Bài viết với tiêu đề “Vượt qua đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam phát triển thuận lợi”. |
Bài viết với tiêu đề “Vượt qua đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam phát triển thuận lợi”, của Tiến sĩ, Nhà báo Bùi Mạnh Hùng đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Security Anpo, số 267 phát hành tháng 1/2021 đã thu hút sự quan tâm lớn của độc giả Nhật Bản.
Mở đầu bài viết nhận định, đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng khủng khiếp tới sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới, khiến nhiều nước đạt mức tăng trưởng kinh tế âm. Nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đã đạt được mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên với 2,91% và năm 2021, dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao, trở thành điểm sáng của nền kinh tế thế giới.
Tác giả bài viết thông tin rằng, Việt Nam phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 vào ngày 23/1/2020. Ba tháng sau, con số này tăng lên 268 người, trong đó 224 người đã được chữa khỏi và không có trường hợp nào tử vong.
Nhưng vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, một đợt bùng phát mới do lây nhiễm từ bên ngoài, khiến Việt Nam phải tiếp tục vào cuộc chiến với dịch bệnh. Số ca lây nhiễm lần này tăng nhanh hơn lần trước và bắt đầu có người tử vong. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, với những biện pháp chặt chẽ, triệt để, số ca lây nhiễm từ nước ngoài đã được khống chế và một lần nữa Việt Nam lại thành công trong việc khống chế làn sóng thứ 2 đại dịch Covid-19.
Tác giả đưa ra 3 nguyên nhân chủ yếu làm cho cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của Việt Nam thành công, đó là: Sự tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam; tuân thủ nghiêm túc những yêu cầu, chỉ đạo từ Chính phủ liên quan đến dịch bệnh; toàn dân đã thống nhất đoàn kết, nhận thức rõ mức nguy hiểm của đại dịch.
Với thành công khống chế dịch bệnh, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp có hiệu quả nhanh chóng hồi phục và tăng trưởng kinh tế.
Tác giả đưa ra dẫn chứng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một đề cập nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã nhấn mạnh, năm 2020, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, mức lạm phát duy trì ở mức thấp, thúc đẩy tăng trưởng, cân bằng kinh tế được cải thiện.
Mặc dù hoạt động đầu tư, thương mại có những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhưng do đã vận dụng chính sách kinh tế một cách đúng đắn, phát huy nội lực toàn dân, nên tăng tưởng kinh tế đã đạt ở mức cao trong khu vực và trên thế giới.
Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1,4 lần của năm 2015. GDP bình quân đầu người đạt 2750 USD. Hoạt động thương mại của Việt Nam năm 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Xuất khẩu tăng trưởng dương, kim ngạch đạt 26,7 tỷ USD tăng 1% so với năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.
Ngày 15/11/2020, các nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Newzealand đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEF). Hiệp định này kỳ vọng sẽ thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) cũng đã được ký kết, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế và cải cách đất nước theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm 2021, Việt Nam cũng đã đưa ra 12 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội… được đề cập trong Dự thảo phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Dự thảo này đã được trình lên Quốc hội, trong đó, đưa ra mức tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 6%, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 3.700 USD.
Bên cạnh đó, dự báo trong năm 2021, tình hình trong và ngoài nước vẫn có những thách thức do đại dịch Covid-19 còn phức tạp, tuy nhiên sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm đó là tiếp tục chiến đấu với dịch Covid-19, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho nhân dân và khôi phục, phát triển kinh tế.
Tác giả cho biết, có nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021. Một ngân hàng uy tín của Anh dự báo năm 2021, kinh tế Việt Nam có khả năng đạt mức tăng trưởng 7,8%. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự đoán với mức 6,3%. Nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế uy tín trên thế giới khác lạc quan về mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ít nhất cũng phải từ 6% trong những năm tới.
Từ đó, tác giả nhận định: Việt Nam vẫn là khu vực thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc ký kết nhiều Hiệp định mang tính quốc tế, Việt Nam cam kết sẽ hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mong muốn chuyển sang hoạt động tại thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lập kế hoạch khởi nghiệp tại chính Việt Nam.
Với những thành quả đang có, Việt Nam tự tin để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021 và trở thành nền kinh tế phát triển của những năm tiếp theo.