📞

Ukraine tưởng niệm nạn nhân vụ rơi máy bay MH17

10:08 | 18/07/2016
Ngày 17/7 đánh dấu đúng hai năm sau sự kiện máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia rơi trên lãnh thổ miền Đông Ukraine.
Người dân địa phương đặt hoa tại một đài tưởng niệm chuyến bay MH17 ở làng Petropavlivka, ở miền Đông Ukraine ngày 17/7. (Nguồn: AFP)

Vụ tai nạn thảm khốc này đã làm toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Sau 2 năm, người dân tại làng Petropavlivka, nơi tìm thấy những mảnh vỡ máy bay và thi thể một số hành khách, đã mang hoa và thắp nến tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong chuyến bay định mệnh MH17.

Tại quảng trường nhỏ của ngôi làng Petropavlivka, khoảng 60 người đã tham gia lễ cầu nguyện cho những nạn nhân. Một số trẻ em thậm chí còn gấp cả những chiếc máy bay giấy để tưởng niệm các em bé thiệt mạng trong chuyến bay ngày 17/7/2014.

Phát biểu với hãng tin AFP, người đứng đầu hội đồng làng Petropavlivka, bà Natalia Voloshina cho biết một số người nhà của nạn nhân đã gọi điện đến yêu cầu chính quyền tiếp tục tìm kiếm những đồ vật như đồ chơi trẻ em...

Tại buổi lễ, một số mảnh vỡ tìm thấy của chiếc máy bay MH17, hiện chưa được trao lại cho các nhà điều tra Hà Lan, đã được xếp chồng vào nhau bên ngoài văn phòng của bà Voloshina.

Hình ảnh của những hành khách xấu số được tưởng nhớ. (Nguồn: AFP)
Nhiều gia đình, trong đó có cả trẻ em đã thiệt mạng vì vụ rơi máy bay này. (Nguồn: AFP)

Cho tới nay, nhiều người nhà của các nạn nhân mang quốc tịch Hà Lan, quốc gia có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong chuyến bay MH17 vẫn đang lên kế hoạch kiện hãng hàng không Malaysia và những cơ quan liên quan mà họ cho là gây ra tai nạn thảm khốc trên.

Cùng ngày, Chính phủ Malaysia khẳng định lại cam kết sẽ tìm ra sự thật. Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh vụ rơi máy bay MH17 "là một hành động tội phạm khiến thế giới căm phẫn", đồng thời khẳng định Chính phủ Malaysia tiếp tục cố gắng tìm "một sự giải thích đầy đủ và thỏa đáng" về tất cả các sự kiện dẫn tới thảm kịch này.

Ngày 17/7/2014, chuyến bay MH17 đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) thì máy bay bị rơi ở miền Đông Ukraine, khu vực đang ở trong tình trạng xung đột vũ trang. Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, các tay súng ở miền Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn nhầm chiếc MH17.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đặt hoa tưởng niệm tại thành phố Vijfhuizen, Hà Lan, ngày 17/7. (Nguồn: EPA)
Đài tưởng niệm các nạn nhân MH17 tại làng Grabovo, Ukraine, ngày 17/7. (Nguồn: AP)
Phút mặc niệm các nạn nhân MH17 tại làng Grabovo, Ukraine. (Nguồn: AP)
Nhiều người dân địa phương tới để chia buồn. (Nguồn: AP)

Tháng 10/2015, Ủy ban An ninh Hà Lan công bố báo cáo điều tra cuối cùng về vụ rơi máy bay MH17, trong đó xác định máy bay đã bị trúng một tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất. Phía Hà Lan không chỉ đích danh bên nào tại Ukraine đã bắn rơi máy bay này, nhưng khẳng định quả tên lửa được phóng từ khu vực miền Đông Ukraine, vốn do lực lượng đòi độc lập kiểm soát.

Điều này ngược với kết luận từ phía hãng Almaz-Antey của Nga sản xuất tổ hợp tên lửa Buk. Hãng này nói rằng máy bay đã bị bắn hạ bằng tên lửa phóng đi từ vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine, đồng thời khẳng định nếu tên lửa được bắn đi từ làng Snezhnoye như kết luận của Hà Lan, nó sẽ không thể trúng mạn trái của máy bay.

Vị trí chiếc máy bay MH17 bị rơi. (Nguồn: DW)
(theo The Guardian)