Tác giả (trái) và cầu thủ Công Phượng. |
Bỏ qua những vấn đề chuyên môn, kể cả khi thất bại ở hai trận chung kết, U19 Việt Nam đang vô tư làm công việc của một “đại sứ” văn hóa cho quốc gia, đem lại cái nhìn thiện cảm từ bạn bè quốc tế với cách ứng xử và chơi bóng.
Nhiều huấn luyện viên nước ngoài sau cơn choáng ngợp ở chảo lửa Mỹ Đình đã thốt lên rằng: “U19 Việt Nam là đội U19 được khán giả nước nhà yêu thương, quan tâm nhất thế giới”.
Tại trận ra quân giải U19 Đông Nam Á ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình, sau khi Công Phượng lập siêu phẩm làm tung lưới U19 Australia, ở phút 90+1, những ai theo dõi truyền hình trực tiếp đã xúc động khi nhìn thấy hậu vệ Hồng Duy chủ động giúp cầu thủ đội bạn khi có dấu hiệu chuột rút sau một tình huống tranh chấp bóng. Hành động ấy diễn ra chỉ vài giây khi cầu thủ này nhận biết đối phương đang gặp khó khăn.
Trong tất cả trận đấu, một đặc điểm rất nổi bật của U19 Việt Nam mà giới chuyên môn và khán giả nhận thấy đó là gần như không phạm lỗi nguy hiểm, thô bạo; không phản ứng lại các quyết định của trọng tài; không có hành vi vô văn hóa trên sân cỏ.
Dù thắng hay thua, các em vẫn đi vòng quanh sân cỏ cảm ơn khán giả và mỗi khi thay người luôn chào đủ 4 khán đài và ban huấn luyện đội bạn.
Khi Nhật Bản giương cao chiếc cup vô địch U19 Đông Nam Á, Công Phượng và đồng đội đỏ hoe mắt vì nuối tiếc nhưng xếp thẳng hàng vỗ tay chúc mừng.
Tất cả chuẩn mực hành vi đó được thực hiện nghiêm túc, nhất tề đồng loạt đã xây dựng hình ảnh một U19 Việt Nam có văn hóa, thân thiện, biểu hiện những nét sinh động của văn hóa ứng xử dân tộc, giúp bạn bè khu vực có cái nhìn thiện cảm ở đội bóng trẻ của Việt Nam và suy rộng ra là cái nhìn về một đất nước có tuyệt đại đa số những con người như vậy.
U19 Việt Nam còn rất trẻ và cần tiếp tục rèn giũa. Có sự lo lắng rằng tung hô quá mức hay kỳ vọng thành tích của người hâm mộ sẽ khiến các em đi vào những hành xử không tích cực như không ít đàn anh, nhưng chúng ta phải tin vào những điều tốt đẹp. Đội trưởng U19 Việt Nam Công Phượng khi được hỏi: “Anh cùng đồng đội có lo ngại sự quan tâm quá lớn của người hâm mộ cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi làm hại sự nghiệp của mình?”, đã trả lời:“Trước khi học bóng đá, chúng tôi đã được giáo dục về văn hóa một cách đầy đủ ở Học viện HAGL Arsenal JMG nên luôn biết mình đang ở đâu và không hề lo ngại về vấn đề này”.
Khi Công Phượng dừng lại cũng là lúc tràng pháo tay giòn giã vang lên khắp phòng họp báo. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, nhưng nếu biết và cần cũng phải làm được việc lớn. Và biết đâu nếu vẫn tiếp tục như thế này, sẽ có lúc những tuyển thủ sinh sau năm 1995 tham dự các trận đấu của khu vực và quốc tế sẽ là những “đại sứ” của Việt Nam góp phần quan trọng tạo dựng hình ảnh Việt Nam tốt đẹp với bạn bè thế giới . Chúng ta tin họ có thể đảm đương được trọng trách đó.
NGUYÊN BẢO (Hà Nội)