Bắc Kinh dường như không còn kiên nhẫn để hy vọng một thỏa thuận thương mại với Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, sau khi Bắc Kinh hạ giá Nhân dân tệ (NDT) xuống mức “nhạy cảm” lần đầu tiên sau 11 năm. Động thái này làm dấy lên quan ngại rằng, Trung Quốc có thể sử dụng đồng nội tệ như một vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Hy vọng về một thỏa thuận đã hết?
Trong hơn một năm cố gắng xoa dịu “cơn giận” của Tổng thống Trump, nhưng chỉ đạt được kết quả là tất cả hàng xuất khẩu tới Mỹ đều bị áp thuế, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho những hành động cứng rắn?
Trung Quốc đã quyết định để NDT giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ và yêu cầu các doanh nghiệp đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp Mỹ. Những động thái này dường như để đáp trả tuyên bố áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Đồng thời, đây cũng là và “đòn” đánh thẳng vào những vấn đề mà ông Trump chỉ trích Bắc Kinh về quản lý tiền tệ không công bằng và không giữ lời hứa mua thêm sản phẩm nông nghiệp Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Tình huống không thể xấu hơn đã xảy ra. Bắc Kinh dường như đã sững sờ trước thông báo của Tổng thống Trump và tất nhiên, họ “thề” sẽ đáp trả nếu Mỹ hiện thực hóa lời đe dọa trên. Như vậy, thương chiến Mỹ - Trung đã không đạt được tiến bộ nào mà còn leo thêm một bậc, ngay sau cuộc đàm phán bất thành giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer với các quan chức Bắc Kinh tại Thượng Hải. Những ngày gần đây, truyền thông Trung Quốc đã liên tục chỉ trích về lời đe dọa của Tổng thống Trump, thậm chí cảnh báo gia tăng nguy cơ “tuyệt giao” hoàn toàn về thương mại.
Trên thực tế, việc ngưỡng 7 NDT bị phá vỡ là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có sự leo thang thương chiến, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và kể cả việc PBoC sẵn sàng để NDT biến động mạnh hơn.
Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc thao túng tiền tệ, khẳng định hiện tượng NDT yếu đi là do thị trường quyết định. PBoC thì quy trách nhiệm việc giảm giá mạnh NDT là do các biện pháp đơn phương và bảo hộ thương mại, cũng như những đồn đoán về khả năng hàng hóa Trung Quốc sẽ chịu thêm các mức thuế bổ sung của Mỹ. Nhưng PBoC đồng thời lên tiếng trấn an các công ty nước ngoài tại Trung Quốc rằng, đồng tiền này sẽ không tiếp tục mất giá mạnh, họ vẫn có thể duy trì ổn định đồng nội tệ của mình.
Tuy nhiên, không ít người đã cho rằng, bằng cách liên kết sự mất giá của NDT với mối đe dọa thuế quan, PBoC thực tế đã vũ khí hóa tỷ giá hối đoái. Và việc PBoC ngừng bảo vệ ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD cho thấy rằng, Bắc Kinh dường như không còn hy vọng cho một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
“Vũ khí tỷ giá”
Chiều 5/8, tỷ giá NDT so với USD đã hạ xuống còn 7.0391 NDT đổi 1 USD, là tỷ lệ quy đổi thấp nhất kể từ tháng 2/2008. Tỷ lệ này tuy chưa mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, song lại mang giá trị biểu trưng cao, bởi các doanh nghiệp đang tính đến rủi ro xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ.
Thông tin này đã ngay lập tức khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc. Trên thị trường kim loại quý, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn sáu năm qua. Trong bối cảnh diễn biến xấu đi của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các nhà đầu tư dường như bắt đầu tính đến phương án đổ tiền vào các tài sản an toàn.
Mỹ và Trung Quốc đang gặp nhiều bế tắc trong một cuộc tranh chấp thương mại. Việc NDT yếu đi tất nhiên sẽ mang lại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh về giá so với các nhà xuất khẩu nước ngoài, cũng như làm gia tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong lúc khó khăn về xuất khẩu.
Hồi tháng Năm, Bộ Tài chính Mỹ dù chưa đánh giá Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ, song nhấn mạnh rằng, Bộ này sẽ giám sát Bắc Kinh chặt chẽ. PBoC đặt ra tỷ lệ hối đoái vào các buổi sáng và cho phép NDT được dao động tỷ giá ở mức 2% so với USD. Ngân hàng này có thể mua bán tiền tệ hoặc chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động này nhằm kiểm soát sự biến động về giá.
Bởi vậy, có lý do để giới quan sát cho rằng, dường như NDT hiện được coi như một phần của “kho vũ khí” mà Trung Quốc có thể sử dụng để đối phó với Mỹ trong thời gian tới. Sau bốn lần ra tay áp thuế từ Washington và bốn lần ra đòn “trả đũa” của Bắc Kinh thì động thái lần này mới được coi là cú ra đòn mạnh đầu tiên, trong hàng loạt các bước đi có trù tính tiếp theo của Trung Quốc, nhằm đáp trả các đòn tấn công ồ ạt của Tổng thống Trump.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Trump có thể tiếp tục cảm thấy “khó chịu”, bởi ý đồ giảm giá nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu của phía bên kia. Điều này sẽ có thể làm cho cuộc thương chiến trở nên phức tạp hơn, mọi thứ sẽ bị tác động mạnh và Mỹ càng ra tay, thì Trung Quốc sẽ càng có ngay biện pháp đáp trả. Thậm chí, chuyên gia phân tích của Hãng tư vấn Cowen Chris Krueger đã gọi sự trả đũa của Trung Quốc là “có quy mô khủng khiếp” và nếu xét cấp độ từ 1-10, sự trả đũa này đã lên đến cấp 11.
Tình hình có vẻ không thể xấu hơn. Những khả năng về sự thỏa hiệp bị khép lại, hố ngăn cách giữa hai nền kinh tế tiếp tục bị đào sâu và lãnh đạo của cả hai nước có thể chỉ còn quan tâm đến các “khán giả” trong nước. Có thể nói rằng, chính trị đang chi phối cuộc chiến thương mại này.
Và thật tiếc, không chỉ có vậy, trên thị trường toàn cầu, NDT mất giá có thể gây ra những tác động tâm lý, khiến cho một số ngân hàng trung ương các nước bắt đầu phải xem xét để hành động.