📞

Tưng bừng lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam bộ

09:46 | 12/11/2016
Lễ hội Ok Om Bok (hay còn gọi là lễ cúng trăng) của đồng bào Khmer Nam bộ, được tổ chức định kỳ đúng vào ngày Rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. Chương trình mừng lễ hội tại Trà Vinh năm nay diễn ra từ ngày 7-14/11, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc. 

Lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Những ngày này, phum, sóc Trà Vinh tưng bừng không khí lễ hội; đồng bào Khmer đón lễ vui hơn bởi diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay tích cực.

Theo ông Kiên Ninh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, trong những năm qua, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh được thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện, hàng nghìn hộ Khmer nghèo trong tỉnh được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn sản xuất… Từ đó, bộ mặt vùng đồng bào Khmer đã có sự đổi thay rõ nét.

Năm 2016, thực hiện Chương trình 135, Trà Vinh được Trung ương phân bổ nguồn vốn hơn 42 tỷ đồng để xây dựng, duy tu 75 công trình hạ tầng kỹ thuật cho vùng đồng bào Khmer khó khăn; hỗ trợ gần 1.000 hộ Khmer nghèo phát triển sản xuất…

Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer. (Ảnh: Canthotv)

Những con đường dẫn về các ấp của xã Đa Lộc, huyện Châu Thành vừa hoàn thành bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ như khoác trên mình chiếc áo mới. Toàn xã Đa Lộc có hơn 3.500 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 77%.

Ông Tiền Ngọc Trung, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết, nhờ Chương trình 135 mà hạ tầng địa phương đến nay tương đối hoàn thiện, tạo điều kiện cho người dân lưu thông, giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất. Thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn, thời gian qua, xã đã giải ngân nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ hàng nghìn hộ đồng bào Khmer nghèo về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, vốn phát triển sản xuất, học nghề, giải quyết việc làm… Nhờ vậy, đời sống của đồng bào Khmer nghèo nơi đây được cải thiện đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 29 triệu/người/năm, tăng 3,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2014.

Anh Thạch Ni Sách, ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành chia sẻ, năm 2014, gia đình anh được hỗ trợ 6,5 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ để mua bò giống nuôi. Đối với anh, đây là số tiền rất lớn, song, điều anh vui hơn là sự quan tâm, chăm lo đời sống của Nhà nước với đồng bào Khmer nghèo. Từ đó, gia đình anh có thêm động lực để lao động, sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện, thu nhập gia đình ổn định từ chăn nuôi, trồng trọt, không còn vất vả lo cái ăn, cái mặc như trước. Đón lễ Ok Om Bok năm nay, như những gia đình Khmer trong ấp, vợ chồng anh cũng dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, chuẩn bị các loại trái cây, chủ yếu là sản vật của gia đình có được để cúng trăng.

Ông Lâm Trần Quân, Trưởng ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc cho biết, những ngày này, ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc náo nhiệt hẳn lên. Phụ nữ trong gia đình thì tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị sản vật cúng trăng. Đàn ông thì tranh thủ sắp xếp công việc đồng áng, ráo riết tập luyện chuẩn bị cho Giải đua ghe ngo năm nay. Toàn ấp có hơn 20 người tham gia vào đội đua ghe ngo của huyện Châu Thành. Hơn 10 ngày qua, tiếng trống, tiếng còi tập luyện, cùng tiếng hò reo, cổ vũ của hàng trăm người dân trong ấp đã tạo nên một bức tranh quê sinh động.

Tỉnh Trà Vinh với hơn 310.000 người là dân tộc Khmer, chiếm khoảng 31% dân số của tỉnh. Theo quan niệm tín ngưỡng của đồng bào Khmer, Mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ cúng trăng thường được tổ chức tại phum sóc, ở sân chùa hay khuôn viên nhà. Đồng bào Khmer cúng tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và cầu cho năm tới, thời tiết được thuận lợi, giúp người dân trúng mùa, no đủ…

Ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội Ok Om Bok năm 2016 của tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer luôn được tỉnh ưu tiên thực hiện. Nhằm tạo điều kiện để đồng bào Khmer trong tỉnh được vui chơi, giải trí và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, hàng năm, vào dịp lễ hội Ok Om Bok, tỉnh Trà Vinh đều tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng lễ hội với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc. Đây cũng là dịp để tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh Trà Vinh, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ… đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Từ ngày 9-14/11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh, Sở Công Thương tổ chức hội chợ Thương mại - Xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản gắn với lễ hội Ok Om Bok, để tạo điều kiện cho đồng bào Khmer đến tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí… Qua đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ngày 13/11, trên sông Long Bình, thành phố Trà Vinh diễn ra giải đua ghe ngo truyền thống với sự tham gia của các đội ghe ngo các huyện, thị xã, thành phố. Trong dịp này, t ại Khu Di tích văn hóa – du lịch Ao Bà Om diễn ra Giải bóng chuyền thanh niên dân tộc Khmer năm 2016, nhiều hoạt động thể dục thể thao và trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đập nồi, nhảy bao bố… Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức các gian hàng triển lãm, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer địa phương mình.

Cũng tại Khu Di tích văn hóa - du lịch Ao Bà Om, l ễ hội chính thức được tổ chức vào tối 14/11. Tại đây lễ cúng trăng (là lễ chính trong lễ hội Ok Om Bok) theo nghi thức truyền thống của đồng bào Khmer được sân khấu hóa, do Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh dàn dựng, tái hiện hình ảnh bà con Khmer cúng tạ ơn thần mặt trăng. Tiếp theo là nghi thức thả hoa đăng và diễu hành quanh Ao Bà Om cầu nhiều phúc an lành cho mọi người.

(theo TTXVN)