậm chí còn cao gấp 4 lần như vậy.
Cho đến mùa Hè 2020, số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn ở dưới mức 100.000 trên toàn cầu, chủ yếu là nhờ các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19 ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác.
Tuy nhiên đến giai đoạn cuối mùa Xuân 2021, khi làn sóng thứ hai bùng phát và nhanh chóng lan rộng ở Ấn Độ, kích hoạt biến thể Delta (21A), trong tháng 5/2021, số ca mắc mới hàng ngày đạt đỉnh điểm là gần 900.000.
Một tháng trước đó, biến chủng này vẫn chiếm chưa tới 5% tổng số ca mắc trên toàn thế giới; nhưng tới nay, Delta đã chiếm tới 75% các trường hợp lây nhiễm và trở thành một "cơn ác mộng" trên toàn cầu.
Bất bình đẳng về vaccine
Đến cuối tháng 11/2020, Canada và Mỹ đã đặt trước 8-9 liều vaccine cho mỗi người dân của họ. Anh, Australia và EU cũng theo bước với 5-6 liều/người.
Đến tháng 1/2021, Tổng Giám đốc WHO Tedros cảnh báo rằng, do các chính sách vaccine ngừa Covid-19 không công bằng, “thế giới đang trên bờ vực của một sự thất bại thảm hại về đạo đức và cái giá của sự thất bại này sẽ phải trả giá bằng sinh mạng và sinh kế của những quốc gia nghèo nhất thế giới”.
Tại thời điểm đó, 40 triệu liều vaccine đã được tiêm ở 50 nền kinh tế có thu nhập cao. Trong khi ngược lại, theo Oxfam, cứ 10 người thì có tới 9 người ở các nước nghèo dự kiến sẽ chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021.
Vì vậy, khoảng cách tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo ngày càng tăng trên khắp thế giới.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, gần 40% dân số ở các nền kinh tế tiên tiến đã được tiêm chủng đầy đủ, so với chưa đầy một nửa con số này ở các nền kinh tế mới nổi, và con số này chủ yếu là ở Trung Quốc, còn những nước có thu nhập thấp chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Và mọi thứ sắp trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Cách đây không lâu, EU đã cam kết hỗ trợ cung cấp vaccine đáng kể cho các nước nghèo, đặc biệt là ở châu Phi. Theo WHO, đó là “lộc trời cho” đối với châu lục này vì hiện nay mới chỉ có 1,2% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, thực tế của việc hỗ trợ vaccine hóa ra rất khác. Tuần trước, đặc phái viên của Liên minh châu Phi được giao nhiệm vụ chỉ đạo các nỗ lực mua vaccine ngừa Covid-19 cho lục địa đã chỉ trích mạnh mẽ châu Âu, khi tuyên bố rằng “không một lọ vaccine nào đã rời nhà máy ở châu Âu để sang châu Phi”.
"Chủ nghĩa Apartheid kinh tế"
Một phần do biến thể từ Anh và biến thể Delta, dự báo triển vọng các nền kinh tế phát triển gần đây đã được điều chỉnh tăng lên, trong khi triển vọng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã giảm xuống trong năm 2021, đặc biệt là đối với các nền kinh tế châu Á mới nổi.
Tuy nhiên, thách thức thực sự là ở chỗ những điều chỉnh này có thể không chỉ là biến động theo chu kỳ, mà là những thay đổi trường kỳ trong dài hạn.
Tháng 8/2020, Tiến sĩ Dan Steinbock đã dự đoán nhiều năm phát triển vừa qua sẽ bị xóa sổ và mức sống sụt giảm ở tất cả các nền kinh tế. Đặc biệt, các nước nghèo nhất thậm chí sẽ mất đi những thành tựu của nhiều thập kỷ phát triển, chia rẽ xã hội, nạn đói và xung đột ngày càng gia tăng ở các nước dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đó, “chủ nghĩa dân tộc vaccine” của các nền kinh tế phát triển và sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận vaccine giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển có nguy cơ làm trầm trọng thêm những hậu quả đã được dự đoán.
Tiếp cận vaccine sẽ trở nên quan trọng để phục hồi kinh tế bền vững, đồng thời nó cũng chia cắt thế giới làm hai nửa. Điều đó giờ đây đã trở thành một “bình thường mới” - điều mà ngay cả IMF cũng đã thừa nhận.
Tiếp cận vaccine đã trở thành một lỗ hổng chính trong quá trình phục hồi toàn cầu. IMF và các ngân hàng phát triển đa phương khác có thể đã quá lạc quan khi cho rằng những điều kiện ban đầu này chủ yếu gây ra những hệ quả trong ngắn hạn.
Trên thực tế, do tiếp tục quản lý yếu kém, các nền kinh tế phát triển sớm mở cửa trở lại, sự bất bình đẳng về vaccine trên thế giới và sự xuất hiện của các biến thể mới, các tác động mang tính hệ quả có thể sẽ kéo dài hơn. Sự phục hồi không được đảm bảo ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm rất thấp chừng nào virus vẫn lây lan ở nơi khác.
“Apartheid” được định nghĩa là một chính sách hoặc hệ thống phân biệt hoặc phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, hoặc vì lý do khác. Cách thức xử lý đại dịch kém, sự gia tăng của các biến thể xuất phát đầu tiên ở Anh và biến thể Delta (và các biến thể mới sắp xuất hiện), cùng với sự bất bình đẳng về vaccine đang dẫn đến nạn phân biệt chủng tộc về kinh tế - hay còn gọi là "chủ nghĩa apartheid kinh tế".
Một hành tinh, hai thế giới
Theo Tiến sĩ Dan Steinbock, "chủ nghĩa Apartheid kinh tế" sẽ dẫn đến hậu quả là sự phục hồi toàn cầu trong ngắn hạn và triển vọng kinh tế dài hạn khác nhau.
Khối các nền kinh tế phát triển sẽ mong đợi bình thường hóa hơn nữa vào cuối năm nay nhờ các gói kích thích tài khóa tích cực, tăng cường vay nợ và các chính sách tiền tệ thích ứng.
Còn ở khối nền kinh tế đang phát triển, nhiều nền kinh tế mới nổi và hầu hết các nền kinh tế có thu nhập thấp sẽ phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát và gia tăng số ca tử vong do Covid-19, trong khi nguồn ngân sách lại hạn chế và các chính sách tiền tệ không phù hợp.
“Chủ nghĩa Apartheid kinh tế” đang diễn ra giữa các nền kinh tế phát triển và các nước nghèo hơn sẽ thúc đẩy sự gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu, bất ổn xã hội, biến động chính trị và chủ nghĩa cực đoan, từ đó sẽ càng khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ mới và chủ nghĩa bài ngoại ở phương Tây.
Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.