Một tiết mục tại buổi tổng duyệt khai mạc Lễ đón nhận Bằng ghi danh Thực hành Then tại Tuyên Quang vào tối 1/9. (Nguồn: Báo Tuyên Quang) |
Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: Cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới.
Năm 2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ đón nhận Bằng ghi danh diễn ra vào tối 3/9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (thành phố Tuyên Quang), với sự tham gia của 11 tỉnh có di sản thực hành Then, gồm: Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai.
Buổi lễ nhằm tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, các dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng, đồng thời tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về giá trị và ý nghĩa của di sản cũng như tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của mỗi địa phương có di sản Then.
Bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang. (Nguồn: TTXVN) |
Lễ hội thành Tuyên không chỉ trở thành một nét văn hóa đặc sắc, riêng có vào mỗi dịp Tết Trung thu hàng năm của người dân Tuyên Quang, thu hút đông đảo già trẻ, nam nữ, dân tộc tham gia mà còn trở thành Lễ hội Trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước, với nhiều kỷ lục đã được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận như: Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam, Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam, Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam.
Từ năm 2015 đến nay, Lễ hội thành Tuyên được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch. Sau 2 năm vắng bóng do đại dịch Covid-19, Lễ hội thành Tuyên năm 2022 được tỉnh tổ chức trở lại với quy mô cấp tỉnh, với sự tham gia của các huyện, thành phố trong tỉnh, một số địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh và một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hoạt động sôi động và thu hút nhất của Lễ hội chính là Đêm hội thành Tuyên được tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành vào 20h ngày 4/9.
Được tổ chức vào dịp Trung thu hằng năm, Lễ hội thành Tuyên được coi là lễ hội độc đáo nhất đối với người dân thành phố Tuyên Quang. (Nguồn: Báo Tiền phong) |
Với chủ đề “Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên”, ngoài chương trình nghệ thuật hấp dẫn, đêm hội có sự góp mặt của hơn 50 mô hình đèn Trung thu ý nghĩa. Đó là những con giống khổng lồ, với đủ màu sắc, hình dáng, mô phỏng các nhân vật trong truyện cổ tích, ngụ ngôn được trẻ em yêu thích hoặc các đặc sản của địa phương, danh thắng của đất nước, địa phương, địa danh khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia… được tạo nên bởi chính những đôi tay tài hoa và trái tim yêu trẻ của người dân trong tỉnh.
Trong khuôn khổ Lễ đón nhận và Lễ hội Thành Tuyên còn có các hoạt động như: Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch 11 tỉnh được tổ chức tại Khách sạn Mường Thanh vào ngày 4/9; vòng chung kết Cuộc thi “Người đẹp xứ Tuyên” vào ngày 10/9; lễ hội bia Hà Nội; trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghi lễ sinh hoạt truyền thống các dân tộc; không gian văn hóa gắn với giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng các địa phương để du khách có thể nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm…
Các vận động viên tham gia Giải đua xe đạp địa hình tỉnh Tuyên Quang mở rộng năm 2022. (Nguồn: Báo Tuyên Quang) |
Cùng với đó, hoạt động văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức sôi nổi như: Giải đua xe đạp tỉnh Tuyên Quang mở rộng “Hành trình về Tân Trào - Thủ đô Kháng chiến” năm 2022 được tổ chức từ ngày 15-17/8, giải thi đấu quần vợt, bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh Tuyên Quang mở rộng năm 2022 từ ngày 1-4/9...
Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và Lễ hội thành Tuyên năm 2022 là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Tuyên Quang 2022. Đây là cơ hội để kết nối các sản phẩm văn hóa, du lịch của tỉnh Tuyên Quang với cả nước và quốc tế, tạo bước phát triển mới cho du lịch Tuyên Quang.
Trong tháng 8, Tuyên Quang đã đón hơn 240.000 lượt khách, nâng tổng số lượt khách du lịch đến với Tuyên Quang trong 8 tháng năm 2022 đạt 1,6 triệu khách, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 240 tỷ đồng, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, địa điểm thu hút đông du khách nhất là thành phố Tuyên Quang đón gần 50.000 lượt khách, Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình đón gần 40.000 lượt khách, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) đón 8.000 lượt khách… Công suất phòng bình quân trong tháng 8 đạt trên 75%. Năm 2022, tỉnh phấn đấu đón hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội về du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng. |