Sau ba cuộc cách mạng công nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần này được đánh dấu bởi sự hội tụ của công nghệ kỹ thuật số, vật lý và sinh học và được dự đoán sẽ làm thay đổi thế giới với một quy mô và tốc độ rất lớn.
"Chúng ta đang bên bờ của một cuộc cách mạng công nghệ mà về cơ bản sẽ làm thay đổi cách sống, làm việc và tương tác của chúng ta. Với quy mô và phạm vi phức tạp của nó, những chuyển biến sẽ không giống như bất cứ điều gì mà nhân loại đã từng trải qua trước đây", Klaus Schwab, tác giả cuốn sách "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", dự báo.
Sự thay đổi sẽ đến từ kỹ thuật di truyền và công nghệ thần kinh, hai lĩnh vực có vẻ khó hiểu và xa lạ đối với người bình thường, nhưng kết quả của nó sẽ tác động lên việc chúng ta sống và tương tác với nhau như thế nào. Các chuyên gia dự báo, cuộc cách mạng sẽ ảnh hưởng đến "thị trường lao động, tương lai của công việc, bất bình đẳng trong thu nhập" và sẽ gây tác động đến an ninh địa chính trị và khuôn khổ đạo đức.
Nhà máy tự động hóa siêu thông minh
Vậy những thay đổi lớn là gì và lý do tại sao số đông người cho rằng đây là một cuộc cách mạng công nghiệp? Điều quan trọng mà các nhà lý thuyết nhấn mạnh rằng đó không phải sự phát triển đơn lẻ mà quy tụ của những phát triển quy mô. Nó đại diện cho một sự thay đổi về mô hình, chứ không phải là một bước tiến trong cuộc đua công nghệ quyết liệt.
"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không phải là một tập hợp các công nghệ mới nổi trội mà được xác định bởi việc chuyển đổi sang hệ thống mới, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng của cuộc cách mạng kỹ thuật số", Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Schwab khẳng định.
Theo ông Schwab, có ba lý do lý giải tại sao những thay đổi hiện tại không đại diện cho một phần mở rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, mà là sự xuất hiện của một cuộc cách mạng khác. Đó là, tốc độ, phạm vi và tác động vào các hệ thống. Tốc độ phát triển hiện nay là chưa từng có trong lịch sử và nó can thiệp vào hầu hết các ngành công nghiệp của tất cả các nước.
Cuộc cách mạng lần thứ tư tiếp tục quá trình chuyển biến lịch sử của ba cuộc cách mạng trước đó. Cuộc cách mạng đầu tiên giữa những năm 1760 và 1830, chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng thứ hai diễn ra vào năm 1850, mang điện đến và cho phép sản xuất cơ khí hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ ba đến vào giữa thế kỷ XX với sự ra đời của thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông.
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên giữa những năm 1760 và 1830, chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất cơ khí. (Nguồn: BBC) |
Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại xu hướng tự động hóa cơ khí. Trên thực tế, tên của nó được Chính phủ Đức đặt cho một dự án chiến lược công nghệ cao vào năm 2013 để sản xuất ra các sản phẩm, độc lập hoàn toàn với lao động chân tay của con người.
Tự động hóa được điều khiển bởi hệ thống mạng - vật lý, được thực hiện bởi internet trong không gian hay đám mây điện toán. Hệ thống mạng - vật lý kết hợp giữa thiết bị máy móc hữu hình với các quy trình kỹ thuật số, có thể đưa ra những quyết định phân cấp và hợp tác giữa chúng với con người thông qua mạng internet. Những gì chúng ta sẽ thấy đúng như các nhà lý thuyết nói rằng đó quả thật là “một nhà máy siêu thông minh".
Chính phủ Đức đã đặt tên cho một dự án chiến lược công nghệ cao vào năm 2013. (Nguồn: BBC) |
Năm 2015, công ty tư vấn Accenture đưa ra một số liệu kinh tế gây sốc là quy mô của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại cho nền kinh tế toàn cầu thêm 14,2 tỷ USD thu nhập trong 15 năm tới.
Tại Diễn đàn Davos hồi đầu năm nay, những học giả nhiệt tình nhất đã nêu ra những đặc trưng khi đề cập về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm công nghệ nano, công nghệ thần kinh, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hệ thống lưu trữ năng lượng, máy bay không người lái và máy in 3D. Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ là một trong những tiền đề gây tranh cãi nhất đối với các nhà quản lý vì có thể làm mất đi 5 triệu việc làm ở 15 quốc gia công nghiệp phát triển nhất.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại xu hướng tự động hóa cơ khí. (Nguồn: BBC) |
Cách mạng công nghiệp có lợi cho ai?
Những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất là những nước tiên tiến,cổ vũ cho sự thay đổi nhanh chóng và sâu sắc. Nhưng các chuyên gia cho rằng những nước có nền kinh tế mới nổi cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân trên những khu vực rộng lớn. Với sự xuất hiện của thế giới kỹ thuật số, những người hưởng lợi có thể chi trả thanh toán dịch vụ, nghe nhạc hoặc gọi taxi từ một điện thoại di động phổ thông rẻ tiền. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sẽ chỉ có lợi cho những người có khả năng thích nghi với sự đổi mới.
Trên trang báo mới nhất về sự đổi mới toàn cầu mà General Electric vừa công bố sau khi thu thập ý kiến của hơn 4.000 nhà lãnh đạo và những người quan tâm đến đổi mới ở 23 quốc gia khác nhau cho thấy có 70% số người kỳ vọng vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 85% tin rằng những đổi mới trong hệ thống mạng - vật lý sẽ mang lại nhiều lợi ích, 64% sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thực hiện đổi mới và chỉ 17% lo ngại về tác động tiêu cực đối với người lao động.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp này, sự phân phối trong các khu vực là không đồng đều, đặc biệt trong thị trường mới nổi lên ở châu Á, nơi đang nắm giữ những thay đổi có nhiều đột phá hơn so với các khu vực khác."Đột phá là tiêu chuẩn vàng cho các giám đốc điều hành cũng như công dân ở những khu vực đổi mới, nhưng vẫn là một mục tiêu khó thực hiện", bài báo trên nhấn mạnh.
5 yếu tố cơ bản của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư: 1. Đức là quốc gia đầu tiên lên chương trình nghị sự của Chính phủ như “một chiến lược công nghệ cao". 2. Dựa trên hệ thống mạng - vật lý, kết hợp giữa cơ sở hạ tầng vật chấtvới các phần mềm, các bộ cảm biến, công nghệ nano, công nghệ truyền thông kỹ thuật số. 3. Mạng internet sẽ đóng một vai trò quan trọng. 4. Cho phép nền kinh tế toàn cầu có thêm 14,2 tỷ USD thu nhập trong 15 năm tới. 5. Sẽ làm thay đổi hoàn toàn tới việc làm trong tương lai và tác động đến các ngành công nghiệp trên toàn thế giới. |