Vaccine Covid-19 có hiệu quả với bệnh nhân ung thư không? |
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những người bị ung thư (hoặc có tiền sử ung thư) có thể tiêm một số loại vaccine, nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như loại vaccine, loại ung thư mà một người đã (mắc phải), họ có đang được điều trị ung thư, và hệ thống miễn dịch của họ có hoạt động tốt hay không. Do đó, tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ trước khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào.
Nhiều nhóm chuyên gia y tế khuyến cáo rằng hầu hết những người bị ung thư hoặc tiền sử ung thư nên tiêm vaccine Covid-19 khi có sẵn loại vaccine này.
Mối quan tâm chính về việc tiêm phòng không phải là liệu nó có an toàn cho bệnh nhân ung thư hay không mà là về hiệu quả của nó, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Một số phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, cấy ghép tế bào gốc hoặc tủy xương hoặc liệu pháp miễn dịch có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, điều này có thể làm cho vaccine kém hiệu quả hơn. Những người mắc một số loại ung thư, như ung thư bạch cầu hoặc u lympho, cũng có thể bị suy yếu hệ thống miễn dịch, điều này có thể làm cho vaccine kém hiệu quả.
Các nghiên cứu ban đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 không bao gồm những người được điều trị bằng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, như hóa trị hoặc những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch vì các lý do khác. Điều này là do các nghiên cứu cần thiết để xem liệu vaccine có hoạt động ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh hay không. Do đó, vẫn chưa rõ hiệu quả của vaccine đối với những nhóm người này.
Chưa có thông tin cụ thể về mức độ hiệu quả của vaccine đối với những người đang được điều trị ung thư, nhưng vaccine có thể mang lại hiệu quả ở những người có hệ miễn dịch suy yếu kém hơn so với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo rằng hầu hết bệnh nhân ung thư nên tiêm vaccine phòng Covid-19. Lý do vì những người có hệ miễn dịch mỏng manh có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng, do đó, thậm chí nhận được một số biện pháp bảo vệ từ vaccine vẫn tốt hơn là không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào.
Vì tình hình bệnh của mỗi người là khác nhau, tốt nhất là nên thảo luận về những rủi ro và lợi ích của việc tiêm một trong các loại vaccine Covid-19 với bác sĩ ung thư. Họ có thể cho biết khi nào nên tiêm.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, những trường hợp bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định nên tiêm ngừa vaccine Covid-19.
"Những người đã có tiền sử ung thư sau điều trị ổn định càng nên tiêm vaccine ngừa Covid-19. Bởi bệnh nhân ung thư khi nhiễm Covid-19, đã có sẵn bệnh lý nền khi mắc bệnh sẽ biểu hiện nặng nề hơn. Vaccine sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ các triệu chứng nặng", PGS Cơ cho biết.
Tuy nhiên, nhóm người có bệnh lý nền đã ổn định (bao gồm cả bệnh nhân ung thư điều trị ổn định) thuộc nhóm thận trọng khi tiêm, nên được khuyến cáo tiêm chủng tại bệnh viện, được bác sĩ khám sàng lọc kỹ trước khi chỉ định tiêm. Nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ thực hiện tiêm chủng, theo dõi sức khỏe sau tiêm như hướng dẫn.