Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, điểm thi tốt nghiệp chỉ để xét tốt nghiệp, còn tuyển sinh đại học phải do các trường tự chủ. |
Rất nhiều ý kiến cho rằng, giờ đây sao giới trẻ có nhiều thiên tài thế, gần 30 điểm vẫn trượt đại học. Có người tự hỏi, liệu kỳ thi tốt nghiệp dễ quá chăng? Bà nghĩ gì về việc 2 thủ khoa trượt nguyện vọng 1 đại học gây xôn xao dư luận thời gian qua?
Câu chuyện này thể hiện một điều rõ ràng là các kỳ thi không đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Nó đã cho thấy có những bất cập.
Để xem xét cụ thể vấn đề này, cần quay lại câu chuyện ghép hai kỳ thi lại làm một bắt đầu từ năm 2016. Ngày đó, không ít chuyên gia đã lên tiếng phản đối khi ghép cơ học 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học lại làm một. 2 kỳ thi với 2 mục tiêu trái ngược nhau bị ghép cơ học lại sẽ có những vấn đề, bất cập.
Thế nhưng, mọi việc vẫn được diễn ra. Những năm sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) liên tục tìm cách cải tiến để tăng chất lượng các kỳ thi.
Bên cạnh đó, các trường đại học cũng nhận thấy sự bất ổn khi tiếp nhận sinh viên đỗ các nguyện vọng dựa trên kỳ thi 2 trong 1. Họ xoay xở, tự chủ hơn trong tuyển sinh để có thể tìm kiếm được những sinh viên đủ chuẩn so với yêu cầu của mình.
Từ đó, rất nhiều phương thức xét tuyển đại học ra đời. Bộ GD&ĐT đồng ý với các phương thức xét tuyển đó song hành với kết quả kỳ thi 2 trong 1. Do vậy, những câu chuyện kỳ lạ như thủ khoa vẫn trượt nguyện vọng 1 đại học như trên mới xuất hiện.
Thực tế những năm qua cho thấy, rất nhiều thí sinh điểm khá cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn trượt nguyện vọng 1, thậm chí rớt đại học. Việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT vào xét tuyển đại học có phải là bất hợp lý?
Sự bất hợp lý này có ngay từ khi kỳ thi 2 trong 1 bắt đầu được tiến hành. Lý do là mục tiêu 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi kiểm tra lại toàn bộ những kiến thức học sinh đã được cung cấp suốt 12 năm. Vì thế, đề thi được đòi hỏi phải đủ rộng nhưng chỉ đạt mức cơ bản để có thể kiểm tra dễ dàng. Điểm thi có thể sẽ cao, thậm chí rất cao và số lượng học sinh đỗ kỳ thi này cũng thường sẽ ở mức 80 - 90% hoặc hơn.
Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh đại học là kỳ thi tuyển chọn nhân tài, “đãi cát tìm vàng”. Vì thế, tỷ lệ đỗ sẽ không cao, phụ thuộc vào tỷ lệ chọi của từng trường.
Khi bị ghép cơ học vào nhau, chắc chắn sẽ có những bạn được điểm rất cao (vì chăm chỉ học theo các mục tiêu tốt nghiệp THPT) nhưng không thực sự giỏi theo các tiêu chí tuyển chọn của các trường đại học. Cũng sẽ có bạn thực sự rất giỏi (theo tiêu chí tuyển chọn của các trường đại học) mà lại không có kết quả tốt trong kỳ thi 2 trong 1 này. Vì vậy, sẽ có các thủ khoa trượt đại học và những bạn điểm kém hơn lại đỗ.
Hiện nay, rất nhiều trường đã sử dụng các phương thức xét tuyển, không còn dùng nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT nữa. Vậy có phải kỳ thi tốt nghiệp đã không còn nhiều ý nghĩa?
Như trên đã đề cập, khi ghép 2 kỳ thi lại cộng với việc chấp nhận các phương thức xét tuyển khác, kỳ thi tốt nghiệp thực sự không còn nhiều giá trị. Hiện giờ, chúng ta chỉ thấy kỳ thi vẫn còn đủ giá trị về phần kiểm tra kiến thức phổ thông, hay còn gọi là để xét tốt nghiệp THPT. Giá trị xét tuyển bậc đại học và cao đẳng đã hầu như không còn nữa.
Từ hơn 10 năm trước, dư luận đã đặt vấn đề có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không khi tới gần 99% thí sinh đậu? Cũng có ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp nên giao cho các địa phương, tuyển sinh đại học nên trả về cho các trường tự chủ. Cá nhân bà nghĩ sao?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dù có tỷ lệ đỗ gần 99% cũng cần có vì nó có mục đích kiểm tra kiến thức. Có thể nói, kỳ thi này giống với một kỳ thi học kỳ bình thường nhưng ở mức độ tổng quan hơn cho 12 năm đèn sách. Nếu xóa bỏ kỳ thi này, chất lượng học tập rèn luyện của học sinh sẽ giảm sút.
Những năm 2016 và 2017, khi Bộ GD&ĐT tuyên bố các môn thi tốt nghiệp chỉ có Toán, Văn, Ngoại ngữ, hiện tượng sinh viên các trường đại học và cao đẳng nhập học những năm đó "hổng" kiến thức rất nặng. Học để thi vẫn là một hiện trạng tồn tại đặc biệt khi bệnh thành tích của phụ huynh vẫn chưa giảm.
Vì thế, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT nên đầu tư mọi công sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, cần đầu tư công sức để tìm ra các phương thức thực hiện phù hợp. Thi bao nhiêu môn, thi như thế nào, làm sao để tránh tiêu cực của kỳ thi này là những thách thức dành cho Bộ.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, kỳ thi tốt nghiệp THPT kéo dài trong thời gian học sinh đang theo cấp học này. Các em có thể hoàn tất một số môn học, thi lấy điểm luôn từ những năm lớp 10, lớp 11.
Ví dụ, một học sinh tập trung tích lũy đủ kiến thức Lịch sử của cả 12 năm ngay từ lớp 10, em ấy sẽ được tạo điều kiện để thi tốt nghiệp THPT riêng môn Lịch sử ngay trong kỳ Hè cuối năm lớp 10. Khi đó, lớp 11, 12 em học sinh đó sẽ không phải lo học và thi môn Lịch sử nữa. Các em sẽ có thời gian dành cho các môn học khác. Vì thế, áp lực thi cử sẽ được giảm bớt.
Vậy nên, theo tôi, với kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng, Bộ GD&ĐT hãy để các trường tự chủ trong việc tổ chức các kỳ thi riêng, miễn là hợp lý và không để xảy ra các tiêu cực. Điều này cũng sẽ thể hiện được tính tự chủ của từng trường.
Bộ GD&ĐT nên đặt ra các quy định và tiêu chuẩn cho các kỳ thi riêng đó nhằm đảm bảo chất lượng và tránh tiêu cực. Nếu các kỳ thi được trường tự lo, tự chủ, Bộ ra quy định và có các đoàn thanh tra đến kiểm tra từng trường, những vấn đề của các kỳ thi sẽ được giảm thiểu.
Chúng ta cần cải tiến thế nào, cần trả kỳ thi tốt nghiệp về đúng bản chất của nó ra sao?
Theo tôi, chúng ta chỉ nên xem kết quả thi tốt nghiệp có giá trị xét tốt nghiệp mà thôi. Việc xét tuyển bậc đại học và cao đẳng phải do các trường tự chủ.
Mỗi trường sẽ tự lo phần việc xét tuyển của mình với tiêu chí riêng phù hợp. Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra các quy định để đảm bảo các kỳ xét tuyển hợp lý, không tiêu cực.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
| Đổi mới giáo dục không phải chỉ là đổi mới sách giáo khoa... Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, ... |
| Thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương Các đại biểu đã chia sẻ kết quả giáo dục cũng như những tồn tại, bất cập từ thực tế như thiếu giáo viên, quá ... |
| Cần đề cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, ... |
| GS. Phạm Tất Dong: Phải đào tạo những thế hệ thích nghi với biến đổi GS. TS. Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu không học, cập nhật kiến thức, con người sẽ ... |
| Điểm chuẩn đại học năm 2023 một số trường sư phạm Dưới đây là điểm chuẩn đại học năm 2023 của một số trường sư phạm... |