Năm 1946, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để giúp đỡ các trẻ em nghèo, đói trong thời hậu Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 ở châu Âu. Thời đó, sức khỏe và thực phẩm dành cho trẻ em là mối quan tâm lớn của thế giới.Tuy nhiên, sau 7 thập kỷ, theo số liệu của LHQ, đến nay vẫn có gần 3 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Bức ảnh trên được chụp cách đây 70 năm. Những đứa trẻ Hy Lạp đang cười vui vẻ nhưng thực ra chúng đang bị cái đói giày vò.
Đến năm 1955, UNICEF trở thành tổ chức vì trẻ em lớn nhất thế giới, có mạng lưới làm việc ở hơn 90 quốc gia. Trong ảnh là một đứa trẻ ở Ecuador, được chụp vào năm 1958, đang được điều trị bệnh sốt rét - nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Cho đến nay, sốt rét vẫn là một nguyên nhân gây nhiều cái chết cho trẻ. UNICEF đã trở thành một trong những thành viên sáng lập Sáng kiến đẩy lùi sốt rét (Roll Back Malaria Partnership) nhằm hỗ trợ điều trị và nghiên cứu bệnh sốt rét.
Năm 1959, LHQ ra Tuyên bố về Quyền trẻ em nhằm xác định các quyền của trẻ em để bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện cho trẻ em có chỗ ở và tăng cường điều kiện dinh cho trẻ em. Ở Mozambique, những đứa trẻ tận hưởng thời gian nghỉ giải lao tại một trường "thân thiện với trẻ" do UNICEF hỗ trợ, nơi không chỉ tập trung vào việc giảng dạy kiến thức đơn thuần mà còn hướng dẫn trẻ về vệ sinh môi trường, an sinh xã hội...
Nhận thức được việc bảo vệ quyền cho trẻ em có ý nghĩa lớn lao như việc bảo vệ, duy trì hòa bình, UNICEF đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1965 vì những cống hiến trong việc thúc đẩy "tình hữu nghị giữa các quốc gia”. Trong ảnh là Giám đốc điều hành Henry Labouisse nhận giải thưởng ở Oslo.
Mặc dù được đánh giá cao vì những cống hiến cho việc bảo vệ trẻ em trên toàn thế giới nhưng tổ chức này vẫn bị chỉ trích vì những vụ bê bối liên quan đến gian lận và hối lộ trong nhiều thập kỷ.
UNICEF đã tham gia giúp đỡ hàng ngàn trường hợp nhân đạo khẩn cấp ảnh hưởng đến trẻ em. Tầm nhìn 70 năm tới của tổ chức này là "một thế giới mà công việc của chúng tôi không còn cần thiết - một thế giới mà mọi đứa trẻ đều khỏe mạnh, an toàn, được hưởng giáo dục, chăm sóc bảo vệ và tất cả trẻ em có thể được phát huy tối đa tiềm năng của chúng", Giám đốc điều hành UNICEF Anthony cho biết.
UNICEF đưa ra các chương trình vệ sinh và vệ sinh môi trường vào năm 1953. Kể từ đó, gần ba tỷ người đã được cải thiện nguồn nước uống và vệ sinh. Trong ảnh là các em học sinh ở Bangladesh được hướng dẫn rửa tay đúng cách.
Hàng triệu trẻ em, giống như những nữ sinh ở Pakistan, được tiếp cận với giáo dục nhờ UNICEF. Tổ chức này đã giúp Pakistan giảm tỉ lệ nghỉ học ở trẻ em độ tuổi tiểu học khoảng 40 % kể từ năm 1990.
Ước tính có khoảng ¼ trẻ em trên toàn thế giới (khoảng 535 triệu người) sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc thiên tai, UNICEF cho biết vào tháng 12/2016. Theo thống kê của UNICEF, trong số đó, khu vực cận Sahara ở châu Phi chiếm tới 3/4, tức 393 triệu em, sau đó là vùng Trung Đông và Bắc Phi, nơi chiếm khoảng 12% tổng số trẻ em bị ảnh hưởng. UNICEF cảnh báo tình trạng mà các em nhỏ phải đối mặt hiện nay đang đe dọa làm xói mòn những thành tựu đạt được trong những thập kỷ gần đây.
Một nhóm thanh niên sử dụng cơ thể của họ và các vật dụng khác để ghép chữ “construire ", trong tiếng tiếng Ý có nghĩa là “xây dựng". Đó là thông điệp về việc đây là thời điểm để tạo dựng một thế hệ mới với các giá trị tốt hơn.
Một báo cáo năm 2014 của UNICEF cho thấy, vào năm 2014,2,6 triệu trẻ em vẫn sống trong nghèo đói ở các nước giàu nhất thế giới.
Trước đó, nhân ngày Quốc tế trẻ em 20/11, ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho hay: Xung đột, khủng hoảng, đói nghèo cùng cực đã gây nguy hại cho cuộc sống của hàng triệu trẻ em và tương lai của các em. Bảo vệ quyền trẻ em hơn lúc nào hết là một việc làm cấp thiết và là yếu tố then chốt để xây dựng xã hội mạnh mẽ hơn, ổn định hơn.
“Chúng ta cần phải ngăn chặn những vi phạm này bằng cách đầu tư nhiều hơn nữa để đến được với những trẻ em thiệt thòi nhất, hoặc sẽ phải trả giá cho việc phát triển chậm hơn, bất công bằng nhiều hơn và ít ổn định hơn”, ông Youssouf Abdel-Jelil nhấn mạnh.