📞

Từ câu chuyện trẻ trầm cảm: Ép con thực hiện mục tiêu của cha mẹ đến 'hết ga hết số', được gì?

Nguyệt Hà 13:45 | 12/04/2022
Trước thực trạng trẻ trầm cảm những năm gần đây, Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh, Giảng viên kỹ năng mềm, PGĐ Kỹ năng và Truyền thông Hệ thống Trung tâm ATC cho rằng, áp lực của phụ huynh hiện nay khi dạy con, để hiểu con thật sự không phải quá khó, nhưng cái khó chính là thời gian.
Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh. (Ảnh: NVCC)

Ông nghĩ gì về áp lực thành tích, thi cử và áp lực điểm số của trẻ em Việt hiện nay?

Áp lực về thành tích, thi cử, điểm số không chỉ là của riêng học sinh Việt mà còn là của phụ huynh, cùng với đó là giáo viên.

Mỗi mùa thi đến lại có những câu chuyện đau lòng xảy ra: nhiều học sinh bị căng thẳng, lo âu, trầm cảm và có những hành vi gây hại cho bản thân, thậm chí là tự tử để giải thoát.

Điều này xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như học sinh chưa hiểu được ý nghĩa của việc học, tự ti, mặc cảm bản thân. Trong khi đó, nguyên nhân khách quan đến từ những áp lực phía gia đình, thầy cô, hơn thua với bạn bè.

Có phải phụ huynh Việt đang can thiệp quá sâu và bao bọc con, khiến đứa trẻ đánh mất đi tính tự lập và luôn cảm thấy áp lực?

Phụ huynh thương con là điều không thể cấm cản. Nhưng vì quá yêu thương nên họ thường sắp xếp mọi thứ cho con mình, khiến các em thiếu đi tính tự lập và tự học, sống với đam mê của bản thân.

Phụ huynh luôn muốn con giỏi nhiều mặt và đạt thành tích cao trong mọi vấn đề, để nở mày nở mặt với thiên hạ. Vì thế, những áp lực bắt đầu xảy đến với con.

Đáng lý ra, các con phải nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí để tái tạo năng lượng, sức khỏe, niềm vui thì các con lại dồn sức lực để thực hiện mục tiêu của cha mẹ một cách “hết ga hết số”.

Để rồi, sau những mục tiêu ấy là những câu chuyện đau buồn và phụ huynh thốt lên rằng: “Nếu tôi biết trước như vậy thì tôi đã không cho con học hết cái này đến cái kia”… đến lúc này thì đã quá muộn.

Tiếp xúc nhiều với học sinh, sinh viên, ông nhận thấy các em thiếu điều gì nhất?

Theo tôi, học sinh, sinh viên ngày nay ngoài việc trau dồi học tập chuyên môn, các em cần phải rèn luyện nhân bản thật tốt, tiếp đến là trang bị các kỹ năng như tự lập, thích nghi, biết và thực hành các giá trị yêu thương và chia sẻ trong cuộc sống.

Có người cho rằng, phụ huynh kỳ vọng quá cao so với thực lực của con sẽ khiến trẻ bị biến thành “vật thí nghiệm”. Ông có nghĩ như vậy?

Trong quá trình giáo dục con, nhiều phụ huynh mong muốn con sẽ có thành tích cao trong học tập và rèn luyện, những mong muốn này ngày càng nhiều. Do đó, làm con áp lực và mất đi những giây phút thư giãn, niềm vui trong cuộc sống.

Chúng ta phải thật sự cân nhắc khi đem con ra làm “vật thí nghiệm”, thử xem vận may thế nào, rồi năng lực con tới đâu, để rồi “được và mất” bắt đầu xuất hiện. Nếu được thì hãnh diện, nhưng có thành công trong công việc sau này hay không thì chưa biết.

Tuy nhiên, nếu mất thì thậm chí mất cả con mình, nhận lại là sự đau khổ, hối tiếc…

Phụ huynh cần đồng hành, giúp con khám phá bản thân, năng lực, giúp con hiểu tầm quan trọng của việc học tập, khích lệ khi con làm tốt, hỗ trợ chia sẻ khi con gặp khó khăn thay vì bắt ép, kỳ vọng quá lớn nơi con.

Trong tất cả mọi sự, quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp. Phù hợp năng lực, sức khỏe của con, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu của xã hội là điều rất cần thiết để giúp con học tập và phát triển toàn diện, bình an và luôn cảm thấy hạnh phúc.

Phụ huynh cần đồng hành, giúp con khám phá bản thân, năng lực, giúp con hiểu tầm quan trọng của việc học tập, khích lệ khi con làm tốt. (Nguồn: TT)

Vậy theo ông, áp lực của các bậc phụ huynh hiện nay khi dạy con là gì? Có phải là việc phải hiểu con?

Áp lực của phụ huynh hiện nay khi dạy con, để hiểu con thật sự không phải quá khó, nhưng cái khó và áp lực chính là thời gian. Thời gian nào dành cho con đây khi mà đời sống vật chất ngày càng tăng cao, kinh tế gia đình, học phí, phương tiện học tập… đều cần cha mẹ bận tâm và đáp ứng.

Muốn giải quyết câu chuyện này, mỗi gia đình phải có kế hoạch làm việc cụ thể, phân bố thời gian làm việc hợp lý, đủ để lo kinh tế gia đình mà cũng đủ thời gian bên con, đồng hành và hướng dẫn con.

Việc học của trẻ ngày càng áp lực, khiến trẻ sẽ cảm thấy thua cuộc, thất bại nếu bị điểm kém, nếu thi trượt, thậm chí suy nghĩ tiêu cực và có những hành động dại dột. Làm sao để tháo gỡ?

Muốn tháo gỡ những khó khăn này cần kết hợp đồng bộ giữa nhà trường, xã hội, gia đình và cả bản thân học sinh.

Việc đánh giá bằng điểm số, cuộc thi là một phương thức nhận biết năng lực của học sinh, để thuận tiện trong vấn đề giáo dục, nhưng chúng ta cũng cần phải linh hoạt bởi điểm số chỉ là một phần, không thể đánh giá hết năng lực hay toàn diện một học sinh.

Nhà trường và xã hội cần có những buổi tư vấn ngành nghề, hướng đi, những buổi dạy về kỹ năng sống. Đó là kỹ năng khám phá bản thân, kỹ năng vượt qua khó khăn trong học tập, kỹ năng xác lập mục tiêu…

Cùng với đó là sự chia sẻ, đồng hành từ phía gia đình, nâng đỡ các con vượt qua khó khăn bằng những lời động viên, câu chuyện ý nghĩa hoặc thậm chí về những thất bại trước đó của phụ huynh và cách vượt qua thế nào.

Còn về phía các em học sinh, khi có khó khăn, cần tìm các nguồn lực như thầy cô, gia đình, bạn bè để chia sẻ, tâm sự hoặc tìm tới các chuyên gia về tâm lý, giáo dục để có thể thoát gỡ khó khăn một cách kịp thời.

Xin cảm ơn ông!