Thu hoạch lúa. |
Báo cáo trên là nghiên cứu đầu tiên phân tích tác động tình trạng lãng phí lương thực thực phẩm đối với môi trường, xem xét kỹ lưỡng về những hậu quả của nó đối với khí hậu, nguồn nước và sừ dụng đất đai và đa dạng sinh học.
Một trong những phát hiện chính của báo cáo này là số lương thực-thực phẩm được sản xuất nhưng không được sử dụng mỗi năm liên quan đến việc làm tăng thêm 3,3 tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính thải vào bầu khí quyển của Trái đất.
Tương tự, 1,4 tỷ ha đất, tương đương 28% diện tích đất nông nghiệp thế giới, được sử dụng hàng năm để sản xuất lương thực mà bị lãng phí hoặc thất thoát. Ngoài những tác động về môi trường, lãng phí lương thực dẫn tới việc các nhả sản xuất lương thực thất thu khoảng 750 tỷ USD/năm.
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) Jose Graziano da Silva, thế giới không thể chấp nhận tình trạng 1/3 lượng lương thực-thực phẩm bị lãng phí và thất thoát do những hành vi quy định hay thói quen không phù hợp, trong khi có tới 870 triệu người đang thiếu đói hàng ngày. Báo cáo trên cũng chỉ ra những đặc điểm của tình trạng lãng phí lương thực ở nhiều khu vực. Ví dụ, tình trạng lãng phí ngũ cốc, nhất là gạo, là một vấn đề lớn ở châu Á, với những tác động chính diễn ra với lượng khí thải có cácbon gia tăng.
Lãng phí trái cây góp phần đáng kể vào tình trạng lãng phí nước ở châu Á, Mỹ Latinh và châu Âu, trong khi một khối lượng lớn rau lãng phí ở các nước công nghiệp châu Á, châu Âu và Nam và Đông Nam Á chuyển thành một lượng khí thải cácbon khá lớn ở khu vực này. Không tính Mỹ Latinh, các khu vực có thu nhập cao chịu trách nhiệm về khoảng 67% tổng số thịt bị lãng phí.
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) Achim Steiner hối thúc các nước tham gia chiến lược dịch chung của các cơ quan này nhằm giảm bớt lương thực lãng phí theo chủ đề "Hãy nghĩ trước khí ăn - Giảm lương thực lãng phí."./.