“Trước khi xuống ghe sống cuộc đời linh binh, vợ tôi còn có một thời được sống trên bờ, còn có nhà để về. Còn tôi với thằng này thì không”.
Cách nay đã bảy năm, một chiều ở bến Trần Văn Kiểu, quận 6, TP.HCM, ngồi trên mũi ghe làm bàn nhậu, Bảy Đực đã nói với tôi như thế. Vừa nói anh vừa gượng đỡ cho thằng con nhún nhảy trên hai đầu gối của mình. Cháu tên Nguyễn Phú Lộc, mới được chín tháng tuổi. Nghe chồng nói, người vợ trẻ mau miệng xen vào: “Ông này lại nói trời. Tui sanh nó trên nhà thương đàng hoàng, bộ đẻ rớt dưới ghe đâu mà ông nói vậy?” Anh chồng cãi lại, nói rằng, trên đường đi, tới Cần Đước thì ghé lại sanh nó rồi ẵm xuống ghe luôn tới giờ. Sanh ra ở xứ người ta, lớn lên trên ghe, coi như nó không có xứ chớ còn gì nữa.
Trôi
Ngày đó Bảy Đực mới 33 tuổi, nhưng có đến 17 năm gắn bó với bến Trần Văn Kiểu. Ở cuối con đường bờ sông này, đoạn gần tiếp giáp với rạch Lò Gốm, ngày đó một đoạn bờ sông dài hơn trăm mét, những người đi ghe vẫn gọi đây là cảng 1, mà chẳng thấy cổng dựng, bảng đề hay chòi bảo vệ gì cả. Ở đây lúc nào cũng đậu san sát nhau năm bảy chục ghe bán chuối, toàn ghe nhỏ, cũ nát. Trên các ghe là những giàn tre lớp dưới, lớp trên, treo lủng lẳng toàn chuối.
Dân bán thuốc lá, cà phê trên bờ gọi đây là xóm chuối Giồng Trôm, vì hầu hết những ghe chuối này đều có gốc gác từ xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ba Đực không sinh ra ở Bến Tre, nhưng ba của anh là người Mỹ Thạnh, cũng vì thế mà anh thành người của xóm ghe Giồng Trôm này.
Ngày trước ba của Bảy Đực là một chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Năm 1954, đơn vị ông chuyển quân về vùng Ngang Dừa thuộc tỉnh Bạc Liêu để chờ tập kết ra Bắc. Cái anh bộ đội đẹp trai, thủ vai trung phong trong đội banh trung đoàn đã lọt vào mắt xanh của cô thôn nữ Ngang Dừa. Cái giếng mắt này cạn thôi, nhưng nó lại có sức mê hoặc hơn cả cửa biển Sông Đốc, nơi có con tàu Ba Lan đang neo đậu chờ rước người đi tập kết.
Ngặt nỗi, cô gái có đôi mắt đẹp kia là con một gia đình không có đất điền làm của hồi môn. Thế là đôi vợ chồng trẻ bèn sắm một chiếc ghe, mượn bến sông nhà vợ làm quê hương. Lần lượt trên chiếc ghe ấy, tám đứa con nối nhau ra đời. Khi một đứa con lớn lên cần dựng vợ gả chồng, cha mẹ lại gom góp sắm cho chúng một chiếc ghe ra riêng. Năm 13 tuổi Bảy Đực đã thôi học, theo ghe của người anh rể gia nhập xóm ghe Giồng Trôm này.
Ngày những đứa con ra riêng, cha mẹ Bảy Đực đều sắm cho những chiếc ghe nhỏ như nhau, nhưng qua biến thiên của cuộc vật lộn mưu sinh, về sau những chiếc ghe ấy trở nên lớn nhỏ đủ cỡ, có chiếc sức chở đến vài chục tấn, nhưng cũng có chiếc nhỏ lại chỉ còn hơn tấn với mui ống, lá chầm.
Cách kiếm sống của tám anh em nhà Bảy Đực cũng rất khác nhau, chủ yếu là mua bán rày đây mai đó. Khi thì chở lá dừa nước từ miệt Ba Đình, Rạch Giá lên vùng tứ giác Long Xuyên; lại chở cối đá Núi Sập, đồ rèn, đồ mộc Chợ Mới xuống tận Năm Căn; rồi chở than đước, cá khô ngược Vĩnh Long, Bến Tre; từ đó lại chở tiếp trái cây lên tận Sài Gòn. Riêng Bảy Đực ngày nhỏ có lần theo cha về quê Mỹ Thạnh để rồi sau nhiều chuyến đi về, lại lấy vợ ở chốn quê này, thành ra gắn bó với quê cha đất tổ.
Cũng bởi cuộc sống trôi giạt như thế mà khi cha của Bảy Đực đột ngột qua đời sau cơn đau tim, dù thi hài ông phải quàn lại đến ba ngày mà chỉ có 4 đứa con kịp về chịu tang. Phải đến 15 ngày sau, đứa con cuối cùng mới về để được khóc trước bàn thờ cha. Cái nghiệt ngã của cuộc sống sông nước không chỉ có thế. Trong số 27 đứa con cháu của anh em nhà Bảy Đực, đã có hai đứa chết tức tưởi khi mới lên hai, lên ba vì té xuống sông.
Giạt
Từ ngày thành phố khởi công xây dựng con lộ Đông - Tây thì xóm ghe Giồng Trôm cũng mất tích. Một ngày tháng ba này, khi đang đi trên đường trước bến xe Miền Tây, bỗng có ai đó gọi lớn tên tôi. Dừng lại ngó quanh thì thấy từ chiếc xe ba gác chuối treo lủng lẳng vừa dừng lại bên kia đường có người len lách giữa dòng xe cộ băng qua. Thì ra là Bảy Đực.
Ngày trước, thời còn ở xóm ghe Giồng Trôm, bến Trần Văn Kiểu, Bảy Đực cũng có được hai chiếc xe ba gác kiểu này, nhưng là để cho mấy anh bạn, là dân từ miền Trung vào, hàng ngày đẩy chuối đi bán dạo. Mỗi chiều tối họ đem xe về bến rồi thanh toán lại cho ghe tiền vốn. Còn anh và vợ chỉ việc ở tại ghe cắt chuối bán cho những người gánh dạo.
Từ ngày xóm ghe Giồng Trôm tan rã, không còn bến lên chuối, nên vợ chồng Bảy Đực mỗi ngày một xe trôi tiếp lên bờ. Ghe thì không đậu ở một bến nhất định nào. Vì vào chợ đầu mối Bình Điền mỗi ngày phải đóng 30.000 đồng tiền bến. Thành ra vợ chồng Bảy Đực thường phải lên lén chuối ban đêm nhờ một nhà quen mé sông gần cầu Kinh Tẻ, đường Tôn Thất Thuyết.
Tôi đã xuống ghe Bảy Đực trong một đêm, đi nhờ qua căn nhà này. Thằng Phú Lộc giờ đã có thể chạy lên bờ mua xị rượu cho cha. Dù đã tám tuổi, nhưng nó vẫn chưa thấy được con đường tới trường.
Chưa thấy có con số thống kê để biết được số người ở đồng bằng sông Cửu Long sống trôi nổi theo sông nước là bao nhiêu. Tôi tin, nếu có, nó sẽ làm không ít người giật mình. Bởi vì, thật khó tưởng tượng có đến từng ấy con người được sinh ra, lớn lên giữa một miền đồng bằng bao la, trù phú nhất nước, nơi có đến hơn bốn triệu hecta đất đai, lại phải lấy ghe xuồng làm nhà, lấy nơi… cột ghe làm quê hương.
Và chắc chắn con số đáng sợ nhất sẽ là số trẻ thất học trôi nổi trên ghe.
Theo SGTT