📞

UNESCO nâng tầm truyền thống ẩm thực

Trung Hiếu 08:00 | 03/01/2022
Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO được lập vào năm 2008 để bảo vệ những truyền thống dân tộc trên toàn thế giới.
Món súp Joumou của Haiti. (Nguồn: Indian Express)

Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp equốc (UNESCO) mới đây đã đưa món súp joumou của Haiti, một biểu tượng cho nền độc lập và phẩm giá của nước cộng hòa do người da đen lãnh đạo đầu tiên trên thế giới, vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể.

Theo Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, món súp này “kể câu chuyện của các vị anh hùng và nữ anh hùng đấu tranh vì nền độc lập của Haiti, cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do đầy gian khó của họ”.

Ngoài món súp joumou, món ăn nổi tiếng của người Senegal là ceebu jen cũng có một vị trí trong danh sách. Có nguồn gốc từ các cộng đồng ngư dân trên đảo Saint-Louis của Senegal, món ăn này và các hoạt động liên quan “được xem như một sự khẳng định bản sắc của người Senegal,” theo trang web ich.unesco.org.

Danh sách Di sản văn hóa của UNESCO được lập vào năm 2008 với mục đích bảo vệ các truyền thống dân tộc trên toàn cầu. Danh sách này bao gồm “các truyền thống hoặc biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu, chẳng hạn như các truyền thống truyền khẩu, nghệ thuật biểu diễn, tập quán xã hội, nghi lễ, sự kiện lễ hội, kiến thức và thực hành liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ hoặc kiến thức và kỹ năng sản xuất hàng thủ công truyền thống".

Trong những năm qua, một số loại thực phẩm và truyền thống ẩm thực đã được tìm thấy trong danh sách uy tín này.

Ẩm thực Mexico - truyền thống văn hóa cộng đồng tổ tiên

Các món ăn truyền thống của Mexico. (Nguồn: Cumexsoc.org.uk)

Năm 2010, các món ăn truyền thống của Mexico được xếp vào bản danh sách danh giá của UNESCO. Ẩm thực nước này là một mô hình văn hóa bao gồm canh tác, thực hành nghi lễ, kỹ năng lâu đời, kỹ thuật nấu nướng và phong tục cộng đồng do tổ tiên để lại.

Theo UNESCO, “ẩm thực Mexico được chế biến công phu và mang đầy tính biểu tượng, với các món ăn hàng ngày được làm từ ngô, tạo thành một phần không thể thiếu trong lễ cúng Ngày của người chết”.

Món ăn truyền thống Oshi Palav với bối cảnh xã hội và văn hóa ở Tajikistan

Món oshi palav. (Nguồn: Tajikistan Travel Guide)

Nhấn mạnh tầm quan trọng về giá trị văn hóa của món ăn, UNESCO đã bổ sung oshi palav, một món ăn truyền thống của các cộng đồng ở Tajikistan, vào danh sách vào năm 2016. Được chế biến từ rau, gạo, thịt và gia vị, món ăn này được coi là một sự hòa hợp giữa những người có nguồn gốc khác nhau.

Theo UNESCO, “tri thức và kỹ năng gắn liền với việc thực hành được trao truyền giữa các thế hệ trong các gia đình, bên cạnh kiến thức mà các thầy cô giáo hướng dẫn cho học viên ở các trường dạy nấu ăn”.

Kimjang - cách làm và chia sẻ kim chi ở Hàn Quốc

Món kimchi nổi tiếng của người Hàn Quốc. (Nguồn: Chefjob.vn)

Một món ăn lên men phổ biến của Hàn Quốc là một phần thiết yếu trong bữa ăn của người Hàn Quốc. Được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013, Kimjang, nghệ thuật chế biến món kimchi là “một lời nhắc nhở quan trọng đối với nhiều người Hàn Quốc rằng cộng đồng con người cần sống hài hòa với thiên nhiên”.

Kimchi bao gồm các loại rau muối và lên men, phổ biến nhất là bắp cải và củ cải.

Lavash - cách chuẩn bị, ý nghĩa và sự xuất hiện của bánh mì truyền thống như một biểu đạt của văn hóa ở Armenia

Bánh mì mỏng lavash của người Armenia. (Nguồn: The Spruce Eats)

Bánh mì mỏng lavash là một phần không thể thiếu trong ẩm thực truyền thống Armenia và chính thức được đưa vào Danh sách năm 2014. Công việc chuẩn bị làm bánh lavash thường do một nhóm nhỏ phụ nữ thực hiện tỉ mỉ với nỗ lực, sự phối hợp, kinh nghiệm và kỹ năng đặc biệt.

UNESCO cho biết, “loại bánh này đóng một vai trò nghi lễ trong đám cưới, nơi nó được đặt trên vai của các cặp vợ chồng mới cưới để cầu mong sự sinh sôi và thịnh vượng. Việc cùng nhau nướng bánh lavash còn giúp củng cố mối quan hệ gia đình, cộng đồng và xã hội”.

Nsima - truyền thống ẩm thực của Malawi

Món nsima truyền thống của Malawi. (Nguồn: World Vision)

Được ghi vào Danh sách năm 2017, món ăn truyền thống nsima của Malawi là đại diện cho truyền thống ẩm thực của người Malawi. Đây là một dạng cháo đặc được chế biến từ bột ngô, thường không thể thiếu trong bữa ăn của người Malawi, thường được ăn cùng với nhiều món khác nhau như súp và món hầm, thịt hoặc cá và rau nấu chín.

Theo UNESCO, “nsima được làm ra phù hợp với lối sống của người Malawi, và cùng nhau ăn nsima là một truyền thống chung trong các gia đình và là một cơ hội để tăng cường mối quan hệ”.

(theo Indian Express)