Các nghệ sỹ của Nhà hát Tuồng Trung ương Việt Nam biểu diễn Tuồng tại Đức những năm 1980. |
Tuồng là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Xin ông cho biết, hiện thế giới biết đến nghệ thuật Tuồng của chúng ta như thế nào, đặc biệt là tại Đức?
Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam, được hết thảy mọi tầng lớp dân chúng đều yêu thích từ xưa đến nay. Tuồng được hình thành trên cơ sở nền nghệ thuật ca, vũ, nhạc, những trò diễn xướng dân gian và nền văn học thành văn.
Những đặc điểm trong ngôn ngữ tái hiện cuộc sống đã làm cho Tuồng không chỉ mang tính chất bác học, cổ điển mà còn đầy tính hiện đại, mới mẻ, có sức sống lâu bền không chỉ trong quá khứ mà chắc còn mãi tới tương lai.
Năm 1981, Nhà hát Tuồng Việt Nam có vinh dự được mang nghệ thuật Tuồng đi giới thiệu với khán giả Đức. Đây là lần đầu bộ môn nghệ thuật này của chúng ta được đưa đi lưu diễn tại châu Âu. Phía Đức đã bố trí cho Đoàn biểu diễn 3 đêm tại Nhà hát Berliner Ensamble, 1 đêm tại thị trấn Gasao, ngoại ô Berlin, 1 đêm tại thành phố Potsdam, 1 đêm tại thành phố Frankfurt. Mới đầu, các thành viên trong Đoàn hết sức lo lắng vì không biết khán giả Đức có hiểu được nghệ thuật Tuồng của chúng ta không, khi mà rào cản lớn nhất chính là ngôn ngữ. Nhưng với những đặc trưng của nghệ thuật Tuồng, đặc biệt với các tiết mục là những trích đoạn Tuồng mẫu mực được chọn lọc như: “Trưng Vương đề cờ”, “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo”, “Đào Tam Xuân đề cờ”, “Châu Sáng qua sông”, “Ôn Đình chém Tá”, “Ngũ biến”… các nghệ sĩ của Đoàn đã thực sự chinh phục khán giả Đức.
Phải chăng là do nghệ thuật Tuồng của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với nghệ thuật sân khấu giả định Bertolt Brecht của Đức về mặt loại hình?
Vâng! Rất đặc biệt, sân khấu giả định Bertolt Brecht của Đức cũng thuộc loại sân khấu tự sự. Tuồng của Việt Nam cũng vậy. Thể loại sân khấu tự sự, tức là sân khấu kể chuyện, diễn kể. Tất nhiên, bên cạnh cái chung về thể loại, thì Tuồng Việt Nam là sân khấu tự sự phương Đông.
Bertolt Brecht (1898-1956) là một nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu vĩ đại của nước Đức. Cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, ông được coi là một trong ba ngôi sao sáng chói nhất của văn đàn Đức trong suốt thế kỷ XX.
Do có quan điểm cần phải giữ được yếu tố giãn cách giữa sân khấu và đời thực nên trong các tác phẩm sân khấu của ông như: "Vòng phấn Kavkaz", "Cuộc đời Galilei"… ta sẽ thấy khá rõ tính chất giả định rất gần với sự giả định trong nghệ thuật Tuồng Việt Nam.
GS.TS nghệ thuật Dueghen Elono của Đức từng viết trên tờ báo của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức như sau: “Xem buổi diễn Tuồng - nghệ thuật có hàng nghìn năm lịch sử của Việt Nam, người ta không thể nào quên được. Đó là một nghệ thuật tuyệt vời… Lịch sử anh hùng hàng nghìn năm của Việt Nam đã sinh ra kho tàng nghệ thuật Tuồng lịch sử mang tính chất anh hùng…”
Trên báo Berlin, nhà báo Lut Prezech viết: “Tiếng trống Tuồng vang lên trong Nhà hát Tổng hợp Berlin, chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Việt Nam được mở màn. Sau đó, người xem được thưởng thức hàng loạt những trích đoạn đặc sắc, từ những truyện thần thoại của Việt Nam trong lịch sử xa xưa, cũng như những câu chuyện dân gian… Đặc tính nhân vật thể hiện trên sân khấu được nhận biết một cách nhanh chóng và nó còn được nhấn mạnh nhờ những trang phục thích hợp… Loại hình nghệ thuật này đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ ngôn ngữ thân thể…”
Dường như việc quảng bá, giới thiệu nghệ thuật Tuồng nói riêng và các môn nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn?
Đúng vậy, việc truyền bá giới thiệu nghệ thuật tuồng nói riêng và các môn nghệ thuật truyền thống nói chung của Việt Nam ra bên ngoài còn khó khăn. Ví như các nước khác, khi truyền bá nghệ thuật truyền thống, họ xây dựng những lộ trình kế hoạch chủ động. Nhưng hiện nay, các đoàn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vẫn lưu diễn theo lời mời của một số nước, các tổ chức và từ một số hoạt động ngoại giao văn hóa, chứ ta chưa có lộ trình, kế hoạch cụ thể đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam ra nước ngoài. Hay nói cách khác là nghệ thuật truyền thống Việt đang được truyền bá một cách khá bị động.
Hiện chúng ta đang thực hiện chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống Tuồng Việt Nam tại Đức và đặc biệt là hợp tác đồng sáng tạo giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam với Nhà hát kịch mặt nạ Pháp, Nhà hát Monte – Charge. Tuy nhiên, bước đầu khi chúng ta chưa nắm bắt được xu thế xã hội của nơi này và do chưa quen với khán giả Đức, Pháp, việc vấp phải những khó khăn là khó tránh khỏi. Vì vậy, muốn thành công, chúng ta cần phải hiểu được cái gì người ta cần, cái gì người ta thích và cái gì hay nhất của mình thì giới thiệu để họ thưởng thức.
Nghệ thuật truyền thống của các nước trên thế giới không có sự so sánh cao thấp. Chúng ta có thể tự hào rằng: Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam có sức sống mãnh liệt và nghệ thuật Tuồng của Việt Nam cũng vậy, sẽ có sức thuyết phục rất lớn đối với khán giả trên thế giới nói chung và khán giả Đức nói riêng.
Minh Hòa (thực hiện)