Các tòa nhà chung cư hư hại nghiêm trọng do cuộc tấn công quân sự của Nga tại thành phố tiền tuyến Vuhledar ở vùng Donetsk, tháng 10/2023. (Nguồn: Reuters) |
Dữ liệu từ cơ quan công tố cho thấy, kể từ năm 2022, có gần 95.000 vụ án hình sự liên quan đến hành vi "rời bỏ vị trí không phép" (AWOL) và thậm chí là đào ngũ trên chiến trường.
Riêng năm 2024, các vụ án này chiếm gần 2/3 tổng số, phản ánh tình trạng hao hụt nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt khi hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đã tử trận hoặc bị thương.
Một số đơn vị như Lữ đoàn 47 tinh nhuệ của Ukraine đã mời gọi binh sĩ AWOL quay trở lại thông qua các bài đăng trên mạng xã hội. Trong hai ngày đầu tiên sau thông báo, Lữ đoàn đã nhận được hơn 100 đơn đăng ký. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ chấp nhận các binh sĩ rời bỏ căn cứ, không bao gồm những người đào ngũ từ chiến trường.
Một luật mới được thông qua gần đây cho phép binh sĩ AWOL quay trở lại phục vụ mà không bị truy cứu trách nhiệm, tạo điều kiện cho hơn 6.000 binh sĩ tái gia nhập trong tháng 11/2024.
Tình trạng lính đào ngũ xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, từ việc khó thích nghi sau khi rời đời sống dân sự đến kiệt sức sau thời gian chiến đấu kéo dài.
Một số binh sĩ từng là phi công điều khiển thiết bị bay không người lái dày dạn kinh nghiệm nhưng lại bị điều động ra tiền tuyến vì sự thiếu hụt bộ binh.
Vấn đề càng trầm trọng hơn bởi tình trạng thiếu lực lượng thay thế và độ tuổi trung bình cao của binh sĩ Ukraine. Theo các chuyên gia, binh sĩ trên 40 tuổi có thể trạng yếu thường dễ suy kiệt hơn so với những lực lượng trẻ trung, khỏe mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky lại cho rằng, vấn đề nằm ở việc thiếu vũ khí hơn là nhân lực, đồng thời bác bỏ yêu cầu từ Mỹ về việc hạ độ tuổi nhập ngũ từ 25 xuống 18
Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News vào tuần trước, ông Zelensky nhấn mạnh, các đồng minh của Kiev chỉ có thể cung cấp trang thiết bị cần thiết cho 1/4 trong số 10 lữ đoàn mới mà Ukraine thành lập trong năm qua.