TIN LIÊN QUAN | |
Màu sắc truyền thống và hiện đại trong văn hóa Việt Nam - Myanmar | |
Việt Nam – Myanmar: Gạch nối của Quan hệ Đối tác |
Nghệ sĩ Việt với điệu múa Hội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Những bài múa Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu với công chúng Myanmar. Những giai điệu “khắc khoải” về cái đẹp bình dị và vẹn nguyên dù trải qua bao năm tháng của Myanmar. Sự kết hợp luyến láy giữa những giọng ca Việt Nam và Myanmar... Đó là những nét chấm phá của chương trình Tuần Văn hóa Việt Nam diễn ra tại Yangon từ ngày 27-30/9.
Say trong hồn Việt
Trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả Việt Nam, Myanmar và bạn bè quốc tế, Thùy Châu cùng nhóm nghệ sĩ trong bộ áo dài tứ thân bước lên sân khấu. Những cô gái “thiên biến vạn hóa” đưa người xem đến với mùa xuân nơi rẻo cao miền Tây Bắc cùng điệu múa Xuân về trên bản H’Mông, rồi lại trở về thưởng thức Hương Sen đậm chất văn hóa và tâm linh của người Việt.
Chưa hết, cả khán phòng không thể rời mắt trước điệu múa chim K’rứ của người Ê Đê. Đây là một trong những điệu múa phổ biển trong các lễ hội lớn hay nghi lễ cúng Yàng, cầu khấn thần linh mà người dân tộc Ê Đê coi là thần hộ mệnh.
Nhạc cụ và vũ đạo chính là công cụ truyền tải chủ đạo cho “Sắc màu truyền thống và hiện đại” được trình diễn giữa thành phố Yangon. Tiếng đàn bầu sâu lắng, ngọt ngào, quyến rũ. Tiếng sáo trúc réo rắt. Tiếng đàn Nhị lảnh lót như tiếng cò…
Tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả cứ thế, theo từng điệu múa trải theo chiều dài đất nước như thể hiện thẩm mỹ, phong tục tập quán, đời sống tâm linh của người Việt xưa.
Để có đêm diễn đặc sắc như vậy, Thùy Châu cùng các nghệ sĩ trong đoàn đã phải kỳ công lựa chọn từng tiết mục. “Đó phải là những tiết mục đậm chất dân tộc, không trùng hợp với những tiết mục mà các đoàn nghệ thuật đã từng biểu diễn tại Myanmar”, Thùy Châu nói.
Đặc biệt, đoàn có sự đầu tư kỹ càng nhất từ vũ đạo, trang phục, hóa trang, cho đến không gian “để không chỉ khán giả Việt mà khán giả quốc tế đều có thể đắm mình trong từng giai điệu, hiểu được những âm thanh và điệu múa của người Việt”, Thùy Châu nói.
Cô nhớ lại khi vừa kết thúc màn trình diễn áo dài, một nghệ sĩ Myanmar tiến đến và nói rằng “Rất đẹp, các bạn thật tuyệt vời”. “Tôi đã rất vui và tự hào. Tự hào vì văn hóa Việt mình phong phú đã được bạn bè quốc tế đón nhận, và vì có lẽ, ở góc độ nào đó, đoàn đã hoàn thành “trọng trách” giới thiệu văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế”, Thùy Châu nói.
Không một người Việt Nam nào trong khán phòng Khách sạn Melia Yangon không tự hào khi ca khúc hào hùng của Việt Nam Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng được hai ca sĩ Myanmar thể hiện và sau đó là “dàn hợp xướng” cả Việt Nam và Myanmar.
Trong âm vang giai điệu hào hùng ấy, tôi nhận ra rằng, dù âm nhạc được cất lên bằng một dàn nhạc cụ dân tộc hay bản giao hưởng, dù là bản tình ca vượt thời gian hay ca khúc mới ra đời, dù là bởi giọng ca Việt hay quốc tế… Tất cả đều khiến người ta say cùng hồn Việt từ sâu thẳm cõi lòng.
Những nghệ sĩ Myanmar trong điệu múa truyền thống của người Myanmar. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Mê cùng vũ điệu Myanmar
Sự kết hợp Myanmar - Việt Nam còn được thể hiện qua ca khúc Lat Tee - bài dân ca của người dân tộc Shan ở phía Nam Myanmar - với giọng ca trong trẻo của nữ Đại sứ Luận Thùy Dương và giọng ca đầm ấm của Bộ trưởng Bộ Tôn giáo và Văn hóa Thura U Aung Ko. Không còn là phút giây giải trí, màn song ca dường đã phát đi một thông điệp về tình yêu đất nước, con người mà người Việt Nam dành cho người dân Myanmar.
Phần biểu diễn của các nghệ sĩ Myanmar cũng đặc sắc không kém. Trước khi bắt đầu, tôi thấy ông Sai Sam Tip - một người Myanmar gốc Việt đang tỏ ra rất sốt ruột. “Tôi đang đợi hai người bạn Việt Nam đến cùng xem những điệu múa của người Myanmar...”, ông nói.
Có cha là người Việt, mẹ là người Myanmar, ông Sai Sam Tip sinh ra tại Myanmar, hiểu rõ phần nào về cuộc sống, con người, đặc biệt là văn hóa của người Myanmar. Khi những điệu múa truyền thống của người dân Myanmar vừa được trình diễn, ông Sai Sam Tip cho biết, nghệ thuật múa của Myanmar đã có từ rất lâu về trước, khi đó, việc thờ cúng luôn kèm theo việc nhảy múa. Các vũ điệu Myanmar sôi nổi, động tác vô cùng khó, đôi khi cứ ngỡ các vũ công đang diễn xiếc.
Trong khán phòng, tiếng đàn Saung-gauk như tiếng hạc kêu vang lên. Tiếng trống Hoàng gia, tiếng sáo trúc réo rắt điểm xuyết cùng điệu nhạc. Những vũ công Myanmar trong vũ điệu Nyaung Yang đưa khán giả trở về thế kỷ XV của đất nước Myanmar... Cổ điển, nhưng thanh lịch, dịu dàng và đằm thắm...
Ông Sai Sam Tip nói rằng những điệu múa truyền thống của người Myanmar dường như vẫn khiến người ta “khắc khoải” nhớ về cái đẹp bình dị và vẹn nguyên dù trải qua bao năm tháng. Những vũ điệu ấy có lẽ đã trở thành biểu tượng của đất nước, con người Myanmar, để rồi khi nhắc về “xứ chùa vàng tháp nghiêng” với khuôn mặt Thanakha bình dị, khiến người ta không quên thả hồn cùng những làn điệu đầy mê hoặc...
Gạch nối cho quan hệ
Cả khán phòng có khoảng 600 khán giả, không còn một ghế trống. Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương nói: “Văn hóa là một trong những nhân tố cơ bản, nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn”.
“Vẻ đẹp của thế giới và cuộc sống nằm ở sự đa dạng của con người và văn hóa. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau khám phá những sắc màu đa dạng, sắc màu của tình bạn, tình yêu và hạnh phúc”.
Việt Nam và Myanmar đều là các quốc gia đa dân tộc, đa dạng văn hoá và sắc tộc vô cùng phong phú, nên những sẻ chia trong việc làm sao duy trì được sự hoà hợp trong đa dạng các nền văn hoá truyền thống, sự bình đẳng không phân biệt giữa các dân tộc và sắc tộc trong từng nước là rất quan trọng.
Việt Nam-Myanmar kỷ niệm hai năm quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện cũng là hai năm Tuần Văn hóa Việt Nam tại Myanmar được tổ chức. Chương trình năm nay có sự tham gia của 25 nghệ sĩ Việt Nam, 55 nghệ sĩ Myanmar, 9 ca sĩ từ cộng đồng người Việt Nam tại Yangon…
Đặc biệt, các nghệ sĩ hầu hết còn rất trẻ, và sự trẻ trung này sẽ góp phần làm rõ thông điệp mà chương trình muốn hướng đến: “Các thế hệ trẻ là nòng cốt thúc đẩy cho mối quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Myanmar ngày càng bền chặt” như lời của Đại sứ Luận Thùy Dương...
Sau ba năm gắn bó với Myanmar, Đại sứ Luận Thùy Dương cho rằng: “Văn hóa có vai trò giúp con người hiểu nhau hơn, vượt qua mọi rào cản để có sự đồng điệu trong tâm hồn”. Chính vì vậy, Đại sứ quán, cộng đồng, doanh nghiệp Việt tại Myanmar đã cùng nhau “dùng văn hóa vượt qua mọi rào cản và bước nhiều bước chân nhỏ bé trên hành trình ngàn dặm, làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Myanmar”.
Chương trình kết thúc, nhưng tôi vẫn nhớ câu nói của Đại sứ Luận Thùy Dương: “Mối quan hệ Việt Nam-Myanmar được bồi đắp bởi những mối quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao, quân sự… Tuần Văn hóa Việt Nam tại Myanmar cũng đã góp thêm một viên gạch nối cho quan hệ hai nước”.
Tuần Văn hóa Việt Nam tại Myanmar với thông điệp “Việt Nam-Myanmar: Gạch nối cho quan hệ đối tác" tổ chức từ ngày 27-30/9 tại thành phố Yangon nhân dịp Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2019) và 2 năm Việt Nam và Myanmar nâng cấp quan hệ lên Đối tác hợp tác toàn diện (8/2017-8/2019). |
| Myanmar: Cộng đồng người Việt chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ ở Bang Mon TGVN. Trong hai ngày 21-22/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar phối hợp với Câu lạc bộ các Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar ... |
| Hợp tác văn hoá và tôn giáo Việt Nam – Myanmar: Tương đồng và sẻ chia Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 10-14/5, Tổng thống Myanmar U Win Myint sẽ sang thăm Việt ... |
| 60 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ tại Myanmar Ngày 5/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu về Hội chợ hàng Việt Nam năm 2018 ... |