Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi vào tháng 11/2013. |
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi đã có nhiều bước phát triển tích cực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác của các bên.
Nhiều điều kiện thuận lợi
Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi từng tích cực ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, nhân dân Việt Nam đã giành được sự ủng hộ tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân các nước Trung Đông và châu Phi. Do đó, trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước Trung Đông - châu Phi, coi đó là tình cảm, trách nhiệm với quá khứ, đồng thời thể hiện truyền thống thủy chung, trước sau như một của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi càng có nhiều điều kiện thuận lợi để củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên và mở rộng, tăng cường hợp tác nhiều mặt, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Mặc dù vẫn tồn tại những khó khăn về chính trị và an ninh của châu Phi và Trung Đông trong thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước khu vực này vẫn tăng ở mức đáng kể trong thập kỷ qua. Năm 2005, kim ngạch giữa Việt Nam và Trung Đông - châu Phi đạt khoảng 2 tỷ USD, đến năm 2014, con số này giữa ta và khu vực đạt 15,7 tỷ USD, tăng gần 800%.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực mới chỉ chiếm 5,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2014 (hiện ở mức 298,24 tỷ USD), chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai khu vực này.
Cùng với xu thế kinh tế thế giới đang dần lấy lại đà tăng trưởng, triển vọng kinh tế ngày càng được cải thiện ở châu Phi. Tình hình an ninh - chính trị khu vực mặc dù còn nhiều bất ổn nhưng trong những năm gần đây, chính phủ các nước tập trung phát triển kinh tế và thúc đẩy cải cách xã hội. Ngoài ra, các nước Trung Đông cũng đang thực hiện chính sách đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu lửa. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các quốc gia trong khu vực này, đặc biệt là về kinh tế.
Giai đoạn hợp tác mới
Trên cơ sở thành công của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi vào tháng 11/2013, đồng thời nhằm triển khai những kết quả từ các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Việt Nam đến khu vực trong những năm gần đây, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế “Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi” tại Khách sạn Melia Hà Nội vào ngày 20/10 tới.
Với sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân và giới học giả, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam -Trung Đông - châu Phi, trong đó thu hút nguồn vốn, phát triển nông nghiệp, hợp tác thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng, viễn thông và phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế sẽ là những nội dung chủ đạo.
Thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác giữa các bên, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở đưa quan hệ Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi bước vào giai đoạn hợp tác mới. Bên lề Hội thảo, các đại biểu quốc tế sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam, gặp gỡ các doanh nghiệp
Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp về mặt chính trị và kinh tế. Trong những năm qua, việc củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác truyền thống với các nước Trung Đông - châu Phi đang từng bước trở thành một nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam.
Quyết định tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam - Trung Đông - châu Phi này là một minh chứng thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, của Bộ Ngoại giao Việt Nam phát huy trụ cột ngoại giao kinh tế nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế song phương với các nước Trung Đông - châu Phi theo hướng thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn, tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống vốn có và với tiềm năng to lớn của hai bên.
Các chuyến thăm chính thức châu Phi – Trung Đông gần đây của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam gồm: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Algeria (31/5-2/6/2015), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Iran (13-15/10/2014), Qatar và UAE (13-17/12/2014), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Mozambique, Nam Phi và Angola (29/7-8/8/2015)… |
Trương Phú Phong