📞

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC 2021: Lộ trình phục hồi bài bản và cam kết phát triển bền vững

Vy An 13:04 | 15/11/2021
Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 28 đã đưa ra tuyên bố chung đề ra phương hướng đối phó với đại dịch Covid-19, vạch ra lộ trình để phục hồi sau đại dịch và đưa ra các cam kết về phát triển bền vững, mang tính bao trùm.
Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 12/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà New Zealand.

"Bài toán" Covid-19

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà lãnh đạo APECkhẳng định thương mại và đầu tư là động lực quan trọng để giải quyết tác động của đại dịch Covid-19 và đảm bảo nền kinh tế của khu vực phục hồi mạnh mẽ hơn.

Các thành viên APEC cam kết sẽ tiếp tục làm việc để hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine một cách bình đẳng, mở rộng sản xuất và cung cấp vaccine, trong đó có việc tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine theo các điều khoản đã được thỏa thuận.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế thống nhất sẽ tạo thuận lợi cho việc mua bán vaccine Covid-19 và các thiết bị vật tư y tế thiết yếu liên quan; tự nguyện giảm chi phí vaccine Covid-19 và các loại hàng hóa y tế thiết yếu giúp đối phó với đại dịch.

Ngoài ra, các thành viên APEC cũng đảm bảo rằng, Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ) sẽ hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu, phát triển, đầu tư, sản xuất và phân phối thêm vaccine ngừa Covid-19; tìm kiếm một phản ứng đa phương hiệu quả và hướng tới tương lai để đối phó với đại dịch Covid-19 tại Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 12 vào cuối tháng này.

Theo tuyên bố chung của Hội nghị, trong bối cảnh mỗi nước đều đang xem xét việc mở cửa trở lại mà không làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, các nhà lãnh đạo ủng hộ APEC đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy trao đổi thông tin và các biện pháp phối hợp liên quan đến việc di chuyển qua biên giới của người dân. Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ nỗ lực hướng tới những kết quả thực chất vào năm 2022.

Lộ trình phục hồi bài bản

Theo các nhà lãnh đạo APEC, mặc dù phản ứng tức thời đối với các thách thức y tế do khủng hoảng gây ra là điều cần thiết, song hiện nay các thành viên APEC đang hợp tác về các phản ứng chính sách để đối phó với những thách thức đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường mà khu vực sẽ đối mặt trong những năm tới.

Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh: "Do khủng hoảng Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, chúng ta quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ kinh tế vĩ mô sẵn có để giải quyết những hậu quả bất lợi của Covid-19 và duy trì sự phục hồi kinh tế, đồng thời duy trì tính bền vững tài chính trong dài hạn. Sự phục hồi kinh tế của chúng ta sẽ được xây dựng dựa trên một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, có tính bao trùm, bền vững".

Các nhà lãnh đạo APEC còn cho rằng, cải cách cơ cấu cũng sẽ là một công cụ quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Đại dịch đã cho thấy rõ cải cách cơ cấu các ngành dịch vụ có thể trở thành động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà lãnh đạo APEC cam kết đẩy nhanh tiến độ công việc để đáp ứng đánh giá giữa kỳ với mục tiêu là thực hiện đầy đủ Lộ trình Cạnh tranh Dịch vụ APEC (ASCR) vào năm 2025.

APEC 2021 tập trung vào các kế hoạch phục hồi kinh tế. (Nguồn: apec.org)

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo ghi nhận sự tăng tốc đáng kể trong việc áp dụng và chuyển đổi kỹ thuật số trên khắp các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Để duy trì tiềm năng tăng trưởng to lớn này, các thành viên APEC sẽ đẩy nhanh việc thực hiện Lộ trình Internet và kinh tế số APEC (AIDER).

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC cũng cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực theo cách thức định hướng thị trường. Các nền kinh tế APEC ủng hộ những nỗ lực không ngừng để ký kết, phê chuẩn, thực hiện và nâng cấp các hiệp định thương mại trong khu vực mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Các nền kinh tế APEC sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối APEC để cải thiện hơn nữa kết nối trên thực tế, kết nối về thể chế và giao lưu nhân dân.

Các cam kết về phát triển bền vững

Năm 2021, thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC thừa nhận sự cần thiết phải có hành động khẩn cấp và cụ thể để chuyển đổi sang một nền kinh tế toàn cầu có khả năng thích ứng với khí hậu trong tương lai và đánh giá cao các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (net zero) hay trung hòa carbon.

Các nền kinh tế APEC cam kết làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng các chính sách kinh tế và môi trường của các thành viên sẽ hỗ trợ lẫn nhau.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh các nền kinh tế APEC cần hỗ trợ để đảm bảo hạnh phúc và an ninh cho mọi người dân cũng như sự tham gia bình đẳng của họ vào nền kinh tế, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhận thức được những tác động không cân xứng của Covid-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), các nền kinh tế APEC cũng đang hành động để thúc đẩy phục hồi kinh tế mang tính toàn diện hơn.

Ngoài ra, kết nối kỹ thuật số và đổi mới là rất quan trọng trong các nỗ lực của các nền kinh tế APEC nhằm hướng tới sự phục hồi toàn diện, linh hoạt và bền vững.

Các thành viên APEC cần tiếp tục thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số bằng cách thúc đẩy các kỹ năng kỹ thuật số, khuyến khích áp dụng các phương pháp làm việc sáng tạo, mở rộng khả năng tiếp cận các công cụ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đồng thời đảm bảo MSMEs và các công ty khởi nghiệp trong khu vực có thể khai thác các công nghệ mới, đang phát triển, cũng như hệ sinh thái kỹ thuật số.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng hoan nghênh Lộ trình an ninh lương thực hướng tới năm 2030. Lộ trình này sẽ định hướng công việc của APEC hướng tới mục tiêu cung cấp thực phẩm đủ, an toàn, bổ dưỡng, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người.

Kết thúc Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh kết quả của Hội nghị Bộ trưởng APEC 2021 cũng như các hội nghị liên quan về thương mại, cải cách cơ cấu, an ninh lương thực, y tế, phụ nữ và nền kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và tài chính.

(theo apec.org)