Với con số này, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo vượt xa Malaysia (14%), Singapore (10%) và Indonesia (6%).
Hãng tin Bloomberg ngày 17/12 dẫn báo cáo trên cũng cho biết, so với Singapore và Malaysia, Việt Nam có nhiều phụ nữ mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp hơn. Malaysia là nước có tỷ lệ nữ giới cao nhất có ý định giữ nguyên vai trò hiện tại của họ.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air là một trong những nữ doanh nhân Việt Nam được thế giới biết đến. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Ian Grundy, một chuyên gia thuộc công ty tuyển dụng Adecco Group AG có trụ sở ở Thụy Sỹ, nhận định ngày càng có nhiều phụ nữ ở Việt Nam nắm giữ cương vị lãnh đạo hoặc sở hữu nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), thậm chí cả các doanh nghiệp lớn, tạo ra một hình mẫu về vai trò tích cực, rõ ràng và đa dạng cho phụ nữ.
Theo ông Grundy, tại châu Á, các nước đang phát triển lại vượt trội so với các nước phát triển về vai trò đại diện của phụ nữ trong các hội đồng quản trị. Ông cho rằng tiến bộ của Việt Nam một phần là do các biện pháp của chính phủ và các doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển tài năng của nữ giới.
Tuy nhiên, ông Grundy cũng lưu ý rằng Đông Nam Á vẫn “lạc hậu” so với châu Âu và Bắc Mỹ. Ông nhận định trên toàn thế giới, vẫn có một số cách để đạt được sự đa dạng về giới tính tối đa, song điều này có nghĩa là cần phải có "sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong khu vực”.
Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, một cuộc khảo sát của công ty kiểm toán Deloitte đối với 50 công ty Việt Nam cho biết, 17,6% thành viên hội đồng quản trị là phụ nữ. Con số này gấp đôi tỷ lệ chung của châu Á là 7,8%, trong đó một số quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc bị xếp hạng thấp nhất trong khu vực.
Trong báo cáo này, phụ nữ chiếm 13,7% và 10,7% thành viên hội đồng quản trị tại Malaysia và Singapore.