📞

Vai trò của các Mục tiêu Phát triển Bền vững LHQ thời hậu Covid-19

08:47 | 15/08/2020
TGVN. Hệ lụy của đại dịch Covid-19 từ trung hạn tới dài hạn đang là một vấn đề được bàn luận rộng rãi trong những tháng qua bởi ngoài việc tạo ra khủng hoảng y tế ở nhiều quốc gia, Covid-19 cũng ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế-xã hội trên quy mô toàn cầu.
Covid-19 ngoài việc tạo ra khủng hoảng y tế ở nhiều quốc gia còn gây ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế-xã hội trên quy mô toàn cầu. (Nguồn: AP)

Trong một thế giới đa liên kết như hiện nay, đại dịch đã tạo ra một hiệu ứng lây lan tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và có thể trầm trọng hơn cả cuộc Đại suy thoái trong thập niên 1930. Với bối cảnh như vậy, việc đánh giá những thành quả đã đạt được của 193 quốc gia trong nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc cũng như triển vọng tương lai của các quốc gia này là điều cần thiết.

Khuôn khổ của SDG bao gồm 17 mục tiêu được thiết lập dựa trên 5 trụ cột (con người, hành tinh, thịnh vượng, hòa bình và hợp tác), với các trụ cột xây dựng trên 7 yếu tố, đó là tinh thần, sinh thái, xã hội, kinh tế, luật pháp, kỹ thuật và chính trị. Trong khi các yếu tố sinh thái, xã hội, kinh tế và kỹ thuật nhận được nhiều sự quan tâm từ các công trình kinh tế học, 3 nhân tố còn lại hầu như vẫn bị lãng quên.

Các hàm ý kinh tế

Tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế đã tụt giảm đáng kể như một hệ quả tất yếu của đại dịch. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2020, tỷ lệ tăng trưởng dự kiến của hầu hết các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển và nền kinh tế mới nổi trong năm 2020 sẽ ở mức âm, với sự hồi phục không đáng kể trong năm 2021.

Ở Ấn Độ, thất nghiệp và phá sản kinh doanh tăng mạnh trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và đây không phải là trường hợp duy nhất. Hệ lụy kinh tế từ đại dịch chắc chắn sẽ đẩy hàng triệu người rơi vào hố sâu nghèo đói, làm gia tăng thêm các vấn đề kinh tế-xã hội địa phương, trong khu vực và trên quy mô toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay khi chương trình nghị sự phát triển của thế giới chủ yếu tập trung vào giảm thiểu sự phân hóa cũng như thu hẹp sự chênh lệch kinh tế giữa những quốc gia này, dư chấn của cơn đại dịch chắc chắn sẽ làm tình hình tồi tệ hơn nữa trong tương lai gần.

Những vấn đề này được biểu hiện rõ trong quá trình sụt giảm kinh tế toàn cầu liên quan tới SDG số 1 (không có nghèo khổ), SDG số 2 (không có đói kém), SDG số 3 (sức khỏe và thịnh vượng), SDG số 4 (chất lượng giáo dục), SDG số 5 (bình đẳng giới), SDG số 8 (việc làm và tăng trưởng kinh tế), SDG số 10 (giảm bất bình đẳng), SDG số 11 (các thành phố và cộng đồng bền vững) và SDG số 12 (sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm).

Sự chậm trễ trong tăng trưởng kinh tế tới lượt nó sẽ kìm hãm các SDG liên quan tới phát triển sinh thái và phát triển môi trường bền vững. Hệ quả là khi một quốc gia trượt hạng trong chương trình phát triển bền vững, việc theo đuổi các mục tiêu khác của quốc gia đó cũng bị ảnh hưởng, nguyên nhân là do mối liên hệ hai chiều giữa các mục tiêu này.

Thứ nhất, đói nghèo và bất bình đẳng xã hội ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu thị trường ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng, nguyên nhân là do xu hướng tiêu dùng khác nhau một cách đáng kể giữa người giàu và người nghèo.

Thứ hai, quá trình thực hiện SDG số 9 liên quan tới công nghiệp và đổi mới sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh lời trong tương lai. Nếu quá trình thực hiện mục tiêu này bị cản trở, nó sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư tư nhân vào và ra.

Nguồn vốn dài hạn

Chúng ta nên tập trung cao độ hơn nữa vào các SDG trong giai đoạn hậu đại dịch bởi vì những mục tiêu này về cốt lõi có liên quan mật thiết tới các nguồn vốn: nguồn vốn con người (SDG số 1-6), nguồn vốn vật lý (SDG số 7-9), nguồn vốn tự nhiên (SDG số 12-15) và nguồn vốn xã hội (SDG số 10, 11, 16 và 17). Các nguồn vốn này đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp cú hích dài hạn tới môi trường kinh doanh vốn đang ảm đạm trong bối cảnh hiện nay.

Bài nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu Nhà quan sát đã cung cấp những bằng chứng kinh tế lượng cho thấy chỉ số phát triển bền vững của các bang Ấn Độ là "có ý nghĩa thống kê" trong việc giải thích tình hình kinh doanh thuận lợi cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào quốc gia Nam Á này.

Mối quan hệ giữa các nguồn vốn bên trong các SDG là một chất xúc tác thúc đẩy phát triển kinh doanh trong dài hạn thông qua việc giảm thiểu những rủi ro về môi trường, chính trị và xã hội trong những năm qua; thông qua việc tăng cường cấu trúc quản lý minh bạch trong giải quyết các rủi ro và tác động của tăng trưởng bền vững; thông qua việc tạo ra những cơ hội thị trường mới đồng bộ với các SDG; cũng như thông qua việc thiết lập mạng lưới hợp tác công-tư giúp tăng cường tính linh hoạt và tính cạnh tranh của thị trường.

Theo logic, một môi trường kinh doanh với những điều kiện kinh doanh thuận lợi sẽ luôn thu hút được nhiều hơn các công ty đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế. Bởi vậy, việc quan trọng cần làm sau đại dịch là phải tăng cường đầu tư vào khu vực tư cũng như thực hiện các gói kích cầu thị trường một cách đồng bộ với các SDG.

Các SDG tập trung vào quá trình thúc đẩy cơ chế tăng trưởng toàn diện. Mục tiêu này đang trở nên thích đáng hơn bao giờ hết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng ít nhiều tới mọi tầng lớp của xã hội cũng như đẩy mỗi giai cấp xã hội, mỗi quốc gia vào thế bất lợi so với trước đây. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng những người nghèo đói nhất hoặc những người dễ bị tổn thương nhất bởi thất nghiệp sẽ là nhóm những người chịu nhiều hệ lụy kinh tế nghiêm trọng.

Khu vực tư hoạt động chủ yếu dựa trên cơ sở động cơ cá nhân hoặc chủ nghĩa cá nhân, bởi vậy trong giai đoạn sau khủng hoảng, vai trò của chính phủ và của các thể chế toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới (WB) cần trở nên độc lập một cách tương đối, ít nhất là tới khi những nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất bắt đầu trên con đường hồi phục.

Trừ phi chính phủ có thể thiết lập những điều kiện cần thiết để chuyển đổi các mục tiêu xã hội thành các động cơ cá nhân, việc thực hiện SDG số 17 (liên quan tới sự hợp tác) có thể trở thành yếu tố cản trở quá trình thực hiện SDG số 16 (liên quan tới hòa bình, công lý và thể chế mạnh).

(theo Asiatimes.com)