📞

Uy lực đáng gờm của tàu ngầm hạt nhân Nga Knyaz Vladimir lớp Borei-II

09:17 | 07/06/2020
TGVN. Knyaz Vladimir có khả năng phóng cùng lúc 20 đầu đạn hạt nhân, đủ sức phá hủy các thành phố cách xa gần 10.000 km.
Tàu ngầm Knyaz Vladimir của Nga. (Nguồn: TASS)

Cách đây không lâu, nhà máy đóng tàu Sevmash Shipyard của Nga đã đặt tên cho sản phẩm mới nhất của họ - một tàu ngầm thuộc lớp Borei-II với tên gọi Knyaz Vladimir, theo tên của Vladimir Đại đế ở thế kỷ thứ 10. Con tàu này sẽ sớm được biên chế cho Hải quân Nga.

Hãng thông tấn TASS cho biết, việc bàn giao tàu ngầm Knyaz Vladimir đã bị trì hoãn ít nhất một lần do phát hiện ra “những thiếu sót”.

Bất chấp điều này, Giám đốc điều hành nhà máy đóng tàu Sevmash Shipyard cho biết: “Việc chế tạo thành công Knyaz Vladimir đã cho thấy truyền thống đóng tàu tốt nhất của chúng tôi dựa trên công việc tuyệt vời và trách nhiệm cao của các nhà khoa học, nhà thiết kế và đóng tàu”.

Theo quan chức trên, Knyaz Vladimir là loại tàu ngầm mới trong dòng tàu ngầm chiến lược với rất nhiều tính năng đã được nâng cấp.

Tàu ngầm Knyaz Vladimir mới thuộc lớp Borei-II, đúng như tên gọi của nó, dự kiến sẽ là tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hài quân Nga trong ít nhất vài thập kỷ. Mỗi tàu ngầm có thể mang theo 16 tên lửa đạn đạo Bulava. Những tên lửa này được cho là có khả năng hạt nhân.

Bulava sử dụng nhiên liệu rắn 3 tầng với tầm bắn hơn 8.300km. Chúng có độ chính xác cao khi so sánh với những tên lửa đạn đạo khác của phương tây. Mỗi tên lửa có thể mang từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân, nâng tổng số đầu đạn hạt nhân trên tàu từ 96 đến 160.

Trong khi tàu ngầm lớp Borei đời đầu được chế tạo một cách chắp vá, sử dụng cả phần thân của các tàu ngầm lớp Akula và lớp Oscar, thì lớp Borei-II lại thể hiện những ưu điểm vượt trội, được đóng tỉ mỉ và kỹ lưỡng ngay từ ban đầu.

Thay vì thỏa hiệp với thiết kế sử dụng lại phế liệu từ các tàu ngầm chưa hoàn thiện, lớp Borei-II là sản phẩm từ ý tưởng trực tiếp của các kỹ sư. Nó dường như phá vỡ quy chuẩn thiết kế tàu ngầm truyền thống của Liên Xô, với bánh lái thẳng đứng theo kiểu phương tây. "Cánh buồm" (phần cao nhất đặt các thiết bị quan sát) và phần đuôi có cấu hình giống với thiết kế của phương Tây.

Giải thích lý do tại sao tàu ngầm lớp Borei-II lại là một sự cải tiến so với tàu ngầm lớp Borei đầu tiên, một chuyên gia quân sự chia sẻ: “So sánh với lớp Borei đời đầu, tàu ngầm lớp Borei-II được trang bị thêm 4 ống phóng tên lửa, có thân nhỏ hơn và ít khiếm khuyết hơn cùng nhiều cải tiến kỹ thuật khác. Nó không chỉ được vũ trang tốt hơn mà còn tạo ra ít tiếng ồn hơn".

Theo các nhà thiết, Knyaz Vladimir có phần bên ngoài khác với tàu ngầm hạt nhân Yury Dolgoruky lớp Borei đầu tiên. Phần tháp không nhô ra phía trước, mũi tàu được thiết kế hợp lý hơn và cấu trúc thượng tầng của thân tàu có nhiều thay đổi. Tuy nhiên sự khác biệt lớn nhất nằm ở bên trong, nơi mà phòng điều khiển và thiết bị lái được vi tính hóa.

Knyaz Vladimir có lượng giãn nước khi nổi là 14.720 tấn và lượng giãn nước khi lặn là 24.000 tấn, hoạt động với tốc độ 15 hải lý/giờ trên mặt nước và 29 hải lý/giờ khi lặn. Nó có thể hoạt động trên biển 90 ngày, mang theo thủy thủ đoàn gồm 107 người.

Theo Daily Mail, Knyaz Vladimir có khả năng phóng cùng lúc 20 đầu đạn hạt nhân, đủ sức phá hủy các thành phố nằm cách xa gần 10.000 km và độ sâu hoạt động tối đa 400m, khiến radar của đối phương rất khó phát hiện.

Ước tính, Nga sẽ đóng tổng cộng 5 tàu ngầm cải tiến lớp Borei-II. 4 chiếc trong số này đang được chế tạo tại các nhà máy đóng tàu khác. Khi hoàn thiện, 5 tàu ngầm có khả năng được bàn giao cho hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

(theo Hồng Anh/VOV.VN)