📞

Ứng dụng quản trị rủi ro doanh nghiệp để giải bài toán khủng hoảng hậu Covid-19

Thùy Dương - Ngọc Hà 13:45 | 25/11/2021
Quản trị rủi ro không còn là vấn đề mới mẻ, nhưng trước những làn sóng khủng hoảng chưa từng có hậu đại dịch Covid-19 hay hệ quả thường trực do biến đổi khí hậu, đây phải là vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp cần đặt lên hàng đầu.
Ứng dụng quản trị rủi ro doanh nghiệp để giải bài toán khủng hoảng hậu Covid-19. (Nguồn: caa.moscow)

Tại Hội thảo trực tuyến: “Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam” do tạp chí Nhà đầu tư và tạp chí điện tử Nhadautu.vn phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức mới đây. Trong đó, các giải pháp về quản trị rủi ro được các chuyên gia đánh giá có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu.

Hai làn sóng khủng hoảng lớn của Việt Nam và thế giới

Theo đánh giá các chuyên gia, hiện nay thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước hai mối đe dọa lớn là đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Nhận định về những tác động sau đại dịch bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, “Chúng ta mới tạm qua một cơn bão rất lớn và nó tạo ra một khủng hoảng mà ta không thể lường trước được”.

Đầu tiên, nền tài chính tiền tệ đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao do chuỗi sản xuất bị ngắt quãng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Hàng hóa khan hiếm, giá nhiên liệu tăng đột biến. Ngoài ra, các gói chi tiêu tài trợ tung ra rất lớn, bội chi ngân sách có thể coi là quả bom nổ chậm, bùng phát bất cứ lúc nào. Đặc biệt, việc người dân di cư về vùng an toàn và các địa phương triển khai biện pháp phòng dịch thiếu đồng bộ dẫn đến “đứt gãy nguồn lao động”, một vấn đề lớn đang xảy ra tại một số tỉnh, thành Việt Nam. Theo đó, bà Hà Thị Thu Thanh nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng “đứt gãy trong sự đứt gãy”.

Bên cạnh đó, theo Tiến Sĩ Cấn Văn Lực, những khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay bao gồm vấn đề dòng tiền, thanh khoản, chi phí đầu vào tăng mạnh trong khi giá đầu ra khó tăng ngay. Nguy cơ mất đơn hàng, khách hàng, đối tác và tương lai khó lường trước cũng là những thách thức rất lớn.

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, theo Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quỹ châu Á tại Việt Nam và Tập đoàn Chuyển phát nhanh toàn cầu (UPS), biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là nguy cơ gián đoạn sản xuất kinh doanh bất cứ lúc nào, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu...

Quản trị rủi ro - lời giải cho bài toán khủng hoảng

Những thách thức kể trên vừa là mối nguy, vừa là chất xúc tác làm bộc lộ những điểm yếu kém trong tổ chức doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Những mất mát của doanh nghiệp Việt trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: Cần áp dụng kịp thời chiến lược quản trị rủi ro trong vận hành doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình thế giới biến đổi khó lường như hiện nay.

Về căn bản, quản trị rủi ro là xác định những rủi ro có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh của tổ chức, dự tính những ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại, từ đó tìm ra cách xử lý ít thiệt hại nhất để duy trì và bảo vệ thương hiệu.

Do đó, khung quản trị rủi ro nên được các công ty đầu tư nghiên cứu, áp dụng ngay trong thời kỳ ổn định để doanh nghiệp có thể tăng cường khả năng chống chịu khi khủng hoảng diễn ra, đặc biệt khi biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 vẫn là nỗi lo lắng kéo dài của nền kinh tế toàn cầu.

Việc ứng dụng quản trị rủi ro càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới, "sống chung an toàn với Covid-19", đòi hỏi doanh nghiệp vừa phòng chống dịch an toàn, vừa phát triển kinh tế hiệu quả.

Ứng dụng hiệu quả quản trị rủi ro và bài học từ các “gã khổng lồ” quốc tế

Khi vấn đề quản trị rủi ro trở thành nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp, thì khi khủng hoảng xảy ra, chẳng hạn như khủng hoảng hậu Covid-19 hiện nay, các doanh nghiệp có thể kịp thời kích hoạt kế hoạch quản trị khủng hoảng cùng với kế hoạch kinh doanh liên tục, sau đó là kế hoạch khôi phục sau sự cố.

Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam phân tích, yếu tố cốt lõi trong quản trị rủi ro là “kế hoạch hoạt động kinh doanh liên tục” (Business continuity planning). Việc thiết lập kế hoạch hoạt động liên tục đòi hỏi các tổ chức tạo ra hệ thống phòng trừ rủi ro. Khi xảy ra sự kiện làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, hệ thống này sẽ đảm bảo các đứt gãy được nối lại nhanh nhất, với chi phí thấp nhất.

Trong quản trị rủi ro, nguồn vốn xã hội cũng cần được chú trọng. Nguồn vốn xã hội đến từ sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đối tác và nhà cung ứng, sự kiên tâm của người lãnh đạo doanh nghiệp và sự thấu hiểu của người lao động. Bà Thanh chia sẻ, khi vốn tài chính cạn kiệt, vốn xã hội sẽ đóng vai trò như nguồn lực thúc đẩy công ty vượt qua khủng hoảng.

Trên thế giới, nhiều công ty coi quản trị rủi ro như một phần không thể thiếu của quản trị doanh nghiệp. Một ví dụ thành công là công ty đa quốc gia Deloitte. Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới này bị tấn công mạng vào năm 2017, khiến email của công ty với nhiều chính phủ và cá nhân có khả năng bị lộ. Tuy nhiên, Deloitte đã nhanh chóng huy động các chuyên gia về an ninh mạng trong và ngoài công ty để tìm hiểu nguồn gốc vụ tấn công, khôi phục và củng cố hệ thống an ninh mạng, đồng thời xác định các khách hàng bị ảnh hưởng. Nhờ vào kế hoạch kinh doanh liên tục và kế hoạch khôi phục sau sự cố, Deloitte đến nay vẫn là một trong Big 4 của ngành kiểm toán toàn cầu.

“Gã khổng lồ công nghệ” Amazon cũng là một bài học điển hình cho quản trị rủi ro trong thời kỳ Covid-19. Vào đầu năm 2020, làn sóng Covid-19 khiến công ty này quá tải với lượng đơn hàng tăng vọt, thiếu hụt nhân công và gặp khó khăn trong đảm bảo an toàn cho người lao động. Amazon sau đó đã từng bước phục hồi bằng cách giới hạn các mặt hàng không thiết yếu, tận dụng hệ thống nhà kho dự trữ, tuyển thêm nhân viên và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cho người lao động. Đến giữa năm 2020, Amazon không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn phát triển mạnh, với mức vốn hóa thị trường tăng 570 tỷ USD vào quý II.

Thế giới đang biến đổi ngày càng khó lường, đem đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và ngành kinh tế toàn cầu nói chung. Bài toán phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp Việt chưa bao giờ là dễ dàng. Việc áp dụng hiệu quả, linh hoạt chiến lược quản trị rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu và chung sống an toàn với các cơn gió ngược trong kinh doanh.