📞

Ước mơ về “cây Giáo sư Việt” ở Mỹ

07:00 | 11/02/2017
Gặp Giáo sư Vũ Ngọc Tâm vào một buổi chiều đông những ngày giáp Tết, tôi cảm nhận ở anh niềm đam mê công nghệ vô bờ và ước vọng cống hiến cháy bỏng.

Những ý tưởng cùng nỗ lực của vị Giáo sư Việt kiều Mỹ ngoài 30 tuổi ấy khiến tôi nhận ra: chỉ cần có đam mê và niềm tin, mọi giới hạn đều có thể vượt qua.

Đóng góp cho quê hương bằng “vốn liếng” của mình

Công việc của anh Tâm tại phòng thí nghiệm vô cùng bận rộn, từ 9 giờ sáng tới 1 giờ đêm, thậm chí vừa ăn vừa làm việc. Nhiều lúc anh quên đi cả những niềm vui của cuộc sống thường nhật như giải trí, có khi là cả hạnh phúc riêng tư của chính mình. Trong anh không ngừng  ấp ủ những kế hoạch, ý tưởng và mong muốn được đóng góp cho quê hương.

Giáo sư Vũ Ngọc Tâm (thứ hai từ phải sang) cùng các sinh viên trong phòng nghiên cứu.

Vị Giáo sư trẻ hy vọng có thể đưa ngày càng nhiều sinh viên công nghệ Việt Nam sang Mỹ, đào tạo, hỗ trợ để họ đạt được học vị Giáo sư trong thời gian ngắn nhất. Một “cây Giáo sư Việt” trên đất Mỹ do chính anh vun trồng  luôn là mục tiêu mà anh hướng tới trong những chuyến công tác qua lại giữa hai nước. Anh đã tới nhiều trường đại học ở Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh,... với hy vọng tìm kiếm và trao học bổng cho những sinh viên có thành tích cao và đam mê nghiên cứu. Bên cạnh đó, anh cũng nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo liên kết giữa trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và ngôi trường đại học mà anh sắp chuyển tới vào mùa hè theo mô hình “3+2”. Cụ thể, sau ba năm học tiếng Anh ở Việt Nam, sinh viên được lựa chọn sẽ học tiếp 2 năm ở Mỹ và được trường của Mỹ cấp bằng.

Anh Tâm chia sẻ mô hình này rất có lợi cho sinh viên Việt, giúp họ không chỉ tiết kiệm thời gian bởi việc xin học ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ rất khó và phải mất từ 1-2 năm, mà còn tiết kiệm chi phí tương đối nhiều so với việc học toàn bộ chương trình tại Mỹ. Hình thức học tập có thể kết hợp học trên lớp với học trực tuyến hoặc luân chuyển giảng viên một cách linh hoạt. Anh Tâm luôn trăn trở sinh viên Việt Nam giỏi chuyên môn nhưng hạn chế về ngoại ngữ. Vì thế, anh luôn cố gắng tìm giải pháp khắc phục điểm yếu này, hướng tới xây dựng một cộng đồng tài năng Việt Nam tại Mỹ, làm nền tảng vững chắc, mở đường cho các thế hệ sau.

Với anh Tâm, mỗi Việt kiều có cách đóng góp cho quê hương khác nhau. Anh muốn dùng chính “vốn liếng” của mình đóng góp cho Việt Nam dù vẫn đang sống và công tác tại Mỹ. Bên cạnh các hoạt động hợp tác giáo dục, anh còn đưa nhiều dự án về triển khai ở Việt Nam. Anh thuê nhân công Việt và trả mức lương cạnh tranh.

Giới hạn trong tư tưởng là rào cản lớn nhất

Đến nay, anh Tâm đã đưa được 7 sinh viên có tiềm năng về nghiên cứu và công nghệ sang Mỹ, trong đó có 4 sinh viên trực tiếp làm việc với anh và 3 người còn lại làm việc cùng các giáo sư khác.

Giáo sư Vũ Ngọc Tâm hướng dẫn sinh viên.

Để trở thành một nhà nghiên cứu giỏi, theo Giáo sư Tâm, trước tiên phải luôn có động lực, tìm ra vấn đề mà mình muốn giải quyết và không được từ bỏ cho tới khi đạt mục tiêu. Tố chất rất cần ở nhà nghiên cứu là tính tò mò, luôn háo hức khám phá những kiến thức mới. “Một người chỉ dựa trên những gì đã có mà không hiểu hết được bản chất sâu xa của vấn đề sẽ không thể thành công trong nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khoa học cơ bản. Khi đi học, nếu chỉ dừng lại ở việc làm xong bài vở thầy giao, sau này bạn khó có thể trở thành một người thầy”, anh chia sẻ.

“Phải chăng, ý tưởng là cái anh dùng để nuôi dưỡng đam mê của mình?”, tôi hỏi. Trầm ngâm một lúc, anh trả lời: “Đúng như vậy, tôi nghĩ đó là sự may mắn và cũng là bản chất của con người tôi”. Chắc hẳn, những tố chất của một nhà nghiên cứu, sự nỗ lực và trí tò mò đã giúp anh luôn có được nhiều ý tưởng mới.

Vị Giáo sư trẻ chia sẻ, thời phổ thông, các thầy cô hay than phiền với bố mẹ anh là anh “nghịch ngầm”, hay “chống đối” và thường không đồng tình với những gì các thầy cô dạy. Theo anh, nhà nghiên cứu phải luôn đặt ra câu hỏi, thay đổi giả thuyết để tìm ý tưởng mới, luôn giữ cho đầu óc mở; quan trọng là không nên chấp nhận bất cứ chuẩn nào và đi tới tận cùng bản chất của vấn đề để tìm ra “chuẩn” của riêng mình.

Với anh, mọi giới hạn đều có thể đạt tới nếu xác định đúng hướng và cố gắng hết mình. Điều ấy được anh truyền cảm hứng tới nhiều tài năng Việt mà anh dìu dắt. Anh Tâm kể, một nghiên cứu sinh của anh từng tâm sự: “Ngày xưa, khi đọc những bài báo đoạt giải quốc tế, em nghĩ họ là “thần tiên” phương nào, nay được gặp họ, làm được như họ thì chứng tỏ em có thể tiến xa bằng hoặc hơn họ”. Những lời tâm sự ấy cũng là động lực để anh luôn cố gắng chắp cánh cho ước mơ của sinh viên.

Biến ý tưởng thành thực tế

Khát khao mang đến những sản phẩm thực sự vì con người là lý do khiến Giáo sư Tâm tập trung sáng chế ở lĩnh vực y tế. Anh thiết kế, áp dụng lý thuyết và các kỹ thuật tiên tiến của hệ thống không dây thành ứng dụng cảm biến sinh học. Ví dụ, các thiết bị thông minh đo nhịp thở, giám sát tín hiệu sóng não, ghi lại chuyển động cơ bắp và giám sát chất lượng giấc ngủ.

Giáo sư Tâm muốn những công trình của mình được ứng dụng trong thực tế chứ không chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu và công bố khoa học. Anh luôn tâm niệm phải đưa những sản phẩm đó đến tận tay người dùng để chứng minh hiệu quả thực sự của nghiên cứu. Điều quan trọng nhất, với anh, là ngày càng có nhiều người trên thế giới có thể thay đổi được cuộc sống của họ nhờ những sản phẩm của mình.

“Mỗi lần phải đưa ra quyết định lớn, em hãy dành từ 1-2 ngày để suy nghĩ về nó, dựa trên những tư vấn từ những người có kinh nghiệm xung quanh mình. Sau đó, khi đã quyết định thì đừng bao giờ hối hận về lựa chọn của mình. Đừng chọn đường dễ để đi mà hãy chọn con đường dẫn đến điều có ý nghĩa nhất”, đó là cách anh mở khóa cho những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời và là lời khuyên cho tôi cũng như không ít bạn trẻ Việt. Tôi tin rằng, “cây Giáo sư Việt” của anh sẽ sớm đơm hoa, kết trái và vững chắc trên mảnh đất siêu cường.