Vào khoảng 18h ngày 28/8, 1 vụ cháy lớn bùng phát tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông nằm ở phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Nguồn: cafef) |
Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông ngày 28/8 có phải là sự cố hay thảm họa môi trường? Điều tối thiểu người dân có quyền đòi hỏi sự minh bạch trong thông tin về mức độ rò rỉ của thủy ngân ra môi trường thực sự là bao nhiêu?
Vậy nhưng, các phát ngôn cùng kết quả đánh giá môi trường, thông tin lại trái chiều, có nhiều bất nhất, thậm chí mâu thuẫn khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Vụ cháy Rạng Đông là nhiễm độc thủy ngân hay ngộ độc thông tin?
Ngay sau vụ cháy, Rạng Đông ra văn bản khẳng định: “Khí thải trong vụ cháy không ảnh hưởng tới sức khỏe con người”. Công ty cũng cho biết đã sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng từ năm 2016. Sau đó, công ty này lại thừa nhận, 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy chứa thủy ngân lỏng.
UBND phường Hạ Đình ra thông báo khuyến cáo tác động sau vụ cháy nhưng phải thu hồi do “không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở”. Ngày 4/9, Bộ TN&MT công bố, lượng thủy ngân bị phát tán khoảng 15,2 - 27,2 kg. Tiếp đến, Tổng cục Môi trường cho biết, giá trị thủy ngân vượt ngưỡng an toàn 1,02 lần và các vùng lân cận không bị ảnh hưởng.
Ngày 12/9, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay, nhà sống ở khu vực gần nhà máy Rạng Đông bán kính 500m hoàn toàn yên tâm do các thông số quan trắc về chất lượng không khí, môi trường chỉ ra đã an toàn.
Mặc dù có thể “hoàn toàn yên tâm” nhưng hơn hai tuần sau vụ cháy, cuộc sống của cư dân Hạ Đình và khu vực lân cận vẫn chưa trở lại nhịp độ bình thường. Có thể nói, ô nhiễm môi trường sống đã đáng sợ, ô nhiễm niềm tin còn đáng sợ hơn.
Người dân vẫn không biết có nên cho con sơ tán hay vẫn đi học bình thường? Và rồi, họ tự xét đoán, tự suy luận, tự tìm hiểu và mạnh ai nấy làm, người cẩn trọng thì di cư để tự cứu mình, người ở lại thì đối mặt với nỗi lo về nguy cơ sức khỏe.
Vấn đề lúc này không còn dừng lại ở quy trình xử lý, ứng phó sự cố nữa mà là một cuộc khủng hoảng truyền thông thực sự. Người dân biết tin ai trong một mớ hỗn độn thông tin từ doanh nghiệp đến các cấp quản lý, nơi nói nghiêm trọng, nơi cho rằng không đáng lo ngại?
Trong sự cố, người dân luôn cần câu trả lời thống nhất, trung thực cùng những khuyến cáo kịp thời về nguy cơ nhiễm độc. Nhưng nhìn lại, tất cả những động thái cho thấy sự thiếu trách nhiệm và không có một quy trình kiểm tra, đánh giá minh bạch.
Cùng với đó, lời đồn đoán, liên tưởng đến những thảm họa nhiễm độc trên thế giới được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến của chuyên gia y tế, môi trường cùng những suy diễn của các “anh hùng bàn phím” chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa khiến người dân càng thêm hoang mang...
Từ vụ cháy Rạng Đông, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nghĩ đến việc chuẩn hóa hơn nữa quy trình ứng phó sự cố hóa chất hay môi trường. Ở nhiều nước, mỗi khi có sự cố, thông báo chính thức của chính quyền thường được lan truyền rất nhanh đến người dân qua hệ thống tin nhắn hoặc thư điện tử.
Thảm họa môi trường là điều không ai muốn, nhưng thay vì thể hiện đạo đức của doanh nghiệp, Công ty Rạng Đông lại công bố thông tin sai sự thật về sự cố thủy ngân độc hại phát tán ra môi trường đã tạo ra một ngọn lửa khác mang tên khủng hoảng niềm tin.
Trách nhiệm xã hội và đạo đức của doanh nghiệp ở đâu khi sản phẩm của Rạng Đông đang có mặt khắp cả nước qua 7.000 đại lý và cửa hàng và được xuất khẩu tới 42 quốc gia, nền kinh tế?
Có lẽ, câu chuyện Rạng Đông khiến nhiều người nhớ đến câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế!.
Thật vậy, trước những sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng, điều tối thiểu người dân cần là sự minh bạch, trung thực chứ không phải trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Nếu không khắc phục được điều này, hẳn nhiên hậu quả khó tránh khỏi sẽ là “ô nhiễm” niềm tin.