📞

Từng bước chinh phục thị trường “khó tính”

13:19 | 29/07/2017
Sau hơn bốn thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã trở thành những đối tác quan trọng của nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước có tính bổ trợ cao, được hỗ trợ bởi các khuôn khổ như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia, Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và sắp tới có thể là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia Barnaby Joyce.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy tại Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - Australia, được tổ chức nhân chuyến thăm làm việc của Phó Thủ tướng tại Australia, từ ngày 23-25/7. Đối thoại đã thu hút hơn 150 đại biểu đến từ nhiều doanh nghiệp hàng đầu của cả hai nước.

“Nhiều năm qua, Việt Nam là đối tác quan trọng của Australia trong khu vực... Với những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được, đã đến lúc chuyển đổi mối quan hệ giữa hai bên thành quan hệ đối tác kinh tế dựa trên các lợi ích cũng như thách thức chung của hai bên”.

Ông Philip Green, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á lục địa và khu vực, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.

Cái tôi có, bạn cần

Việt Nam và Australia có một số điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Trước hết phải kể đến mối quan hệ chính trị ngày càng gần gũi và tin cậy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009 và nâng cấp thành Đối tác toàn diện tăng cường năm 2015.

Hai là Việt Nam và Australia đang thụ hưởng các ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do, cùng những thuận lợi mà các khuôn khổ pháp lý như Hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần… , được ký kết từ đầu những năm 1990, mang lại. 

Bên cạnh đó, hai nền kinh tế còn có tính bổ trợ khá cao. Ví dụ, Australia có nguồn vốn và kinh nghiệm phát triển quý báu có thể giúp Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực. Ngược lại, Việt Nam với 90 triệu dân là thị trường và cơ sở sản xuất tiềm năng cho Australia.

Tuy nhiên, hai bên cũng đang gặp phải một số trở ngại. Khó khăn lớn nhất có lẽ là khoảng cách địa lý và sự chưa thuận lợi trong di chuyển giữa hai nước. Sau đó phải nói đến chiến lược ưu tiên đầu tư trong nước của Australia, nhất là trong bối cảnh chính quyền nước này gần đây chịu nhiều sức ép nội bộ về tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Trong khi đó, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư Australia.

Bên cạnh đó, các quy định nội luật của mỗi bên cũng là các rào cản nhất định. Trở ngại các doanh nghiệp thường gặp là hàng rào phi thuế quan của Australia (các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…) khá chặt chẽ, trong khi Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý và chứng nhận chất lượng đạt chuẩn từ trung ương tới địa phương. Hơn nữa, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu, phụ liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu. Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ  nước ngoài nên không đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo quy định của Hiệp định thương mại tự do giữa Australia, New Zealand với ASEAN (AANZFTA). Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tạo được sức cạnh tranh cũng như thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường được coi là “khó tính” này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc vơi Bộ trưởng Thương mại Australia.

“Australia và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ, đôi bên cùng có lợi, được khẳng định trong Tuyên bố Tăng cường Đối tác toàn diện Australia - Việt Nam năm 2015 và được cụ thể hóa qua các hoạt động hợp tác nêu trong bản Kế hoạch Hành động Australia - Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019... Chuyển đổi sang đối tác kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới”.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick.

Những điểm khởi sắc

Trong một môi trường với thuận lợi và thách thức đan xen như vậy, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Australia đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được coi là điểm sáng trong mối quan hệ song phương. Có thể thấy rõ điều này qua các số liệu thống kê. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,26 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,86 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015. Tính đến cuối tháng 3/2017, “xứ sở chuột túi” có 396 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,82 tỷ USD, đứng thứ 19/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.

Điều đáng mừng là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Australia chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, tỷ trọng nhóm hàng chế biến chế tạo tăng dần và tỷ trọng hàng nguyên liệu thô và sơ chế giảm dần.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, năm ngoái, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 480 triệu USD sang thị trường này. Đáng lưu ý, một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2016 bao gồm các loại máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 315,3%; sản phẩm từ sắt thép tăng 127,1%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 89,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 59,4%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 47,1%...

Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu quen thuộc, Australia cũng đã mở cửa cho quả vải Việt Nam. Dù mới chỉ bước sang năm thứ hai quả vải Việt Nam thâm nhập thị trường Australia, nhưng kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đã tăng mạnh.  Ngoài vải thiều, Việt Nam còn có thể cung cấp được tất cả các chủng loại gạo với số lượng lớn tới các khách hàng Australia. Năm 2016, Việt Nam đã xuất sang Australia 220.000 tấn gạo, chiếm 4,5% tổng sản lượng xuất - nhập khẩu, tăng hơn 50% so với năm 2015.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đang giảm dần nhập khẩu từ Australia các mặt hàng tiêu dùng trong nước như sữa và sản phẩm sữa, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đồng thời tăng nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Mặt khác, các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng đa dạng và phong phú hơn.

Về đầu tư, các dự án của Australia tại Việt Nam tuy không lớn nhưng đều tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên cho Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2011-2020 như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, giáo dục, công nghiệp chế biến, giao thông vận tải... mang lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam.

Cùng tạo sức lan tỏa

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Australia sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư, kinh doanh với Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, khoáng sản... thông qua các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, qua đó, tạo ra sức lan tỏa, gắn kết với sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn doanh nghiệp Australia quan tâm, tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính-ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm trong các dự án khởi nghiệp dựa trên đổi mới-sáng tạo đang bùng nổ hiện nay...

“Chúng tôi rất coi trọng và đánh giá cao các dự án hợp tác kinh tế của Australia với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng các doanh nghiệp Australia để triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, lâu dài và ổn định tại Việt Nam. Chúng tôi coi sự thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Lời khẳng định trên của Phó Thủ tướng Việt Nam sẽ tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp Australia khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, qua đó góp phần tô thêm những gam màu tươi sáng cho bức tranh hợp tác kinh tế giữa hai nước.