📞

UNESCO đề cao sự tham gia, đóng góp của Việt Nam vào lĩnh vực khoa học tự nhiên

17:27 | 31/08/2024
Ngày 30/8, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã có cuộc gặp làm việc với bà Lidia Arthur Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên và chính xác.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh gặp bà Lidia Arthur Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên và chính xác. (Nguồn: TTXVN)

Theo kế hoạch, bà Lidia Arthur Brito sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9-12/9 tới. Tại buổi gặp, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định Việt Nam rất vui mừng chào đón bà Lidia Arthur Briton thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được tổ chức từ ngày 5-17/9 tại Cao Bằng.

Nhân dịp này, Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng hợp tác với UNESCO trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và hải dương học, cảm ơn sự hỗ trợ và tư vấn của UNESCO thông qua các chương trình liên quan đến môi trường, khí hậu, an ninh nguồn nước...

Đại sứ bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với UNESCO thời gian tới trong các lĩnh vực này, đồng thời đề nghị UNESCO tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các hồ sơ mới để xin được công nhận Công viên địa chất toàn cầu và Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Về phần mình, bà Lidia Arthur Brito bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam - đất nước có nhiều chương trình hợp tác với UNESCO trong lĩnh vực khoa học tự nhiên - và tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bà Lidia Arthur Brito cảm ơn Việt Nam đã đăng cai Hội nghị, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và tỉnh Cao Bằng trong công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị quan trọng này.

Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO cũng đề cao sự tham gia, đóng góp của Việt Nam đối với các hoạt động của UNESCO trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bà Lidia Arthur Brito mong muốn nhân dịp này sẽ gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan của Việt Nam để trao đổi về các chương trình hợp tác hiện nay cũng như tìm ra hướng hợp tác mới trong thời gian tới.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ diễn ra từ ngày 5-17/9 tại Cao Bằng với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế.

Hội nghị này được tổ chức luân phiên 2 năm/lần tại các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu nhằm trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu Công viên địa chất, theo các tiêu chí của UNESCO, giữa các thành viên trong Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị lần này không chỉ là sự kiện của riêng tỉnh Cao Bằng mà còn là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, góp phần định vị Cao Bằng nói riêng, các địa phương của Việt Nam nói chung trên bản đồ Di sản thế giới.

Đây vừa là cơ hội để tăng cường kết nối hợp tác quốc tế, vừa là dịp quảng bá, đưa các địa phương Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam.

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 12/4/2018. Công viên có diện tích hơn 3.275 km² thuộc tỉnh Cao Bằng. Nơi đây đang là khu vực sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc của Việt Nam như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ và tư vấn của UNESCO, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các đợt hoạt động trong khuôn khổ Chiến lược hành động của UNESCO nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động Lima (2016-2025) về Chương trình Con người và Sinh quyển và các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, triển khai Chương trình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Việt Nam cũng đã tổ chức thành công các lễ kỷ niệm có liên quan như: Ngày quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển; Ngày đa dạng địa chất theo Nghị quyết của UNESCO; phát động "Thập kỷ Đại dương của Liên hợp quốc". Bên cạnh đó, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học cấp khu vực về quản trị biển và quy hoạch không gian biển cũng đã được tổ chức với sự phối hợp của Ủy ban UNESCO Việt Nam.

(theo TTXVN)