Hà Nội dự kiến tuần này quyết định thi 3 hay 4 môn vào lớp 10. (Nguồn: VNEXPRESS) |
Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ nguyện vọng bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dự kiến tuần này sẽ quyết định, trên cơ sở không gây áp lực cho các em.
Về câu hỏi liên quan đến mong mỏi của phụ huynh, học sinh việc bỏ môn thi 4, Sở GD&ĐT Hà Nội có cân nhắc để thay đổi không?
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, thí sinh hãy cứ yên tâm học tập bởi các phương án khi được đưa ra, sẽ được Sở cân nhắc sao cho học sinh không áp lực.
Được biết những ngày gần đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ nguyện vọng Hà Nội sẽ bỏ môn thi thứ 4 ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Sở dĩ như vậy bởi từ lâu, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội luôn là kỳ thi được đánh giá căng thẳng hơn cả thi vào đại học.
Một bộ phận không nhỏ giáo viên, phụ huynh, học sinh mong muốn Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 ở kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay bởi nhiều địa phương hiện đã bỏ với mong muốn để học sinh giảm bớt căng thẳng.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), từ năm học 2022-2023, lớp 10 bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bước sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh THPT được chọn để học 4 trong 9 môn, gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc.
Do đó, có những môn trong 6 môn chọn để thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội học sinh sẽ không học ở THPT.
Theo ông Khang, tuyển sinh đầu vào một cấp học định hướng nghề nghiệp như cách trước đây của Hà Nội không còn phù hợp. Vì vậy, thi tuyển vào lớp 10 công lập với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ như TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác là phù hợp.
Mặc dù vậy, cũng có luồng ý kiến nói rằng, môn thi thứ 4 nhiều năm nay đề thi chỉ dừng lại ở mức cơ bản, không làm khó học sinh, thậm chí là môn thi "gỡ điểm" nên học sinh không nên quá áp lực.
Thời điểm này không nên bàn chuyện thi 3 hay 4 môn mà Sở GD&ĐT nên có hướng dẫn rõ ràng trọng tâm các môn thi để học sinh thuận lợi học và ôn tập.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội cho rằng, áp lực của kỳ thi vào 10 không chỉ dừng lại ở môn thi thứ 4. Nguyên nhân của áp lực này là đặc điểm và tính chất của kỳ thi. Thứ hai là do kỳ vọng của phụ huynh học sinh.
"Ví dụ năm 2016, học sinh Hà Nội thi vào lớp 10 chỉ hai môn nhưng thông tin trên báo chí ở thời điểm đó, áp lực vẫn không hề giảm. Nếu thi 4 môn mà mỗi ngày còn trống 6 tiếng, bố mẹ sẽ "nhồi" học thêm 6 tiếng. Nếu chỉ thi hai môn, bố mẹ cũng sẽ "nhồi" các con học đủ 6 tiếng với hai môn thi. Thế nên áp lực của kỳ thi không phải đến từ việc thi 3 hay 4 môn mà một phần do tính chất của kỳ thi và từ kỳ vọng của bố mẹ", thầy Ngọc nói.
Trước đó, ngày 9/2, loạt hình ảnh phụ huynh xếp hàng, chen lấn mua hồ sơ vào lớp 10 một trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội được đăng tải lên mạng xã hội khiến việc thi cử vốn đã căng thẳng, nay càng căng thẳng hơn.
Được biết những năm trước, trường này cũng gây xôn xao trên mạng xã hội vì điểm chuẩn lên xuống như chơi chứng khoán.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc phụ huynh phải xếp hàng, chen lấn mua hồ sơ vào lớp 10 xảy ra, một phần do phụ huynh truyền tai nhau về chất lượng đào tạo của một số trường nào đó.
Do tâm lý này, khiến đâu đó có những trường "sốt ảo", gây áp lực trong tuyển sinh. Ông Tuấn cũng khuyến nghị, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về các trường trước khi quyết định mua hồ sơ cho con.
Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình kế hoạch tuyển sinh lớp 10 đến UBND thành phố, dự kiến sẽ sớm được phê duyệt để phụ huynh, học sinh và các trường nắm bắt.
Cũng theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kế hoạch tuyển sinh vào THPT năm nay tương tự năm ngoái.