Theo quy định mới, yêu cầu đeo khẩu trang vẫn là bắt buộc khi người dân đến các khu vực công cộng. (Nguồn: Reuters) |
Anh Ronney Ng, một người bán đồ lưu niệm ở khu phố người Hoa tại Singapore đang mong mỏi từng ngày đảo quốc này mở cửa trở lại: "Việc kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khách du lịch. Chúng tôi sẽ rất khó khăn nếu không có khách”. Anh Ng chia sẻ, gia đình anh đã không còn đủ khả năng chi trả cho ba bữa ăn mỗi ngày.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore hiện là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa trở lại, mặc dù tốc độ còn khá chậm rãi. Đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc trong hầu hết các hoạt động nơi công cộng. Số lượng người tụ tập vẫn bị hạn chế và luôn phải bật ứng dụng theo dõi lây nhiễm Covid-19.
Bắt đầu từ tuần tới, Singapore sẽ cho phép nhập cảnh miễn kiểm dịch đối với những du khách đã được tiêm chủng chỉ từ Đức và Brunei.
Mặc dù việc mở cửa nhỏ giọt có thể làm trì hoãn sự phục hồi của ngành du lịch, nhưng các quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng tốt có thể tham khảo bài học của đảo quốc sư tử này.
Ông Peter Collignon, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là nhà vi trùng học tại Bệnh viện Canberra, Australia cho biết: ”Singapore là một ví dụ điển hình để Australia quan tâm, học hỏi để tiến hành tương tự. Chúng ta cần cởi mở hơn và cần học cách chấp nhận Covid-19 sẽ trở thành một phần không thể loại bỏ”.
Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc) dù cũng sớm thành công trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng hiện vẫn đóng cửa.
Israel, với dân số 9,3 triệu người và tỷ lệ tiêm chủng cao, đã khôi phục nhiều biện pháp hạn chế, bao gồm đeo khẩu trang bắt buộc và cách ly đối với hầu hết những người đến quốc gia này sau khi ghi nhận sự gia tăng số ca do biến thể Delta.
Trong khi đó, Vương quốc Anh vẫn bám sát kế hoạch nới lỏng của mình, bao gồm các quy định mở hơn về kiểm dịch, bất chấp số lượng ca nhiễm hằng ngày duy trì ở mức cao.
Trong một buổi phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, không thể đưa F0 về số 0 ngay cả khi giãn cách quá lâu: “Chúng tôi sẽ tiến từng bước, thận trọng và tiến bộ”.
Hiện Singapore đang duy trì ở mức 100 ca nhiễm mới hàng ngày, số ca bị nặng không cao.
Tính đến ngày 1/9, dữ liệu của chính phủ cho thấy, Singapore chỉ ghi nhận 19 bệnh nhân cần thở oxy và 5 người đang được chăm sóc đặc biệt.
Hầu hết dân số từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm phòng và chính quyền cũng đang xem xét việc tiêm chủng cho trẻ em vào đầu năm tới. Sau khởi đầu chậm chạp, tỷ lệ tiêm chủng ở đối tượng trên 70 tuổi đã được đẩy lên 84%.
Ông Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota khẳng định: "Thậm chí quốc gia nào chỉ có 20% dân số không được bảo vệ thì cũng là một thách thức thực sự khi đối phó với loại virus này. Số ca mắc bệnh và số người nhập viện sẽ tiếp tục gia tăng" .
Tiêm chủng vẫn là trụ cột trong kế hoạch mở cửa trở lại của Singapore, bởi với một nền kinh tế đã ghi nhận mức suy giảm kỷ lục 5,4% vào năm ngoái, quốc gia này không thể đóng cửa quá lâu.
Năm 2019, Singapore đã đón con số kỷ lục 19,1 triệu khách du lịch - gấp 3 lần tổng dân số, trong đó riêng Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ đóng góp 40%.
Bà Sung Eun Jung, chuyên gia tại Oxford Economics ước tính, ngành du lịch đang đóng góp tới 11% cho nền kinh tế của đảo quốc sư tử. Với kế hoạch mở cửa trở lại nghiêm ngặt, ngành công nghiệp không khói này chỉ có thể đạt được mức trước đại dịch vào năm 2023.
Nền kinh tế Singapore được dự báo tăng trưởng 6%-7% trong năm nay, sau cuộc suy thoái kỷ lục vào năm 2020.
Do tác động của dịch bệnh, khu vực mua sắm sầm uất nhất ở Singapore hiện vẫn thưa thớt người mua, doanh thu ế ẩm, nhiều cửa hàng đóng cửa, nhiều người mất việc làm.
Anh Amir Khan, chủ một cửa hàng bán thảm cho biết, có những ngày không có một bóng khách hàng nào: “Việc mở cửa trở lại càng chậm, chúng tôi càng phải gánh chịu thêm nhiều chi phí".