📞

Tương lai cho ASEAN

08:54 | 12/09/2018
“ASEAN 4.0: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) có ý nghĩa gì đối với liên kết kinh tế khu vực?” là một báo cáo nghiên cứu chung của các chuyên gia thuộc Ngân hàng phát triển châu Á và Nhóm nghiên cứu chiến lược khu vực ASEAN thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), công bố vào tháng 11/2017.

Nghiên cứu này tập trung vào tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo đó, đi đôi với rất nhiều cơ hội là vô vàn thách thức. Kết thúc nghiên cứu, các chuyên gia của WEF và ADB đã đưa ra một số gợi ý cụ thể cho các nhà lãnh đạo ASEAN cân nhắc, tham khảo về cách tiếp cận của họ đối với tương tác khu vực dưới sự điều hành của Ban thư ký ASEAN.

CMCN 4.0 và ASEAN

Trong 50 năm qua, ASEAN đã ghi nhận nhiều thành tựu ấn tượng. Nhưng CMCN 4.0 đang đặt khu vực trước những thay đổi quan trọng, khiến ASEAN phải xem xét đến một cách tiếp cận mới đối với chính sách và quản trị khu vực. Mô hình hiện tại - “phương thức ASEAN - ASEAN Way” đã chứng tỏ một cách vận hành có hiệu quả cao. Các nguyên tắc cốt lõi của cách tiếp cận này trong quan hệ khu vực cần phải được duy trì. Nhưng, cùng với “ASEAN Way”, khu vực vẫn cần một hệ điều hành mới.

Báo cáo đề cập đến các tác động dài hạn của CMCN 4.0 tới ASEAN. Nó sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn, nhưng cũng sẽ mang đến những thách thức chưa từng có. Từ đó, giải thích rõ tại sao ASEAN nên áp dụng một cách tiếp cận khu vực để điều hướng CMCN 4.0. Thật vậy, các chính sách cấp quốc gia cũng rất quan trọng và các quốc gia ASEAN đều đang theo đuổi những tiêu chí này, chẳng hạn như dự án Thái Lan 4.0 và sáng kiến Quốc gia thông minh của Singapore. Nhưng CMCN 4.0 không công nhận đường biên giới quốc gia. Nếu các nhà lãnh đạo ASEAN không nghĩ cho cả khu vực, họ sẽ bỏ lỡ các cơ hội và không giải quyết được các thách thức ngày càng tăng.

Cuộc CMCN 4.0 cũng đòi hỏi một cách thức mới để xây dựng các chính sách và quy định. Tốc độ thay đổi của CMCN 4.0 vẫn đang tăng tốc, trong khi các cách thức xây dựng chính sách cũ vẫn theo lối mòn, đặc biệt là chính sách xuyên biên giới, quá chậm, quá lạc hậu và quá cứng nhắc. Thay vào đó, phương thức quản trị và các quy định cần phải trở nên linh hoạt hơn, nhanh hơn, có lặp lại và được thử nghiệm nhiều hơn.

Ban Thư ký ASEAN sẽ trở thành “tổ chức nền tảng”

CMCN 4.0 đòi hỏi cách tiếp cận mới về tái cấu trúc hội nhập khu vực. Một ý tưởng quan trọng là đưa Ban Thư ký ASEAN trở thành một “tổ chức nền tảng”. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng hệ sinh thái với nhóm chuyên gia đến từ các bên khác nhau nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập, với Ban Thư ký đóng vai trò người quản lý và đốc thúc các hoạt động này.

Trong trường hợp ASEAN, Ban Thư ký sẽ thiết kế và triển khai “hệ điều hành hội nhập quốc tế”. Các bên thứ ba – nhóm chuyên gia từ các bên – sẽ thiết kế và xây dựng những tiêu chuẩn, chính sách và luật chơi mới cho quá trình hội nhập. Vai trò của Ban Thư ký là đảm bảo rằng những dự án hội nhập triển khai trên “hệ điều hành” được quản lý và hoạt động hiệu quả theo đúng quy trình.

Ở thời điểm hiện tại, trên một số mặt, Ban Thư ký ASEAN đang vận hành như một tổ chức nền tảng. Ý tưởng ở đây là hợp thức hóa và nâng cấp “hệ điều hành” để các “nhà phát triển ứng dụng” (nhóm làm việc trong dự án hội nhập) hoạt động hiệu quả hơn. Điều này đồng nghĩa rằng, phương cách làm việc của Ban Thư ký sẽ thay đổi. Một mặt, nó sẽ đóng vai trò lớn hơn trong triển khai “hệ điều hành hội nhập quốc tế” thông qua quản lý và đốc thúc các nhóm. Mặt khác, Ban Thư ký sẽ ít tham gia hơn vào xây dựng nội dung cụ thể của tiến trình hội nhập (đề xuất tiêu chuẩn và luật chơi mới), vốn sẽ được thiết lập bởi các nhóm làm việc. 

Các ý tưởng cho việc phát triển các “ứng dụng” mới hoặc tích hợp mới sẽ cần được các nước thành viên ASEAN xác nhận. Nhưng một khi các thành viên đã xác nhận, nhóm làm việc sẽ triển khai trên nền tảng đó để hoàn thiện các quy định. Ban thư ký ASEAN sẽ giám sát việc hình thành các nhóm làm việc và đảm bảo rằng, nhóm tuân thủ chặt chẽ các quy trình đã thống nhất để xây dựng nên các quy định chung.

Mô hình nền tảng này không nhằm mục đích làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia ASEAN. Vì bất kỳ đề xuất nào liên quan đến các quy định hoặc tiêu chuẩn mới, vẫn cần phải được phê chuẩn ở cấp quốc gia trước khi chúng trở thành luật.

Ủy thác các hoạt động chính cho các cơ quan chức năng

Mở rộng ý tưởng về ASEAN như một tổ chức có tính nền tảng, Ban thư ký có thể xem xét ủy quyền nhiều chức năng hơn cho các nhóm liên kết thứ ba. Các nhóm hoặc tổ chức này sẽ hoạt động trên nền tảng chung nhưng theo cách độc lập hơn. Điều này sẽ cho phép ASEAN duy trì sự giám sát, trong khi cũng được hưởng lợi từ hệ sinh thái lớn hơn của các tổ chức, điều rất quan trọng trong việc quản lý quy mô tham gia và kết quả triển khai. Ví dụ điển hình là mô hình Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN (AMRO), chịu trách nhiệm quản lý mạng lưới an toàn tài chính của khu vực theo Sáng kiến đa phương hóa Chiang Mai.

Chuyển từ kế hoạch chi tiết dài hạn sang kế hoạch ba năm

Hiện nay, ASEAN đã rất nỗ lực trong việc phát triển tầm nhìn dài hạn và hội nhập khu vực mạnh mẽ, chẳng hạn như Kế hoạch chi tiết về Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. Nhưng có một vấn đề rằng, CMCN 4.0 được đặc trưng bởi sự thay đổi nhanh chóng, phi tuyến tính, nên các kế hoạch như vậy nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Dưới thời CMCN 4.0 thì không nên cố gắng dự báo cho tương lai, bởi vì hầu hết các dự báo đều có thể không chính xác. Thay vào đó, vấn đề quan trọng là nhanh nhạy và cho phép điều chỉnh một cách linh hoạt. Do đó, ASEAN có thể xem xét hỗ trợ các mục tiêu bao quát của mình bằng các kế hoạch ba năm, được xem xét lại và sửa đổi thường xuyên.

Người dân làm chủ: Dân chủ hóa, phân quyền hóa

Nếu như ASEAN muốn thực sự hưởng lợi từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực của cộng đồng, nhóm cần cân nhắc việc cởi mở hơn với sự tham gia trực tiếp của họ trong việc xây dựng chính sách. Tầm nhìn ban đầu của ASEAN là tạo nên một tổ chức do người dân ASEAN làm chủ và hoạt động vì lợi ích của họ và CMCN 4.0 có thể biến tầm nhìn này thành hiện thực. Sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh trong ASEAN sẽ là cơ hội để việc xây dựng chính sách của ASEAN trở nên bao trùm hơn. Tạo lập các cổng thông tin điện tử riêng là một cách để thu thập phản hồi trực tiếp từ công dân ASEAN và giới chuyên gia, tìm kiếm ý tưởng độc đáo mà thiết thực.

Nơi thử nghiệm các chính sách xuyên quốc gia

Một nền tảng ASEAN có thể được thiết lập nhằm thử nghiệm chính sách xuyên quốc gia và thiết lập những trung tâm sáng tạo xuyên biên giới. Một động thái tương tự đã từng được thực hiện tại châu Âu vào tháng 3/2017 với tên gọi Nền tảng châu Âu cho các Sáng kiến Quốc gia (EPNI). Mục tiêu của EPNI là giúp các ngành công nghiệp ở châu Âu phản ứng và bắt kịp CMCN 4.0 bằng cách liên kết các sáng kiến quốc gia, tạo ra nơi thử nghiệm các sáng kiến xuyên quốc gia và “khuôn khổ pháp lý thử nghiệm”. Tại đây, các đạo luật được áp dụng và xem xét kỹ lưỡng trong nhiều khuôn khổ pháp lý khác nhau, nhằm triển khai nhanh và sâu rộng một khi được thông qua tại Liên minh châu Âu (EU).

Mô hình nhân viên mới cho Ban Thư ký ASEAN

Vận hành một “hệ điều hành” cho tiến trình hội nhập khu vực sẽ đòi hỏi Ban Thư ký ASEAN suy nghĩ theo hướng mới. Chìa khóa thành công ở đây sẽ đến từ  sự hoàn hảo trong khâu triển khai. Cụ thể, Ban Thư ký cần tìm kiếm những người có khả năng vận hành mô hình nền tảng một cách hiệu quả, quản lý và sử dụng tốt công cụ của CMCN 4.0 như hệ thống liên lạc mới, cơ chế mới cho hợp tác ảo hay các công cụ để thu thập phản hồi và ý tưởng mới.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ASEAN cần cân nhắc về cách tiếp cận mới trong xây dựng bộ máy, tuyển dụng những nhân viên có trình độ để làm việc dài hạn, thay vì dựa vào quá trình “bổ nhiệm” xoay vòng giữa các nước ASEAN. Tương tự, Ban Thư ký cũng có thể cân nhắc bổ nhiệm một “CEO” thường trực, với kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai các đạo luật, chính sách.

Mô hình nguồn vốn mới cho Ban Thư ký

Để tuyển chọn được những nhân viên như ý muốn, vừa đủ và xây dựng hệ thống phù hợp để thúc đẩy hội nhập, Ban Thư ký ASEAN cần thêm nguồn vốn mới. Nguồn vốn 20 triệu USD/năm ở thời điểm hiện tại sẽ là không đủ. Theo ước tính của ADB, đến năm 2030, Ban Thư ký ASEAN sẽ cần 220 triệu USD ngân sách thường niên để điều hành Cộng đồng ASEAN hiệu quả. Một mô hình khả dĩ từng được Liên hợp quốc sử dụng, theo đó kinh phí đóng góp sẽ tương đương với quy mô của nền kinh tế.

(theo WEF, ADB)