📞

Tuyển sinh 2020: Bạn trẻ chọn ngành nào?

TIẾN SƠN 13:45 | 27/06/2020
TGVN. Đối với các bạn trẻ, con đường nào cũng dẫn đến thành công nếu phù hợp với đam mê và năng lực của bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu của thị trường lao động...
Hoạt động của Ngày hội hướng nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những ngày cuối tháng Sáu này, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020 đang sôi nổi diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ 18 liên tiếp sự kiện được tổ chức nói lên sức hút lớn từ một nhịp cầu trao đổi, tư vấn thông tin thiết thực giúp giới trẻ có được định hướng nghề nghiệp một cách rõ ràng và thông minh hơn.

Tại đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đã nhấn mạnh đến việc nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần tập trung đặc biệt vào phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/2020 cũng đã khẳng định rõ điều này để tranh thủ thời cơ dân số vàng, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Ngành nào lên ngôi?

Trong thời đại 4.0 với nền tảng kỹ thuật số bùng nổ như hiện nay, giới trẻ ngày càng dễ dàng tiếp cận cũng như cơ hội tìm hiểu về các xu hướng việc làm trong tương lai. Và ngành công nghệ thông tin (CNTT) luôn đứng ở vị trí top đầu của các ngành nghề được lựa chọn.

Chia sẻ với sinh viên tại một hội thảo định hướng nghề nghiệp cho sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Nam Tiến đã khẳng định CNTT là một trong những ngành nghề được xã hội ưa chuộng nhất trong tương lai và thuộc top 3 các ngành có mức thu nhập hấp dẫn nhất. Các nghề liên quan đến công nghệ mới như AI, Big data, Robotics... sẽ đảm bảo mang lại thu nhập tốt nhất cho giới trẻ trong 10 năm tới.

Tương tự CNTT, ngành truyền thông cũng là một ngành nghề có tầm ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển chung của xã hội trong thời đại công nghệ số. Truyền thông gần như có tác động đến mọi đối tượng, mọi mặt của đời sống và có tính định hướng cùng sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhu cầu nhân lực ngành truyền thông đang rất lớn, cho nên bước chân vào con đường này, các bạn trẻ có thể nắm bắt rất nhiều cơ hội việc làm và phát triển hấp dẫn trong tương lai.

Cùng với sự phát triển của thời đại số, lĩnh vực du lịch – dịch vụ – nhà hàng khách sạn tại nước ta đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Rất nhiều địa điểm du lịch, các thương hiệu được vinh danh và mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, góp phần thu hút du khách đến Việt Nam. Ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết nhu cầu về nhân lực dịch vụ khách sạn rất lớn vì Chính phủ muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Mặt khác, cơ hội làm việc tại các tập đoàn đầu tư du lịch trải dài nhiều trình độ. Khối quản trị nhà hàng, khách sạn đang rất thiếu nhân lực bậc trung và bậc cao, trong khi các trường du lịch chuyên biệt của bộ, tập đoàn, thành phố đầu tư rất nhiều.

Một lĩnh vực khác là robot và trí tuệ nhân tạo cũng được giới trẻ quan tâm. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Ban Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định robot đã rất phát triển từ 20 năm trước và ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Robot đã, đang và sẽ là một cấu phần của nền công nghiệp 4.0 không chỉ sử dụng trong các dây chuyền sản xuất mà trong rất nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghiệp thực phẩm.

Chọn ngành “hot”, việc làm có “hot”?

Có lẽ, đây là câu hỏi phổ biến nhất tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp trong nhiều năm qua. Đồng ý rằng CNTT, sức khỏe (điều dưỡng) và du lịch là ba lĩnh vực có nhu cầu nhân lực rất lớn hiện nay, nhưng ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cũng lưu ý ngoài đam mê, sở thích, các bạn trẻ cần phải có năng lực nhất định để có thể học và theo đuổi ngành nghề sau khi tốt nghiệp.

Thực tế có những ngành như CNTT, đòi hỏi người làm việc phải liên tục cập nhật, tái đào tạo nếu không sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh.

Chia sẻ thêm về ngành này, ông Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin truyền thông trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết ngành này hiện có nhu cầu nhân lực khoảng 400.000 người mỗi năm trong khi các trường chỉ có thể cung cấp được khoảng 320.000 người. Tuy nhiên, không phải ai tốt nghiệp ngành này cũng có việc làm.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi: “Khi chọn nghề, chúng ta ưu tiên chọn theo sở thích hơn là sở trường?”. Việc chọn nghề theo sở thích mà không xét đến sở trường của bản thân là một trong những sai lầm của học sinh, sinh viên hiện nay. Ông đã kể ra hàng loạt trường hợp sinh viên của nhiều trường đại học nổi tiếng có người sắp tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp mới phát hiện mình không phù hợp với ngành nghề đã chọn. Và họ đã phải chuyển sang học một ngành, nghề khác.

“Các bạn trẻ khi chọn ngành học hãy nghĩ đến việc sau khi tốt nghiệp thì mình sẽ làm công việc gì, mình có khả năng đáp ứng những yêu cầu của công việc đó không. Xin đừng chọn ngành A vì ngành đó đang “hot” hoặc chọn vì cha mẹ, bạn bè mình cũng chọn nên mình chọn theo. Các em hãy chọn một ngành học phù hợp với bản thân mình và hãy nhớ là không ai sống và làm việc thay cho mình", GS.ST Huỳnh Văn Sơn nói.