Trẻ em ở Dải Gaza dựa vào hàng rào tại một nơi trú ẩn do UNRWA điều hành. (Nguồn: UNICEF) |
Một triệu trẻ em ở khu vực Gaza đang quay cuồng gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột bạo lực ngày càng leo thang mà không có nơi ở an toàn. Mạng sống bị cướp đi, còn gia đình tan vỡ.
Trong vòng chưa đầy 10 ngày qua, tại Gaza, ít nhất 60 trẻ em đã thiệt mạng và 444 trẻ khác bị thương. Gần 30.000 trẻ em không còn chỗ ở. Ước tính có khoảng 250.000 trẻ em cần được bảo vệ và hỗ trợ về sức khỏe tâm thần.
Ít nhất bốn cơ sở y tế và 40 trường học đã bị hư hại. Khoảng 48 trường học - hầu hết do Cơ quan LHQ về người tị nạn Palestin (UNRWA) điều hành - đang được sử dụng làm nơi trú ẩn khẩn cấp cho các gia đình để tránh bạo lực.
Hệ thống nước và vệ sinh vốn đã suy yếu nay còn bị tổn hại thêm do sự leo thang của bạo lực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu - bao gồm, giếng nước ngầm và hồ chứa, các nhà máy khử muối và xử lý nước thải, mạng lưới phân phối nước và các trạm bơm - đã chịu thiệt hại đáng kể.
UNICEF ước tính, khoảng 325.000 người cần có nước và các dịch vụ vệ sinh khẩn cấp, nếu không họ có nhiều khả năng bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, sản lượng điện trên khắp dải Gaza đã giảm khoảng 60%, dẫn đến các bệnh viện ngày càng phụ thuộc vào máy phát điện trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Những máy phát điện này cần có một lượng nhiên liệu đáng kể để hoạt động. Khả năng dịch vụ y tế giảm sút có thể gây nguy hiểm tới việc điều trị cho những người mắc Covid-19.
Giám đốc UNICEF cấp thiết kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch vì lý do nhân đạo để các nhân viên cứu trợ và vật tư thiết yếu, bao gồm nhiên liệu, vật dụng y tế, bộ dụng cụ sơ cứu và vaccine Covid-19 được đưa vào hỗ trợ người dân".
Bên cạnh đó, bà Fore cũng kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo để có thể cung cấp các hàng cứu trợ này một cách an toàn; các gia đình có thể đoàn tụ và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cũng như tạo điều kiện cho người bệnh hoặc người bị thương có thể được sơ tán.
"Ngày nào xung đột còn tiếp diễn, ngày đó trẻ em của Palestine và Israel chịu thiệt hại. Những trẻ em này cần các bên ngừng bắn ngay bây giờ và cần một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột này", bà Fore lưu ý.
Người đứng đầu UNICEF nhấn mạnh: "Các em xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn là phải chịu đụng vòng luẩn quẩn của bạo lực và nỗi sợ hãi khủng khiếp diễn ra trong thời gian quá dài".